Ngành lúa gạo chuyển hướng bền vững, tạo điểm sáng cả lượng lẫn chất

Ngành lúa gạo chuyển hướng bền vững, tạo điểm sáng cả lượng lẫn chất
5 giờ trướcBài gốc
Xuất khẩu gạo chuyển hướng bền vững, tạo điểm sáng cả lượng lẫn chất. Ảnh TL
Bức tranh sáng về xuất khẩu gạo
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết, xuất khẩu gạo của Việt Nam 9 tháng 2024 tiếp đà tăng trưởng ấn tượng, đạt 4,37 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng xuất khẩu đã vượt 7 triệu tấn, tăng 9,2%. Giá xuất khẩu gạo bình quân đạt 624 USD/tấn, tăng 13,1%.
Cùng với đó, những tín hiệu tốt về thị trường đã góp phần mang đến bức tranh sáng của ngành hàng lúa gạo thời gian qua, cũng như triển vọng xuất khẩu trong những tháng cuối năm.
Cụ thể, nhu cầu từ các thị trường chủ lực như Philippines, Indonesia, Malaysia vẫn giữ ở mức cao, tạo điều kiện cho gạo Việt Nam xuất khẩu thuận lợi, hướng tới chinh phục mục tiêu đề ra.
Mới đây, Việt Nam đã trúng thầu 2 lô gạo với số lượng gần 60.000 tấn, trong đợt mở thầu gạo tháng 9 của Indonesia. Điều này cho thấy nhu cầu từ các thị trường chủ lực như Philippines, Indonesia và Malaysia vẫn giữ ở mức cao, tạo áp lực cầu lớn cho gạo Việt Nam.
Đề cập đến thách thức với xuất khẩu lúa gạo khi Ấn Độ đã gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng và chịu sức ép cạnh tranh từ Thái Lan, ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam - cho biết, việc Ấn Độ cho phép xuất khẩu gạo trở lại cũng sẽ không gây nhiều tác động lên giá lúa gạo xuất khẩu trong nước. Bởi giống lúa của Ấn Độ khác với Việt Nam.
Gạo Ấn Độ chủ yếu là gạo phẩm cấp thấp và xuất khẩu sang thị trường châu Phi, tức là hướng đến đối tượng người mua khác nhau.
Còn Thái Lan - một trong những thị trường gạo xuất khẩu lớn của thế giới - cũng chưa tạo ra sức ép quá lớn cho xuất khẩu gạo của Việt Nam, bởi tình hình xung đột trên thế giới vẫn làm cho nhu cầu lương thực, trong đó có gạo tăng cao và mang lại lợi thế chung cho các quốc gia xuất khẩu gạo như Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam...
Bên cạnh đó, việc chủ động nguồn hàng cho xuất khẩu cũng được ngành nông nghiệp chú trọng, tránh xảy ra nguy cơ đứt gãy nguồn cung, chuỗi cung ứng trong bối cảnh nhu cầu thị trường tăng cao.
Cụ thể, theo Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) Nguyễn Như Cường, đến nay, cả nước gieo cấy 6,94 triệu ha, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước; thu hoạch 5,4 triệu ha, tăng 0,7%; năng suất bình quân 63 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha; sản lượng trên diện tích thu hoạch 34 triệu tấn, tăng 1,5%.
“Điều quan trọng là các vùng sản xuất đã đưa nhiều giống lúa có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất và hướng dẫn người dân nâng cao kỹ năng trồng, thu hoạch bảo quản lúa để mang lại giá trị cao” - ông Cường cho biết.
Với đà tăng nhập khẩu của các đối tác, xuất khẩu gạo của nước ta kỳ vọng cán mốc khoảng 8 triệu tấn trong năm nay, thu về hơn 5 tỷ USD và là kỷ lục mới của ngành.
