Công nhân lắp ráp các tấm pin mặt trời trên đập nước Sirindhorn ở Ubon Ratchathani, Thái Lan. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Theo hãng tin CNA, quyết định trên được đưa ra sau cuộc điều tra kéo dài một năm của Bộ Thương mại Mỹ về các hoạt động “thương mại không công bằng”.
Cụ thể, mức thuế mới, công bố ngày 22/4, sẽ áp dụng với các doanh nghiệp tại Campuchia, Malaysia, Thái Lan có thể lên tới 3.400%. Theo kết luận điều tra, các công ty tại đây được hưởng lợi từ trợ cấp của Trung Quốc, khiến sản phẩm rẻ hơn và cạnh tranh không công bằng với hàng Mỹ. Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ dự kiến hoàn tất các mức thuế này vào tháng 6 tới.
Với những người ủng hộ, mức thuế mới có thể được xem là thắng lợi cho ngành sản xuất năng lượng mặt trời của Mỹ. Tuy nhiên, quyết định này lại góp phần làm gia tăng căng thẳng thương mại toàn cầu. Thực tế, các nhà nhập khẩu tại Mỹ đã quen với việc chính phủ liên tục áp dụng biện pháp này từ năm 2011 đến nay, nhưng mức thuế lần này là cao nhất từ trước đến nay.
Động thái mới cũng làm dấy lên làn sóng lo ngại chi phí lắp đặt năng lượng mặt trời ở Mỹ sẽ tăng lên đáng kể. Trong khi đó, các nhà sản xuất Đông Nam Á phải đối mặt với câu hỏi sống còn: liệu họ có thể trụ vững nếu Mỹ – thị trường xuất khẩu chủ lực – giảm mạnh nhu cầu?
Vai trò của Đông Nam Á trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Trong hơn một thập kỷ qua, Đông Nam Á đã trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu ngành năng lượng mặt trời. Các quốc gia như Thái Lan, Malaysia và Campuchia hiện chiếm tới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu mô-đun năng lượng mặt trời toàn cầu, đồng thời cung cấp hơn 80% lượng thiết bị nhập khẩu vào Mỹ trong lĩnh vực này.
Sự phát triển đã bùng nổ từ sau năm 2012, khi các công ty Trung Quốc buộc phải chuyển dây chuyền sản xuất sang Đông Nam Á nhằm né các lệnh trừng phạt thuế quan từ Mỹ. Tuy nhiên, mặc dù “địa lý sản xuất” đã thay đổi, nhưng chuỗi cung ứng vẫn chịu sự phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc – quốc gia thống trị gần như toàn bộ khâu sản xuất thượng nguồn, đặc biệt là polysilicon – nguyên liệu đầu vào cốt lõi của pin mặt trời.
Sự phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu duy nhất như Mỹ đang trở thành điểm yếu mang tính hệ thống đối với các nhà sản xuất pin mặt trời ở Đông Nam Á. Khi lệnh hoãn áp thuế của Mỹ hết hiệu lực vào giữa năm 2024, khu vực này đã chứng kiến sản lượng sụt giảm rõ rệt. Các công ty có liên kết với Trung Quốc bắt đầu mất đi biên lợi nhuận từng đạt đến 40%, do nguồn cung vượt cầu và cuộc đua giảm giá gay gắt với chính các doanh nghiệp từ Trung Quốc.
Các tấm pin năng lượng mặt trời được lắp đặt trên mái nhà máy sản xuất lốp ở tỉnh Chonburi, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN
Việc Mỹ tuyên bố tiếp tục siết chặt các biện pháp thương mại dưới thời ông Trump được đánh giá là sẽ khiến các nhà sản xuất Đông Nam Á thêm phần lao đao. Ngành năng lượng mặt trời tại khu vực đang đứng trước nguy cơ suy giảm sâu rộng, nếu không tìm được hướng đi để giảm thiểu rủi ro từ sự mất cân bằng giữa sản xuất và tiêu thụ nội địa.
Một trong những vấn đề cốt lõi của ngành là sự phát triển không đồng bộ giữa năng lực sản xuất và nhu cầu tiêu thụ nội địa. Tại Malaysia, công suất sản xuất pin mặt trời hiện đạt 23,6 gigawatt, trong khi công suất lắp đặt nội địa chỉ vỏn vẹn 4,2 gigawatt. Việt Nam, Thái Lan và Campuchia cũng đối mặt với tình trạng tương tự.
