Hạ tầng số không chỉ là yếu tố hỗ trợ mà còn là điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa mục tiêu số hóa toàn diện. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Chuyển đổi số không chỉ là câu chuyện công nghệ, mà còn phải thay đổi từ tư duy quản lý, khung pháp lý đến hạ tầng. Trong thời gian qua, ngành Nông nghiệp và Môi trường đã xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, bài bản, trong đó nổi bật là việc vận hành các trung tâm dữ liệu hiện đại.
Trao đổi với báo chí về hành trình chuyển đổi số quốc gia của ngành, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) - ông Nguyễn Bảo Trung nhấn mạnh các trung tâm dữ liệu tại bộ và các đơn vị trực thuộc, đã được bộ nâng cấp về khả năng lưu trữ, xử lý, đảm bảo an toàn thông tin, sẵn sàng phục vụ quá trình chuyển đổi số sâu rộng trong toàn ngành.
Ưu tiên nâng cấp hạ tầng số, trung tâm dữ liệu
- Đầu tiên xin ông cho biết đánh giá về mức độ sẵn sàng hạ tầng số của ngành?
Phó Cục trưởng Nguyễn Bảo Trung: Hạ tầng số chính là nền móng để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, được xác định tại Quyết định số 1132/QĐ-TTg ngày 9/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó 4 trụ cột của hạ tầng số gồm: Viễn thông - internet, dữ liệu, hạ tầng vật lý - số và hạ tầng tiện ích số.
Trong ngành nông nghiệp và môi trường, hạ tầng số không chỉ là yếu tố hỗ trợ mà còn là điều kiện chính để hiện thực hóa mục tiêu số hóa toàn diện.
Với tầm quan trọng đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (trước đây là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp hạ tầng số, đặc biệt là các trung tâm dữ liệu.
Đến nay, 5 trung tâm dữ liệu đã được đưa vào vận hành ổn định tại trụ sở bộ, Cục Chuyển đổi số, Cục Khí tượng Thủy văn, Trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long (đặt tại thành phố Cần Thơ) và Thành phố Hồ Chí Minh. Các trung tâm này đã được nâng cấp về khả năng lưu trữ, xử lý, đảm bảo an toàn thông tin, sẵn sàng phục vụ quá trình chuyển đổi số sâu rộng trong toàn ngành.
- Vậy hiện nay, ngành nông nghiệp và môi trường đã có những cơ sở dữ liệu trọng yếu nào được hoàn thiện cũng như được tích hợp và chia sẻ như thế nào giữa các đơn vị, địa phương và với Chính phủ số, thưa ông?
Phó Cục trưởng Nguyễn Bảo Trung: Tổng số cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành nông nghiệp và môi trường là 98 cơ sở dữ liệu, trong đó có nhiều cơ sở dữ liệu trọng yếu như đất đai, môi trường, khí tượng thủy văn, nền địa lý quốc gia, nghề cá. Hiện tại, các cơ sở dữ liệu của ngành đã từng bước được xây dựng, đưa vào vận hành, kết nối, chia sẻ với các bộ, ngành, địa phương.
Đặc biệt, 2 cơ sở dữ liệu trọng điểm là cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai và cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia đã được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống của các bộ ngành và địa phương. Việc này góp phần quan trọng vào chỉ đạo điều hành và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.
Trong đó, đối với cơ sở dữ liệu đất đai, đến nay, tại trung ương đã xây dựng xong 4 dữ liệu thành phần gồm: Dữ liệu về hiện trạng sử dụng đất cấp vùng và cả nước; dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; dữ liệu về khung giá đất; dữ liệu về điều tra cơ bản về đất đai cấp vùng và cả nước.
Về phía các địa phương, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã và đang xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai.
Trong đó có 495/696 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành cơ sở dữ liệu địa chính với hơn 49,7 triệu thửa đất đưa vào vận hành phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai và giải quyết thủ tục hành chính về đất đai cho người dân, doanh nghiệp; 696/696 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai (từ kỳ kiểm kê 2019) và đưa vào vận hành thống nhất từ trung ương đến địa phương; 325/696 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; 300/696 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy (chính giữa) tham quan khu trưng bày và giới thiệu một số thành tựu nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường. (Nguồn: Bộ NN-MT)
Hiện nay, bộ đang tích cực phối hợp với các địa phương, thực hiện đồng bộ cơ sở dữ liệu đất đai về bộ; kết nối, xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hoàn thành tháng 6/2025, tiến tới đồng bộ với Trung tâm Dữ liệu quốc gia vào tháng 8/2025 theo đúng lộ trình của Chỉ thị 07/CT-TTg.
Đảm bảo dữ liệu “đúng-đủ- sạch-sống”
- Để hệ thống hạ tầng thông tin và cơ sở dữ liệu đảm bảo đồng bộ, liên thông hiệu quả, Cục Chuyển đổi số (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã và đang triển khai những giải pháp nào, thưa ông?
