Doanh nghiệp dệt may Việt đang chịu áp lực lớn trước khả năng Chính phủ Mỹ áp thuế đối ứng tới 46% lên hàng xuất khẩu. Ảnh: GMC.
"Dù đơn hàng đã có dấu hiệu phục hồi trong những tháng đầu năm nay, nhưng tâm lý lo ngại trước biến động khó lường từ thị trường Mỹ vẫn khiến các đối tác trở nên thận trọng hơn trong việc ký kết kế hoạch sản xuất dài hạn", ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM (Agtek) chia sẻ.
Theo ông Hồng, hiện nay phần lớn đối tác chỉ dám ký hợp đồng với doanh nghiệp dệt may Việt trong khoảng thời gian ngắn, phổ biến là 3 tháng, bởi còn chờ quyết định cuối cùng từ chính phủ Mỹ liên quan đến việc áp thuế.
Nhiều áp lực
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng nhìn nhận ngành dệt may những tháng đầu năm nay đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc khi kim ngạch xuất khẩu toàn ngành trong 2 tháng đầu năm đã đạt hơn 7 tỷ USD, tăng trưởng 14% so với cùng kỳ.
Riêng với Vinatex, ông cho biết doanh nghiệp đã xuất khẩu gần 400 triệu USD trong 2 tháng, tiến dần tới mục tiêu cả năm là 2 tỷ USD.
Với đà tăng trưởng này, ông Hiếu kỳ vọng ngành dệt may Việt Nam nói chung và Vinatex nói riêng sẽ hoàn thành kế hoạch năm, hướng tới mức tăng trưởng tối thiểu 8% như mục tiêu Chính phủ đã đề ra.
Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn nhìn nhận việc Mỹ áp thuế đối ứng lên đến 46% đối với hàng hóa Việt Nam sẽ tạo ra nhiều áp lực, khi đây là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành.
Trước tình hình này, ông Hiếu cho rằng các doanh nghiệp dệt may cần chủ động tìm kiếm những hướng đi mới, không chỉ để giảm phụ thuộc vào các thị trường truyền thống, mà còn nâng cao năng lực thích ứng trước những thay đổi chính sách toàn cầu.
Với Vinatex, sau một năm triển khai, doanh nghiệp đã chính thức sản xuất thành công dòng vải và trang phục chống cháy, phục vụ cho chuỗi cung ứng sản phẩm bảo hộ, với các đơn hàng thương mại đầu tiên.
Dù vậy, đại diện Vinatex cho biết đây mới chỉ là khởi đầu của một hành trình hợp tác dài hạn. Doanh nghiệp cần tiếp tục duy trì sự ổn định thiết bị, đồng đều chất lượng sản phẩm, nâng cao dịch vụ khách hàng, đồng thời ứng phó linh hoạt với các yếu tố bất ổn địa chính trị và biến động thị trường toàn cầu.
Hướng đi cho doanh nghiệp dệt may
Theo ông Cao Hữu Hiếu, cùng với việc phát triển sản phẩm mới, doanh nghiệp dệt may cần tích cực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Việc mở rộng sang các quốc gia đã ký kết hiệp định thương mại tự do như Australia, New Zealand, Trung Đông và châu Phi là một hướng đi tiềm năng, bởi những thị trường này còn nhiều dư địa và ít bị tác động bởi các chính sách bảo hộ từ Mỹ.
Song song đó, ông nhận định các doanh nghiệp cũng cần chú trọng nâng cao hiệu quả quản trị sản xuất. Việc tối ưu hóa chi phí, cải thiện năng suất lao động và duy trì đội ngũ nhân sự chất lượng cao là những yếu tố then chốt.
Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi số cần tiếp tục được đẩy mạnh, thông qua việc áp dụng các giải pháp quản trị hiện đại, kết hợp với chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn.
"Đây là những xu hướng tất yếu mà doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc, đặc biệt khi nhiều quốc gia, trong đó có các thị trường lớn như châu Âu, đang siết chặt các quy định phi thuế quan liên quan đến minh bạch chuỗi cung ứng, tiêu chuẩn môi trường và phát triển bền vững", ông Hiếu bổ sung.
Ngoài ra, theo ông, công tác đào tạo và giữ chân người lao động cũng cần được đặc biệt chú trọng, bởi trong bất kỳ điều kiện thị trường nào, việc đầu tư cho đội ngũ cán bộ quản lý và nguồn nhân lực chất lượng cao luôn là yếu tố sống còn, góp phần đảm bảo sự ổn định và phát triển dài hạn cho doanh nghiệp.
Nếu biết cách đa dạng hóa thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh nội tại, doanh nghiệp có thể giảm thiểu rủi ro và duy trì đà tăng trưởng. Ảnh: Saigontex.
Ở góc nhìn toàn ngành, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng tác động từ chính sách thuế của Mỹ là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu biết cách đa dạng hóa thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh nội tại, doanh nghiệp có thể giảm thiểu rủi ro và duy trì đà tăng trưởng.
Trong bối cảnh đó, ông Giang kỳ vọng Triển lãm Quốc tế ngành công nghiệp dệt may, thiết bị, nguyên phụ liệu và vải (SaigonTex - SaigonFabric) diễn ra từ ngày 9 đến 12/4 tới sẽ trở thành "lời giải" quan trọng giúp doanh nghiệp thích ứng và phát triển.
Với sự góp mặt của hơn 1.100 nhà triển lãm đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, ông cho rằng triển lãm sẽ là cầu nối hiệu quả giữa doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ, tự động hóa và cung ứng nguyên phụ liệu.
Ngoài ra, theo ông Giang, triển lãm còn tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề xoay quanh các chủ đề cấp thiết như quản trị số, phát triển bền vững, năng lượng tái tạo, tiết kiệm tài nguyên và các xu hướng tiêu dùng mới. Những nội dung này được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp định hình chiến lược dài hạn trong bối cảnh ngành dệt may toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng xanh - thông minh - số hóa.
Dĩ nhiên, chặng đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức. Tuy nhiên, ông Hiếu tin rằng nếu doanh nghiệp đáp ứng tốt các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế, từ tiêu chí xanh, đổi mới công nghệ đến nâng cao năng lực quản trị, ngành dệt may Việt Nam hoàn toàn có thể vượt mốc mục tiêu xuất khẩu 48 tỷ USD trong năm nay.
Liên Phạm