Ngành Lâm học là ngành học nghiên cứu về rừng và quản lý các hệ sinh thái liên quan. Ngành học này đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và bảo vệ rừng, quản lý tài nguyên, giảm thiểu tác động của các hoạt động như: khai thác gỗ, chăn nuôi động vật trong rừng, đồng thời, giữ gìn đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng. Ngoài ra, ngành Lâm học còn có vài trò quan trọng trong việc nghiên cứu và phát triển các giải pháp phù hợp nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Ngày càng ít thí sinh đăng ký học ngành Lâm học
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Văn Cường - Trưởng khoa, Khoa Nông Lâm Ngư nghiệp, Trường Đại học Hồng Đức chia sẻ: "Trong 3 năm gần đây, số lượng thí sinh đăng ký ngành Lâm học giảm rõ rệt nên nhà trường không thể tổ chức thực hiện giảng dạy ngành này. Năm 2024, do chỉ có 6 em đăng ký học nên không đủ điều kiện mở lớp, nhà trường đã thông báo và khuyến khích sinh viên chuyển qua ngành học khác. Việc ít thí sinh đăng ký vừa gây khó khăn cho sinh viên trong quá trình học tập, vừa giảm chất lượng đào tạo và gây ra sự thiếu hụt về nhân lực trong tương lai.
Năm 2025, Trường Đại học Hồng Đức buộc phải tạm dừng tuyển sinh ngành Lâm học vì không có hoặc có ít sinh viên đăng ký học. Nhà trường đang xem xét nhu cầu của xã hội và tiến hành khảo sát, đánh giá hiệu quả của chương trình đào tạo. Sau 2 - 3 năm nữa, nếu nhu cầu xã hội vẫn cần, nhà trường sẽ xem xét mở lại ngành Lâm học".
Sinh viên ngành Lâm học, Trường Đại học Hồng Đức trong một lần thực tập tại khu bảo tồn. Ảnh: NTCC.
Cùng bàn về vấn đề này, Trưởng khoa Nông - Lâm - Ngư của một trường đại học cho biết: "Chương trình đào tạo ngành Lâm học trang bị cho sinh viên đầy đủ những kiến thức chuyên ngành về sinh thái học, lâm sinh, trồng rừng, điều tra, bảo vệ, quản lý nguồn tài nguyên rừng. Đồng thời, có kiến thức và kỹ năng thiết kế, chỉ đạo thực hiện các công trình xây dựng và phát triển rừng; khả năng điều tra, đánh giá tài nguyên thiên nhiên, rừng và môi trường, quy hoạch lâm nghiệp và quản lý sử dụng đất lâm nghiệp; có khả năng nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ lâm nghiệp.
Để theo học ngành này, cần có một số tố chất như: yêu thiên nhiên, môi trường, thích chăm sóc vật nuôi, cây trồng; có khả năng nhớ tên và phân loại các loài động thực vật; thu thập hay nghiên cứu các khía cạnh khác nhau của thiên nhiên...
Hiện nay, Lâm học là ngành học được đánh giá cao vì đây là một trong những lĩnh vực được Nhà nước quan tâm, nhưng thực tế những năm gần đây, số lượng thí sinh đăng ký vào ngành này giảm rõ rệt".
Theo vị trưởng khoa, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng này là do công việc của ngành Lâm học có mức thu nhập thấp, tính chất vất vả và phải làm ở khu vực đồi núi, xa xôi. Thông thường, thí sinh đăng ký học là học sinh từ vùng sâu, vùng xa, những em học sinh ở thành phố ít khi chọn ngành này.
Ngoài ra, công việc yêu cầu phải làm việc xa nhà cũng khiến nhiều sinh viên "e ngại". Quan trọng hơn, nhiều người chưa thực sự nhận thức được tầm quan trọng của ngành Lâm học đối với môi trường và xã hội. Đây không chỉ là công việc mà còn là ý thức, hành trình dài hạn về bảo vệ môi trường.
