Ngành Kế hoạch và Đầu tư: Giữ vững tinh thần tiên phong trong cải cách và đổi mới

Ngành Kế hoạch và Đầu tư: Giữ vững tinh thần tiên phong trong cải cách và đổi mới
17 giờ trướcBài gốc
Đóng góp vào thành công của nền kinh tế trong năm 2024
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024, triển khai công tác năm 2024 và kỷ niệm 79 năm thành lập ngành Kế hoạch và Đầu tư diễn ra tại Hà Nội vào sáng 28/12, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2024 Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỷ niệm tròn 79 năm và chuẩn bị bước sang năm thứ 80 của chặng đường lịch sử thành lập và phát triển, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, nhất là chặng đường 40 năm đổi mới.
Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: CP
Khát quát lại giai đoạn từ đầu năm 2020-2024, nhất là năm 2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, tình hình thế giới và trong nước biến động hết sức phức tạp, nhanh chóng, khó lường, nhưng nền kinh tế Việt Nam đã vàng vượt qua khó khăn, thách thức; tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện từ đầu nhiệm kỳ đến nay và trong năm 2024, tạo cơ hội để đất nước tự tin bước vào kỷ nguyên mới, hướng tới mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và năm 2045, phải trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Nhìn lại năm 2024, cùng với thành tựu chung của cả nước, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, ngành Kế hoạch - Đầu tư và Thống kê cũng đã gặt hái được nhiều kết quả nổi bật, có thể khái quát thành 10 điểm sáng, bao gồm: Thứ nhất, đã nỗ lực không ngừng nghỉ để hình thành một hệ tư duy mới, tầm nhìn chiến lược mới về kỷ nguyên phát triển vươn mình, trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.
Thứ hai, quy mô, tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục được nâng lên, không ngừng phát huy những thành tựu đạt được sau 40 năm Đổi mới, nhất là từ đầu nhiệm kỳ đến nay, giúp nước ta tích lũy thế và lực cho sự phát triển bứt phá trong giai đoạn tiếp theo.
Ngành Kế hoạch và Đầu tư đã tập trung theo dõi sát, nắm chắc tình hình, làm tốt công tác dự báo để chủ động, linh hoạt, kịp thời điều chỉnh trọng tâm ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành, phù hợp với diễn biến tình hình thực tế và yêu cầu phát triển đặt ra. Kết thúc năm 2024, Việt Nam có khả năng hoàn thành 15/15 chỉ tiêu chủ yếu, tốc độ tăng trưởng khoảng 7%, vượt mục tiêu đề ra (6-6,5%).
Thứ ba, thực hiện 3 đột phá chiến lược đạt nhiều kết quả rõ nét nhờ đổi mới trong tư duy, cách nghĩ, cách làm, cách thức tổ chức triển khai.
Cụ thể, về thể chế, tư duy xây dựng pháp luật đã chuyển đổi theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, tư duy quản lý không cứng nhắc nhằm giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.
Về hạ tầng, dự án đường dây 500kV mạch 3 có quy mô khoảng 1 tỷ USD, được hoàn thành chỉ trong 6 tháng, là biểu tượng của sức mạnh niềm tin, sự đoàn kết, tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”, trở thành hình mẫu để triển khai các dự án hạ tầng quy mô lớn hiện tại cũng như sắp tới, là bài học quý về tinh thần quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của Chính phủ, mà trực tiếp là đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính...
Thứ tư, nhiều chính sách, giải pháp được triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn, thích ứng với các xu hướng mới toàn cầu.
Thứ năm, đưa Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI toàn cầu vốn đang suy giảm và cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các quốc gia. Thu hút FDI 11 tháng ước gần 31,4 tỷ USD, vốn FDI thực hiện ước khoảng 21,7 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ.
Đặc biệt là, Chính phủ và Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới NVIDIA đã ký kết thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển và Trung tâm Dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là sự kiện mang tính bước ngoặt lịch sử đối với Việt Nam, đưa nước ta trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển AI hàng đầu ở châu Á.
Thứ sáu, khơi thông và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển. Việc xử lý các doanh nghiệp, ngân hàng yếu kém, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả đạt kết quả tích cực.
Ngành Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập các ban chỉ đạo, tổ công tác, đoàn làm việc của Thành viên Chính phủ, các tổ công tác tại địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư phát triển, nhất là các dự án hạ tầng trọng điểm, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Thứ bảy, thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, các ngành, lĩnh vực mới như kinh tế số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, nông nghiệp công nghệ cao… và các mô hình kinh tế mới như trung tâm tài chính quốc tế, khu vực, khu thương mại tự do… tại một số địa phương.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: MPI
Thứ tám, công tác quy hoạch cơ bản hoàn thành. Phát huy hiệu quả các Hội đồng điều phối vùng trong việc tổ chức thực hiện quy hoạch vùng, triển khai các chương trình, dự án có tính vùng và thúc đẩy liên kết vùng, tạo các động lực và cực tăng trưởng mới cho đất nước.
