Năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội Bình Định tiếp tục duy trì sự ổn định, phát triển bền vững, đạt thành tựu toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,78%; xếp thứ 26/63 địa phương cả nước, thứ 6/14 địa phương vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ và thứ 2/5 địa phương tiểu vùng Trung Trung bộ. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần khu vực nông lâm thủy sản, tăng dần khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ so với năm 2023.
Ông Nguyễn Trà Dương, Giám đốc NHNN chi nhánh Bình Định cho biết, đóng góp vào những thành công trên, trong năm qua ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp và người dân trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Ngay từ đầu năm, thực hiện Chỉ thị số 01/CT-NHNN của Thống đốc NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2024, NHNN chi nhánh Bình Định đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn, chấp hành nghiêm các quy định, chỉ đạo của NHNN về tiền tệ, ngoại hối, hoạt động ngân hàng và các chỉ tiêu kế hoạch được giao; xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2024.
Đồng thời, chỉ đạo các TCTD trên cơ sở quy định của pháp luật, hướng dẫn của hội sở chính tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để giảm lãi suất cho vay, miễn, giảm phí để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng Bình Định năm 2025.
Về phía các TCTD trên địa bàn đã nghiêm túc triển khai, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chương trình, chính sách, giải pháp, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và NHNN chi nhánh tỉnh, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Cơ cấu tín dụng, tình hình lãi suất, tỷ giá và thị trường ngoại hối diễn biến theo định hướng điều hành của NHNN. Hệ thống các TCTD trên địa bàn cơ bản hoạt động an toàn và tiếp tục phát triển. Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số được đẩy mạnh, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng. Hoạt động an sinh xã hội tiếp tục được ngành Ngân hàng quan tâm thực hiện...
Tổng dư nợ trên địa bàn đến ngày 31/12/2024 đạt 113.047 đồng, tăng 9.409 tỷ đồng tương đương tăng khoảng 9,1% so với thời điểm cuối năm 2023. Mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng duy trì ở mức ổn định. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung cho vay vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát…
Bên cạnh đó, chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp cũng được đẩy mạnh. Kết quả trong năm 2024, có 26 chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM), 63 khách hàng (trong đó: 61 doanh nghiệp và 2 cá nhân) tham gia Chương trình với tổng số tiền cam kết cho vay là 4.551 tỷ đồng. Đến thời điểm 31/12/2024, doanh số cho vay lũy kế từ đầu năm đạt 4.576 tỷ đồng, đạt 101% số tiền cam kết cho vay trong năm 2024, dư nợ cho vay đến 31/12/2024 đạt 2.018 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Trà Dương, Giám đốc NHNN chi nhánh Bình Định phát biểu tại hội nghị.
Các chi nhánh NHTM trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng. Theo đó, các quy trình nội bộ ngân hàng tiếp tục được tối ưu hóa nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại, góp phần nâng cao năng suất, cắt giảm chi phí đơn vị. Ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số như: ngân hàng điện tử (Internet/Mobile banking), các dịch vụ giao dịch tự động, TTKDTM, thanh toán qua thẻ… tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận và thực hiện các giao dịch ngân hàng, góp phần đáp ứng nhu cầu giao dịch trực tuyến, mọi lúc mọi nơi của người dân và doanh nghiệp…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động ngành Ngân hàng Bình Định còn những hạn chế. Trong đó, do những tác động từ yếu tố mùa vụ trong những tháng đầu năm 2024, do thời gian nghỉ tết kéo dài, mặt khác nhu cầu vay vốn của khách hàng vào đầu năm cũng giảm mạnh hơn so với các thời điểm khác trong năm.
Một số ngành sản xuất, kinh doanh và đầu tư có nhu cầu vốn lớn như, bất động sản, xây dựng… mặc dù nhu cầu tiêu dùng của thị trường có dấu hiệu phục hồi và khởi sắc hơn so với năm 2023, tuy nhiên chưa thực sự mạnh mẽ do đó tác động đến khả năng hấp thụ vốn trên địa bàn. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn dẫn tới khả năng tiếp cận vốn tín dụng còn hạn chế. Bên cạnh đó, một số dự án đầu tư trên địa bàn chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý theo quy định, chưa triển khai trên thực tế… dẫn tới khả năng tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng cũng bị hạn chế…
Ngành Ngân hàng tiếp tục có nihều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở Bình Định
Triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2025, cũng theo ông Nguyễn Trà Dương, NHNN chi nhánh tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo các TCTD triển khai các giải pháp nhằm tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đúng quy định; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên. Bên cạnh đó, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các chương trình, chính sách tín dụng; theo dõi, giám sát thực hiện các nhiệm vụ được giao tại đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn…
Đối với các TCTD tiếp tục triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật, chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; Tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, vay tiêu dùng; Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn vay nhằm thúc đẩy tiêu dùng hàng hóa sản xuất trong nước. Tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình tín dụng, chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách, đặc biệt là các cơ chế chính sách mới về tiền tệ và hoạt động ngân hàng; Chú trọng truyền thông các chính sách, sản phẩm dịch vụ của TCTD đến công chúng; nâng cao kiến thức, kỹ năng cho khách hàng nhằm giảm rủi ro trong sử dụng dịch vụ, bảo vệ quyền lợi của người sử dụng sản phẩm dịch vụ…
Nghi Lộc