Bộ NNPTNT
Ngay cả vụ Thu Đông, các địa phương đều khuyến cáo người nông dân trồng các giống lúa chất lượng cao, như RVT, ST21 và ST25 để tiêu dùng trong nước và chuẩn bị cho gạo Tết nguyên đán sắp tới. Phần còn lại bán vào các thị trường như Philippines, Trung Quốc, Trung Đông và châu Âu.
Thấy gì từ việc chi 1 tỷ USD nhập khẩu gạo?
Cùng với giá trị và lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục ghi nhận những kết quả tăng trưởng mạnh, kim ngạch nhập khẩu gạo của nước ta cũng tăng vọt so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 9 tháng, các doanh nghiệp Việt Nam đã chi gần 1 tỷ USD để nhập khẩu các mặt hàng gạo, tăng tới 57,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam chuyển hướng trồng lúa chất lượng cao, do đó, việc nhập khẩu gạo giá rẻ hơn giá nội địa là phù hợp. Ảnh: N.Lộc
Đây là con số cao kỷ lục của ngành gạo từ trước đến nay, đồng thời vượt xa kim ngạch nhập khẩu 860 triệu USD của cả năm 2023. Nếu duy trì tốc độ nhập khẩu như hiện nay, kim ngạch nhập khẩu gạo trong năm 2024 có thể lên tới 1,3 tỷ USD.
Thông tin thêm về vấn đề này, ông Đỗ Hà Nam cho biết, những thông tin tưởng đáng lo, nhưng thực tế lại phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp, cụ thể là với ngành hàng lúa gạo của Việt Nam.
“Những năm gần đây, nông dân Việt Nam đang chuyển đổi sang trồng lúa gạo giá cao và giảm dần ở phân khúc gạo chất lượng trung bình, phổ thông ít dần” - ông Nam thông tin.
Đặc biệt, theo đại diện Cục Trồng trọt, nhiều địa phương đang thí điểm triển khai đề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao không chỉ giúp giảm phát thải mà còn giúp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và tăng lợi nhuận từ 20-25% (tăng 6,22-7,63 triệu đồng/ha) so với hiện nay.
Giá xuất khẩu gạo trung bình của Việt Nam trong 9 tháng năm nay ở mức 624 USD/tấn, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, theo ghi nhận từ các doanh nghiệp, giá gạo nhập khẩu về đến Việt Nam phổ biến trong khoảng 480-500 USD/tấn. Do đó, việc nhập khẩu gạo trong trường hợp này mang lại lợi ích cho Việt Nam.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng cho biết, nhu cầu gạo cấp thấp trong nước ngày càng lớn, trong khi Việt Nam đang theo đuổi chương trình cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng tăng diện tích lúa chất lượng cao nên việc tìm nguồn gạo giá thấp hơn để phục vụ chế biến trong nước là điều dễ hiểu.
Đơn cử, việc tìm nguồn gạo giá thấp hơn xuất phát từ nhu cầu sử dụng gạo cho nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi (gia súc, thủy sản) và chế biến bột, bánh, bún, thực phẩm… tăng mạnh.
"Việc lựa chọn gạo giá rẻ, phù hợp với chế biến các sản phẩm trong nước sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa lợi nhuận, cũng như đỡ tốn chi phí dự trữ” - đại diện Hiệp hội thông tin.
Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến cũng cho biết, gạo nhập khẩu giá rẻ đang phát huy ưu thế, giúp giảm áp lực cho sản xuất ngành lúa gạo trong nước. Đây được xem như sự thay thế phù hợp khi Việt Nam đang giảm dần diện tích trồng lúa gạo giá rẻ.
Do đó, "việc nhập khẩu gạo trên thực tế mang lại hiệu quả kép khi vừa giải quyết được nhu cầu sử dụng gạo trong nước vừa tạo sự chủ động cho nguồn gạo chất lượng để xuất khẩu với giá trị cao" - đại diện Hiệp hội cho biết. /.
N.LỘC
Nguồn Kiểm Toán : http://baokiemtoan.vn/nganh-lua-gao-chuyen-huong-ben-vung-tao-diem-sang-ca-luong-lan-chat-35503.html