Thứ chín, giữ vững ổn định về kinh tế, chính trị, xã hội…, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng, môi trường kinh doanh của nước ta, cam kết đầu tư và gắn bó lâu dài với sự phát triển của Việt Nam.
Thứ mười, hoạt động đối ngoại, ngoại giao kinh tế, nhất là ngoại giao về công nghệ đạt được nhiều thành tựu quan trọng; đẩy mạnh đối thoại kinh tế với các nước đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, các doanh nghiệp lớn toàn cầu… nâng cao vị thế, uy tín đất nước và mở ra các cơ hội, thời cơ, thuận lợi mới cho phát triển. Hợp tác Vành đai con đường, các hoạt động ngoại giao với Lào, Campuchia, các nước lưu vực sông Mê kông… tiếp tục được đẩy mạnh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: “Những kết quả quan trọng, tạo đà, khí thế mới để phấn đấu tăng trưởng bứt phá trong năm 2025, chuẩn bị cho giai đoạn tăng trưởng cao 2026-2030 và hiện thực hóa tầm nhìn của Tổng Bí thư về kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc”.
5 bài học trong quản lý, điều hành trong thời gian tới
Mặc dù đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ, đáng tự hào, nhưng lãnh đạo ngành Kế hoạch và Đầu tư cũng thẳng thắn nhìn nhận còn có những mặt tồn tại, hạn chế, chưa làm được như kỳ vọng. Công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu còn có những lúc chưa kịp thời, chưa bao quát hết tác động, nhất là những vấn đề phức tạp, bất ngờ phát sinh; một số công việc triển khai còn chậm; năng lực, trình độ chuyên môn của một bộ phận công chức, viên chức còn hạn chế, chưa đồng đều, chưa thực sự chủ động, quyết liệt trong tham mưu, chưa làm tròn trách nhiệm được giao.
Từ những kết quả đạt được và hạn chế, bất cập, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rút ra một 5 bài học kinh nghiệm trong quản lý, điều hành, triển khai công việc thời gian tới, bao gồm: Thứ nhất, không ngừng rèn luyện bản lĩnh, trí tuệ; luôn kiên trì, kiên định, giữ vững tinh thần đột phá, tiên phong trong cải cách và đổi mới, khát vọng phát triển, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết trong công tác tham mưu, thực hiện nhiệm vụ được giao; lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể để phục vụ; xây dựng mọi chính sách đều hướng tới mục tiêu phải mang lại hạnh phúc cho người dân.
Ngành Kế hoạch và Đầu tư đóng góp tích cực vào kết quả tăng trưởng kinh tế năm 2024. Ảnh: MPI
Thứ hai, quán triệt nghiêm, bám sát chủ trương, quan điểm, định hướng lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác tham mưu chính sách và tổ chức thực hiện.
Thứ ba, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương; phát huy trí tuệ tập thể, đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng vì nhiệm vụ chung; không lồng ghép lợi ích cá nhân, tham nhũng, tiêu cực.
Thứ tư, bám sát thực tiễn và yêu cầu phát triển, coi khó khăn của người dân, doanh nghiệp cũng là khó khăn của mình; chủ động nghiên cứu, tìm tòi hướng đi, giải pháp mới kịp thời, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm trong tham mưu, triển khai nhiệm vụ, công việc được giao.
Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế và trong nước, huy động, khai thác hiệu quả nguồn lực tài chính, tri thức từ các chuyên gia, nhà khoa học, phát huy trí tuệ tập thể để phục vụ nghiên cứu, tham mưu chính sách.
Đặc biệt, xác định năm 2025 cũng là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trong 20 năm tới, Việt Nam phải tăng trưởng cao, phấn đấu ở mức 2 con số (10% trở lên) để hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045, để đạt được mục tiêu đó, ngành Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung nghiên cứu, cụ thể hóa tầm nhìn chiến lược của Đảng về kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, tiếp sau Kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội và Kỷ nguyên đổi mới. Cùng với đó, xây dựng những thể chế vượt trội để doanh nghiệp nhà nước khẳng định được vị trí, vai trò chủ đạo và sứ mệnh dẫn dắt, tiên phong trong những lĩnh vực then chốt, thiết yếu của nền kinh tế...
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị và kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, toàn ngành Kế hoạch - Đầu tư và Thống kê, dù ở bất kỳ hoàn cảnh khó khăn, thách thức nào, bất kỳ vị trí công tác nào, nhiệm vụ nào, cũng phải nỗ lực hơn nữa, trí tuệ và bản lĩnh hơn nữa, kế thừa và phát huy truyền thống quý báu của 80 năm thành lập và phát triển.
Nguyễn Hòa
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/nganh-ke-hoach-va-dau-tu-giu-vung-tinh-than-tien-phong-trong-cai-cach-va-doi-moi-366685.html