Ngành nông nghiệp đứng trước cơ hội đạt kỷ lục mới 62 tỷ USD

Ngành nông nghiệp đứng trước cơ hội đạt kỷ lục mới 62 tỷ USD
3 giờ trướcBài gốc
Phóng viên (PV): Không chỉ đẩy mạnh xuất khẩu các loại nông sản chính ngạch sang Trung Quốc, đồng thời Bộ NN-PTNT đã, đang xúc tiến mở rộng xuất khẩu sang thị trường Halal. Vậy Thứ trưởng có thể chia sẻ kế hoạch của Bộ NN-PTNT tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu thời gian tới như thế nào?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Thị trường Trung Quốc là thị trường lớn với hơn 1,4 tỷ dân. Với việc ký thêm 3 Nghị định thư về sầu riêng đông lạnh, dừa tươi và cá sấu vừa qua, Bộ NN-PTNT đã và đang được xúc tiến mạnh để xuất khẩu các sản phẩm nông sản sang Trung Quốc.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến.
Riêng đối với thị trường các quốc gia có người Hồi giáo trên thế giới khoảng 2,2 tỷ người. Với thị trường Halal có khó khăn vì đây là thị trường đòi hỏi rất cao, trong khi đó các quốc gia có người dân theo Đạo Hồi lại chưa thừa nhận chứng nhận Halal của nhau. Việt Nam sẽ từng bước chinh phục thị trường yêu cầu cao, nhiều tiềm năng như Halal. Trong thời gian tới, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang thị trường Halal sẽ lớn hơn rất nhiều so với hiện nay.
PV: Đến nay, xuất khẩu gạo đã đạt gần 7,8 triệu tấn gạo. Vậy xuất khẩu gạo năm nay sẽ như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Năm 2023, chúng ta xuất khẩu gạo đạt 8,13 triệu tấn gạo, 10 tháng đầu năm 2024 chúng ta đã xuất khẩu 7,8 triệu tấn, giá trị 4,6 tỷ USD, tăng trên 10%. Với tốc độ này, năm nay chúng ta chắc chắn sẽ xuất khẩu hơn 8 triệu tấn. Mặc dù vừa qua Ấn Độ đã mở lại xuất khẩu gạo sau 1 năm tạm dừng nhưng Việt Nam vẫn xuất khẩu gạo được ở phân khúc gạo chất lượng cao và duy trì được giá xuất khẩu khá tốt.
Xuất khẩu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh. (Trong ảnh: Xuất hàng ở một Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi ở tỉnh Nghệ An)
PV: Ngành chăn nuôi của Việt Nam hiện vẫn nhập nhiều hơn xuất khẩu. Vậy làm thế nào để cân bằng cán cân thương mại trong chăn nuôi, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi 10 tháng năm 2024 đạt 423,5 triệu USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 103,8 triệu USD, giảm 7,2%; xuất khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 133,4 triệu USD, tăng 8,6%. Cùng với đó, sản phẩm chăn nuôi còn đáp ứng nhu cầu của 100 triệu dân trong nước. Nhập khẩu sản phẩm và nguyên liệu chăn nuôi 10 tháng đạt 3,06 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, xuất khẩu thức ăn chăn nuôi đạt 1,6 tỷ USD. Như vậy, ngành chăn nuôi của chúng ta từ đầu năm 2024 đến nay cũng xuất khẩu được khoảng 2 tỷ USD. Đây cũng là tiềm năng lợi thế rất lớn đối với nông nghiệp Việt Nam.
Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo 3 giải pháp trụ cột để phát triển ngành chăn nuôi, gồm: Chống nhập lậu; rà soát việc nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt; tăng cường xuất khẩu. Ba giải pháp trên được triển khai kiên trì, quyết liệt, đồng bộ thì chúng ta sẽ có sản phẩm chăn nuôi đúng như nhận định “Việt Nam là bếp ăn của thế giới”.
Xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam tiếp tục tăng mạnh thời gian qua. (Trong ảnh: Sơ chế sầu riêng của một doanh nghiệp tại Hà Nội)
PV: Mặc dù chịu thiệt hại nặng nề do bão số 3 (Yagi) gây ra nhưng ngành nông nghiệp vẫn đạt những kết quả tích cực. Xin Thứ trưởng chia sẻ đôi điều về nhận xét này?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Cơn bão số 3 và hoàn lưu bão đã gây thiệt hại rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp. Ước tính thiệt hại do bão và hoàn lưu bão khoảng 81.500 tỷ đồng, riêng ngành nông nghiệp bị thiệt hại khoảng 30.800 tỷ đồng, chiếm 38%.
Thực hiện Công điện số 100/CĐ-TTg ngày 27-9-2024 và Công điện số 108/CĐTTg ngày 18-10-2024 về việc tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ, ngành nông nghiệp đang nỗ lực khôi phục sản xuất và tăng tốc sản xuất tại các địa phương không bị ảnh hưởng. Bộ NN-PTNT đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt và kịp thời.
Nhờ đó, trong 10 tháng, kết quả sản xuất nông nghiệp khá tích cực: Sản xuất lúa đạt 40,5 triệu tấn; Xuất khẩu gạo 10 tháng đạt gần 7,8 triệu tấn với 4,86 tỷ USD, tăng 10,2% về khối lượng và tăng 23,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Về chăn nuôi, quy mô đàn lợn tăng 2,4%, gia cầm tăng 2,3%, thủy sản tăng 2,4%. Nguồn cung thực phẩm cho cuối năm và dịp Tết không đáng quan ngại.
Những kết quả từ sản xuất tích cực trên đã đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 10 tháng năm 2024 đạt 51,74 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2023...
Trong những tháng cuối cùng của năm 2024, nếu mỗi tháng chúng ta xuất khẩu 5,5 tỷ USD thì xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2024 sẽ đạt 62 tỷ USD. Đây sẽ là năm chúng ta xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt cao nhất từ trước đến nay.
PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Bài và ảnh: NGUYỄN KIỂM
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nganh-nong-nghiep-dung-truoc-co-hoi-dat-ky-luc-moi-62-ty-usd-804645