Đề xuất có cơ chế, hỗ trợ giống với sinh viên sư phạm
Theo Tiến sĩ Lê Văn Cường, nguyên nhân chính khiến ngành Lâm học ít thí sinh đăng ký là phụ huynh và học sinh không thấy sức hấp dẫn của ngành, lo ngại về môi trường làm việc vất vả và cơ hội thăng tiến hạn chế. Thực tế, ngành Lâm học thường bị xem là công việc vất vả, ít người lựa chọn. Đặc thù của ngành yêu cầu làm việc trong điều kiện ngoài trời, đôi khi phải công tác tại những vùng sâu, vùng xa, điều kiện sinh hoạt khó khăn.
Dù nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này vẫn cao, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nhưng mức lương và chế độ đãi ngộ chưa thực sự hấp dẫn để thu hút người học. Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm ổn định, chưa kể các vị trí công việc trong ngành thường yêu cầu sự kiên trì, gắn bó lâu dài.
Tiến sĩ Lê Văn Cường - Trưởng khoa, Khoa Nông Lâm Ngư nghiệp, Trường Đại học Hồng Đức. (Ảnh: NVCC)
Để thu hút sinh viên theo học ngành này, Tiến sĩ Lê Văn Cường cho rằng cần có cơ chế, hỗ trợ sinh viên ngành Lâm học giống với sinh viên sư phạm. Đồng thời, sinh viên sau khi tốt nghiệp công tác ở vùng sâu, vùng xa cần có thêm chính sách thu hút và phụ cấp riêng.
Còn theo vị Trưởng khoa Nông - Lâm - Ngư của một trường đại học nhận định, để thu hút sinh viên theo học ngành Lâm học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng chiến lược cụ thể, rõ ràng. Đặc biệt, có thể miễn hoặc giảm học phí để thu hút sinh viên hơn. Các doanh nghiệp, công ty cùng tham gia, hỗ trợ trong việc tạo ra cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp cũng là 1 giải phải hợp lý để thu hút người học.
Ngoài ra, trong thời gian gần đây, xu hướng "bỏ" việc của các cán bộ, công nhân viên ngành Lâm học khá cao. Đây cũng là một trong những vấn đề cần được xem xét, giải quyết sớm.
Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành cần có hướng dẫn chỉ đạo rõ ràng cho các tỉnh, đặt chỉ tiêu hàng năm cho cơ sở giáo dục đào tạo ngành Lâm học với mục đích đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ phát triển lâm nghiệp và đất nước. Hiện nay, các đơn vị liên quan đến ngành Lâm học, từ cấp trung ương đến địa phương, đều cần tuyển dụng nhân lực phục vụ công tác bảo vệ rừng cũng như phát triển ngành.
Về thu nhập, mức lương của ngành này hiện tại chủ yếu theo mức lương cơ bản của cán bộ công chức, viên chức, vì vậy thu nhập không quá cao. Cụ thể, thu nhập của sinh viên khi mới ra trường thường dao động từ 5 đến 7 triệu đồng mỗi tháng. Tùy thuộc vào vị trí làm việc, kinh nghiệm, mức lương này, có thể tăng lên khoảng 8 đến 12 triệu đồng.
Cùng chia sẻ về cơ hội việc làm của ngành này, anh Đinh Văn Quyết, cựu sinh viên ngành Lâm học, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An (nay là Trường Đại học Nghệ An), hiện đang công tác tại Ban quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An) chia sẻ: "Tôi đang làm công tác bảo vệ rừng, đúng theo ngành đã học. Đây là công việc khá vất vả, nhiều thử thách với điều kiện làm việc khắc nghiệt, yêu cầu phải thường xuyên có mặt trong rừng. Với những khu vực rừng ở xa, nhiều khi một tuần chỉ có thể về nhà một lần.
Mặc dù điều kiện làm việc tương đối khắc nghiệt, nhưng mức lương vẫn thấp, chưa tương xứng với khối lượng công việc nên số lượng người học và theo nghề ngày càng giảm. Thậm chí, có những người sau 3 - 4 năm công tác phải xin chuyển hoặc tự bỏ nghề vì mức thu nhập thấp nhưng công việc quá nhiều.
Công việc vất vả và khó khăn hơn khi nguồn nhân lực ngày càng thiếu. Vào mùa hè, khi cần triển khai các công tác về dập lửa cháy rừng, do không có nhiều lực lượng trẻ cũng ảnh hưởng phần nào đến hiệu quả công việc".