Phó Cục trưởng Nguyễn Bảo Trung: Chúng tôi đã cụ thể hóa các định hướng từ Nghị quyết 57, Nghị quyết 71 và Chương trình Chuyển đổi số quốc gia thành các nhóm giải pháp thiết thực, trọng tâm gồm: Thứ nhất là đầu tư hạ tầng số hiện đại, áp dụng công nghệ điện toán đám mây, kiến trúc hợp nhất, bảo đảm khả năng kết nối - chia sẻ trong toàn ngành và với Chính phủ điện tử, các bộ ngành và địa phương.
Thứ hai là chuyển đổi số dựa hoàn toàn trên dữ liệu. Trong đó, nhiệm vụ phát triển dữ liệu bảo đảm “đúng-đủ-sạch-sống” là vô cùng quan trọng.
Vì vậy, phát triển dữ liệu đã được thực hiện theo các nguyên tắc sau: Xây dựng và ban hành đầy đủ các kiến trúc (dữ liệu); danh mục cơ sở dữ liệu, dữ liệu lớn, dữ liệu mở; tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật về nội dung, cấu trúc, thông điệp chia sẻ dữ liệu làm cơ sở pháp lý, tiền đề triển khai các nhiệm vụ tiếp theo về phát triển dữ liệu…
Chúng tôi cũng ưu tiên, tập trung bố trí nguồn lực (tài chính, nhân lực) để xây dựng, phát triển dữ liệu; dữ liệu được xây dựng phải được kết nối, chia sẻ, khai thác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh.
Cùng với đó là chú trọng bảo đảm an toàn thông tin mạng, bảo vệ an ninh mạng theo cấp độ cho các hệ thống thông tin; triển khai đầy đủ các phương án bảo đảm an toàn thông tin mạng, bảo vệ an ninh mạng cho các hệ thống thông tin, đặc biệt là các hệ thống thông tin trọng yếu quốc gia, ngành.
- Với khối lượng dữ liệu trên, hẳn trong quá trình đồng bộ, chuẩn hóa, kết nối và liên thông dữ liệu, ngành cũng gặp không ít những khó khăn, thách thức. Vậy làm thế nào để vượt qua những thách thức đó, thưa ông?
Phó Cục trưởng Nguyễn Bảo Trung: Khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay là dữ liệu tuy đã được quan tâm phát triển, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân vẫn còn manh mún, việc chia sẻ gặp nhiều khó khăn.
Việc ban hành các kiến trúc dữ liệu, hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật về nội dung, cấu trúc của dữ liệu để làm cơ sở cho việc chuẩn hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu, kết nối, chia sẻ dữ liệu chưa đầy đủ, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu.
Bên cạnh đó, dữ liệu phân cấp trung ương, địa phương, trong đó khối lượng lớn dữ liệu ở địa phương, cơ sở, nhất là đất đai trong khi nguồn lực dành cho phát triển dữ liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu ở các địa phương là khác nhau. Ngoài ra, nguồn lực dành cho phát triển dữ liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu vẫn còn hạn chế…
Vì thế, để khắc phục, Bộ Nông nghiệp và Môi trường xác định một số giải pháp trọng tâm như: Xây dựng, ban hành đồng bộ các văn bản nhằm thống nhất công tác phát triển dữ liệu, chuẩn hóa, kết nối và chia sẻ dữ liệu, kiến trúc Chính phủ số; danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung, chuyên ngành, dữ liệu lớn, dữ liệu mở; các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật về nội dung, cấu trúc của dữ liệu.
Chúng tôi cũng xác định lộ trình, danh mục cơ sở dữ liệu ưu tiên đầu tư, xây dựng theo hướng ưu tiên các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành quan trọng phục vụ trực tiếp chỉ đạo, điều hành và giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; gắn xây dựng cơ sở dữ liệu, kết nối, chia sẻ dữ liệu với vận hành, khai thác các hệ thống thông tin chỉ đạo điều hành, chuyên môn nghiệp vụ./.
Trân trọng cảm ơn ông!
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã cung cấp hơn 1.000 máy chủ, trên 9.000 CPU, hơn 20 TB RAM và khoảng 800 TB lưu trữ dữ liệu phục vụ hoạt động quản lý; xây dựng hệ thống tài khoản dùng chung với hơn 16.300 người dùng cùng gần 10.000 chữ ký số đã tạo nên một nền tảng kết nối nội bộ hiệu quả. Đáng chú ý, hệ thống quản lý văn bản và điều hành điện tử hợp nhất toàn ngành đã chính thức vận hành từ 1/3/2025, tiếp nhận và xử lý hơn 105.000 văn bản, trong đó trên 23.400 văn bản được ký số và lưu chuyển hoàn toàn trên môi trường điện tử...
(Vietnam+)