Ngành gỗ Việt Nam sống trong thời điểm rất “sốc” trong những ngày vừa qua là chia sẻ của ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam trong tọa đàm "Ứng phó thuế đối ứng của Hoa Kỳ" do Báo Tiền phong tổ chức ngày 8/4/2025.
Các doanh nghiệp gỗ Việt Nam bị dồn vào chân tường khi liên tiếp phải đối diện với hai “vòng kim cô” từ Mỹ.
Từ ngày 1/3, Bộ Thương mại Mỹ đã viện dẫn khoản 232 trong Đạo luật Mở rộng thương mại năm 1962 để khởi xướng cuộc điều tra nhằm áp thuế hoặc áp đặt hạn ngạch nhập khẩu với các mặt hàng bị cho là đe dọa an ninh quốc gia, trong đó có sản phẩm gỗ của Việt Nam. Đây là loại thuế đặc biệt, thường ở mức 25%, được xem là “vũ khí mạnh tay” của Mỹ đối với các ngành hàng chiến lược.
Trong khi một phần xuất khẩu vào Mỹ trị giá 800 triệu USD đang chờ kết quả điều tra trong vòng 270 ngày thì từ 12h01 trưa ngày 9/4/2025, rất nhiều sản phẩm gỗ xuất khẩu sang Mỹ chính thức chịu mức thuế đối ứng lên đến 46% khiến doanh nghiệp không còn biên độ lợi nhuận.
Mức thuế cao kỷ lục này là “đòn” đánh rất mạnh vào công nghiệp gỗ, vượt xa ngưỡng chịu đựng của các doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh chi phí sản xuất, nhân công và logistics vốn đã leo thang thời gian qua.
Theo ông Ngô Sỹ Hoài, cú “đánh kép” này đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ chuỗi cung ứng ngành gỗ, từ khoảng 4.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ đến gần 1 triệu hộ nông dân đang trồng rừng nguyên liệu.
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam. Ảnh: Báo Tiền phong
Mỹ hiện là thị trường lớn nhất của gỗ Việt Nam, chiếm tới 38 - 40% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành, tương đương 9,4 tỷ USD. Tỷ trọng này tăng nhanh sau năm 2018, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng nổ và các nhà nhập khẩu Mỹ tìm cách rời Trung Quốc để đa dạng hóa nguồn cung. Việt Nam trở thành điểm đến thay thế hấp dẫn, nhất là ở phân khúc tầm trung, phục vụ tầng lớp trung lưu tại Mỹ.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đẩy mạnh nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Mỹ, vốn là quốc gia giàu tài nguyên rừng, cần thị trường tiêu thụ. Các sản phẩm nội thất của Việt Nam xuất sang Mỹ như bàn, ghế, giường… chủ yếu sử dụng gỗ nguyên liệu nhập từ Mỹ, tạo nên mối quan hệ cộng sinh chặt chẽ giữa hai bên.
“Chúng tôi khó lượng hóa con số thiệt hại tuy nhiên là rất lớn. Hiện, nhiều đối tác nhập khẩu đề nghị hoãn một số đơn hàng. Chắc họ không ký đơn hàng mới. Chúng tôi đang đẩy mạnh tìm kiếm tăng xuất khẩu sang thị trường”, ông Hoài nói.
Ngành gỗ đang tìm hướng đi mới. Ảnh: Hoàng Anh
Việc Mỹ trở thành thị trường tiêu thụ tới 56,4% giá trị xuất khẩu ngành gỗ trong năm 2024 cho thấy sự lệ thuộc lớn. Dù ngành đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu đa dạng hóa thị trường, không thể “bỏ hết trứng vào một giỏ”, nhưng thực tế triển khai không dễ dàng.
Ngoài Mỹ, Việt Nam xuất khẩu gỗ sang 160 quốc gia và vùng lãnh thổ khác, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU. Tuy nhiên, nhiều thị trường chỉ nhập khẩu dăm gỗ, viên nén hoặc gỗ nguyên liệu, còn sản phẩm nội thất hoàn chỉnh thì gần như chỉ có Mỹ tiêu thụ mạnh và ổn định nhất.
Theo ông Hoài, ngành gỗ từng bước đã hướng đến các phân khúc cao hơn. Một số doanh nghiệp trong nước đã đủ năng lực sản xuất, đấu thầu để cung cấp đồ gỗ cho các công trình quy mô lớn như cung điện hay khách sạn hạng sang. Đây là lĩnh vực có lợi nhuận cao hơn, song đòi hỏi năng lực và kinh nghiệm không dễ phổ cập.
Đại sứ Nhật Bản từng gợi ý Việt Nam cần nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng Nhật để có thể xuất khẩu cả đồ nội thất chứ không chỉ dăm gỗ như hiện nay.
Bên cạnh khó khăn về thị trường, ngành gỗ Việt Nam cũng đang chịu áp lực từ các tiêu chuẩn ngày càng nghiêm ngặt của quốc tế.
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam – chiếm khoảng 51% toàn ngành, so với 49% của doanh nghiệp trong nước – ngành đã sớm phối hợp tăng cường kiểm tra và xử lý mạnh tay nếu phát hiện hành vi gian lận thương mại. Đây cũng là một phần trong nỗ lực giữ hình ảnh minh bạch, tuân thủ cao của toàn ngành.
Việt Nam đã chủ động phát đi thông điệp rõ ràng rằng, ngành gỗ cam kết đi đầu trong việc thực hiện các quy định của EU về không gây mất rừng, không suy thoái rừng, đồng thời truy xuất nguồn gốc rõ ràng, minh bạch.
Trong thời kỳ chính quyền Trump đầu tiên, Mỹ từng điều tra rất sâu về vấn đề gian lận thương mại, thao túng tiền tệ và vận chuyển gỗ bất hợp pháp liên quan tới Việt Nam. Qua nhiều phiên điều trần, Việt Nam đã chứng minh sự trong sạch và hợp tác hiệu quả, tạo nền tảng cho mối quan hệ thương mại “win - win”.
“Đây là lúc nhìn lại chặng đường tìm lối đi mới”, ông Hoài nhấn mạnh.
Quỳnh Chi