Anh Đinh Văn Quyết - Cán bộ ban quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An). Ảnh: NVCC.
Giải pháp thu hút nhân lực trẻ vào ngành Lâm học
Dưới góc nhìn của dơn vị sử dụng lao động, ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Lâm học có thể làm một số công việc như: kiểm lâm, quản lý rừng, bảo vệ và phát triển rừng. Đây là những công việc khá ổn định, có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Nhiều bạn trẻ còn băn khoăn khi lựa chọn ngành Lâm học, bởi họ mong muốn có nhiều cơ hội phát triển hơn trong sự nghiệp và có mức thu nhập cao hơn.
Ngoài ra, mức thu nhập trong ngành học này còn thấp, chưa hấp dẫn so với các ngành nghề khác. Để có mức lương cao hơn, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể tìm kiếm cơ hội ở những lĩnh vực liên quan như: nghiên cứu môi trường, du lịch sinh thái hoặc làm cho tổ chức phi chính phủ về bảo tồn rừng và đa dạng sinh học.
Thực tế cho thấy, ngành Lâm học sẽ phải làm những công việc vất vả, thường xuyên ở ngoài trời, “lăn lộn” trên đồi núi, rừng sâu, bất kể mưa hay nắng. So với những ngành được làm việc trong văn phòng, tính chất công việc của người học ngành Lâm học có phần gian nan hơn, trong khi mức lương, chế độ đãi ngộ còn chưa tương xứng”.
Ông Nguyễn Văn Dũng cho biết thêm, theo Nghị quyết 38/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận 62-KL/TW năm 2023 ngày 2/10/2023 của Bộ Chính trị về việc thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/20/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập có yêu cầu là đến năm 2030, giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2025.
Vì vậy, ngành Lâm học cũng đang thực hiện tinh giản biên chế theo chủ trương chung của cả nước. Điều này đồng nghĩa với việc không có chỉ tiêu tuyển dụng mới, thậm chí phải cắt giảm nhân sự theo quy định. Đây cũng chính là một trong những nguyên do khiến cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp ngành Lâm học khó khăn hơn.
Rừng phòng hộ Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An). Ảnh NVCC.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, bên cạnh kiến thức chuyên môn được đào tạo trong nhà trường, người học cần phải có sức khỏe thật tốt. Do công việc thường xuyên phải đi rừng, tuần tra trên địa bàn rộng nên sức khỏe là yếu tố rất quan trọng.
Ngoài ra, còn cần thêm kỹ năng dân vận vì ngành này phải làm việc nhiều với người dân địa phương. Việc tiếp xúc, trao đổi, giải thích chính sách liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng đòi hỏi cách truyền đạt phù hợp để người dân, đặc biệt là những người sống gần rừng, có thể hiểu rõ và tuân thủ.
Để thu hút được nhiều sinh viên theo học ngành Lâm học hơn, cần có các chính sách hỗ trợ việc làm cho người học sau khi ra trường như: tăng cường tuyển dụng, mở rộng cơ hội việc làm trong các lĩnh vực liên quan, có thêm chính sách ưu đãi đối với những người làm việc trong ngành. Khi đầu ra được đảm bảo, ngành Lâm học mới có thể thu hút thêm sinh viên, từ đó tạo nguồn nhân lực chất lượng và đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành trong tương lai.
Còn theo anh Đinh Văn Quyết, cần cải thiện điều kiện làm việc, đặc biệt là chế độ lương, thưởng sao cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Mức đãi ngộ hợp lý không chỉ giúp nâng cao đời sống cho người lao động mà còn tạo động lực để họ gắn bó lâu dài với nghề.
Bên cạnh đó, ngoài lương cơ bản, cần có các khoản hỗ trợ phù hợp như phụ cấp công tác, thưởng theo hiệu quả công việc, và các chế độ phúc lợi khác như bảo hiểm, hỗ trợ nhà ở, phương tiện đi lại. Những chính sách này sẽ giúp thu hút và giữ chân nhân lực, đồng thời nâng cao chất lượng công việc.
Khánh Vân