Thêm vào đó, việc triển khai lắp đặt điện mặt trời trong khu vực vẫn gặp nhiều rào cản như lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, hạn chế kết nối lưới điện, và chính sách hỗ trợ chưa đồng bộ.
Tìm kiếm lối thoát
Kể từ năm 2022, một xu hướng mới đã dần hình thành: các doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu đầu tư vào các cơ sở sản xuất pin mặt trời tại Lào và Indonesia – hai quốc gia hiện chưa bị Mỹ áp thuế. Dù vậy, giới quan sát nhận định đây có thể chỉ là giải pháp tạm thời. Chính quyền Mỹ hoàn toàn có thể mở rộng biện pháp trừng phạt để bịt các “lỗ hổng” thương mại phát sinh từ sự dịch chuyển này.
Trong bối cảnh đó, chuyên gia Sita Rahmani – thuộc Viện Nghiên cứu Năng lượng, Đại học Quốc gia Singapore – nhấn mạnh rằng các nước Đông Nam Á cần quản lý rủi ro phụ thuộc xuất khẩu bằng cách phát triển thị trường nội địa. Ông cho rằng đây chính là cơ hội để các nền kinh tế trong khu vực đẩy mạnh lắp đặt điện mặt trời phục vụ nhu cầu trong nước, vừa đáp ứng yêu cầu khử carbon, vừa giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và tăng cường an ninh năng lượng.
Mỹ cũng đối mặt thách thức nội bộ
Từ góc nhìn của Mỹ, việc áp thuế cao liệu có thật sự thúc đẩy ngành sản xuất năng lượng mặt trời trong nước? Một nghiên cứu tại Mỹ năm 2024 chỉ ra rằng thuế quan tuy bảo vệ được một phần sản xuất nội địa, nhưng lại khiến giá thành sản phẩm tăng lên, gây tổn hại đến người tiêu dùng và ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu môi trường.
Thay vào đó, các chuyên gia ủng hộ hướng tiếp cận bằng chính sách công nghiệp dài hạn – chẳng hạn ưu đãi tài chính, tín dụng thuế sản xuất. Một ví dụ tiêu biểu là Đạo luật Giảm Lạm Phát (IRA) do chính quyền cựu Tổng thống Biden ban hành năm 2022, nhờ đó công suất sản xuất năng lượng mặt trời tại Mỹ đã tăng gấp 4 lần chỉ trong vòng hai năm.
Tuy nhiên, nếu chính quyền mới đảo ngược chính sách này – như các đề xuất hiện tại từ ông Trump – thì nỗ lực phát triển ngành có thể bị đình trệ, ảnh hưởng đến tăng trưởng việc làm, đổi mới công nghệ và khả năng cạnh tranh của Mỹ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Tương lai nào cho chuỗi cung ứng toàn cầu?
Quang cảnh nhà máy điện mặt trời ở thị trấn Naomaohu, thành phố Hami, Khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Bất chấp những điều chỉnh về giá cả, sự tái cấu trúc và các biện pháp thuế quan, Trung Quốc được dự báo sẽ vẫn giữ vững vai trò chủ đạo trong chuỗi cung ứng pin mặt trời toàn cầu trong nhiều năm tới – nhờ quy mô sản xuất, chi phí thấp và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ.
Về phần mình, Đông Nam Á đang đứng trước ngã rẽ – tiếp tục là “công xưởng xuất khẩu giá rẻ” hay trở thành trung tâm sản xuất – tiêu thụ cân bằng, hướng đến tăng trưởng bền vững? Điều này sẽ phụ thuộc vào chính sách nội địa, khả năng thu hút đầu tư dài hạn và sự chủ động trong việc điều chỉnh chiến lược phát triển ngành.
Có thể thấy, việc Mỹ áp thuế cao đối với pin mặt trời Đông Nam Á là lời nhắc nhở rõ ràng về tính chất mong manh của một ngành phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu không xây dựng được thị trường nội địa vững mạnh, các nền kinh tế Đông Nam Á sẽ khó có thể tận dụng trọn vẹn tiềm năng năng lượng tái tạo – lĩnh vực được xem là chìa khóa của tăng trưởng kinh tế xanh trong thập kỷ tới.
Hải Vân/Báo Tin tức và Dân tộc