Một chiến đấu cơ J-10CE. Ảnh: Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC)
Theo Bloomberg (Mỹ), yếu tố dẫn đến cú hích là việc quân đội Pakistan cho biết họ đã sử dụng tiêm kích J-10C của Trung Quốc để bắn hạ 5 máy bay quân sự Ấn Độ, bao gồm ba chiếc Rafale, một chiếc MIG-29 và một chiếc Su-30.
Rafale do Dassault Aviation của Pháp sản xuất, trong khi hai chiếc còn lại được nhập khẩu từ Nga. Chính phủ Ấn Độ vẫn chưa xác nhận hoặc phủ nhận tuyên bố của Pakistan và các bằng chứng hiện tại vẫn chưa đủ để đưa ra kết luận. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đã rất quan tâm.
Vào ngày 12/5, cổ phiếu tập đoàn Công nghiệp Máy bay Thành Đô (AVIC Chengdu Aircraft), đơn vị sản xuất và thiết kế J-10C tăng vọt 20%, trong khi cổ phiếu Dassault giảm 6,2%.
Một số ý kiến cho rằng đây chính một khoảnh khắc DeepSeek khác của Trung Quốc. Vào cuối tháng 1, công ty khởi nghiệp ít tiếng tăm DeepSeek có trụ sở tại Hàng Châu đã phát hành phát hành mô hình DeepSeek-R1. Phiên bản này nhanh chóng thu hút được sự chú ý đáng kể nhờ khả năng lập luận tiên tiến, được cho tương đương với các hệ thống AI hàng đầu, như ChatGPT của OpenAI, nhưng với chi phí phát triển chỉ bằng một phần nhỏ. Trong khi OpenAI phải mất hàng tỷ USD để phát triển thì DeepSeek chỉ tốn 5,6 triệu USD.
Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, từ năm 2020 đến năm 2024, Trung Quốc chỉ chiếm 5,9% xuất khẩu vũ khí toàn cầu, thua xa mức 43% của Mỹ. Ngoài ra, đối tác xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc có ít đa dạng về mặt địa lý, gần 2/3 lượng vũ khí xuất khẩu của nước này là sang Pakistan. Đáng chú ý, hiện tại Trung Quốc là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất ở Tây Phi, chiếm 26% tổng lượng vũ khí khu vực này nhập khẩu.
Chắc chắn, các nhà đầu tư sẽ phải chờ nhiều tháng, nếu không muốn nói là nhiều năm, để theo dõi liệu các quốc gia đang phát triển có đặt thêm đơn hàng thiết bị quân sự từ Trung Quốc hay không.
Các doanh nghiệp quốc phòng của Đức và Pháp đang rất được ưa chuộng trong năm nay, một phần bắt nguồn từ chính sách đối ngoại của Nhà Trắng và lời cam kết tăng chi tiêu của các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Mặc dù có bước lùi nhỏ sau biến động giữa Ấn Độ và Pakistan trong những ngày gần đây, nhưng cổ phiếu Dassault tăng hơn 50% trong năm nay. Trong khi đó, nhà sản xuất vũ khí Rheinmetall và Hensoldt của Đức cũng đã tăng hơn gấp đôi giá trị thị trường.
Theo Bloomberg, trong nhiều thập niên, châu Âu đã dựa vào Mỹ để đảm bảo an ninh quốc gia, vì vậy ngành công nghiệp quốc phòng của lục địa này bị phân mảnh và cần được đại tu. Một bức tranh tương tự cũng tồn tại ở Trung Quốc. Hiện đại hóa quân sự là điều mới mẻ và Trung Quốc mới chỉ giảm nhập khẩu vũ khí từ Nga vào giữa những năm 2010.
Nói chung, đối với các nhà xuất khẩu vũ khí, cuộc đối đầu thực tế là hình thức quảng bá hiệu quả nhất. Ở một khía cạnh nào đó, Pakistan đang làm rất tốt vai trò tiếp thị sức mạnh của vũ khí do Trung Quốc sản xuất.
Hà Linh/Báo Tin tức và Dân tộc