Ngành sản xuất kỳ vọng hồi phục nhu cầu tiêu dùng nửa cuối năm 2025

Ngành sản xuất kỳ vọng hồi phục nhu cầu tiêu dùng nửa cuối năm 2025
13 giờ trướcBài gốc
Ngành sản xuất đang kỳ vọng nhu cầu tiêu dùng hồi phục chặng nửa cuối năm 2025.
Sáng 1/7, S&P Global công bố báo cáo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 6/2025.
Báo cáo mới nhất của S&P Global cho biết, các nhà sản xuất Việt Nam tiếp tục đối mặt với tình trạng nhu cầu yếu kém trong tháng 6. Điều này thấy rõ đối với lĩnh vực xuất khẩu khi các thành viên nhóm khảo sát cho biết, số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài giảm.
Cụ thể, chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành Sản xuất Việt Nam của S&P Global đã giảm xuống mức 48,9 điểm trong tháng 6 so với 49,8 của tháng 5, cho thấy chỉ số này nằm dưới ngưỡng 50 điểm tháng thứ ba liên tiếp và báo hiệu sự suy giảm nhẹ của các điều kiện kinh doanh vào thời điểm sắp hết nửa đầu năm.
Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam tháng 6/2025 đã giảm xuống mức 48,9 điểm.
Điểm trọng tâm của tình trạng xấu đi lần này của "sức khỏe" tổng thể ngành sản xuất là sự giảm sút số lượng đơn đặt hàng mới lần thứ ba liên tiếp. Số lượng đơn đặt hàng mới giảm nhẹ trong tháng 6, nhưng tốc độ giảm là nhanh hơn so với tháng 5.
"Nhu cầu giảm mạnh và rõ nhất ở các thị trường xuất khẩu khi số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài giảm với mức độ lớn hơn nhiều so với tổng số đơn đặt hàng mới", Báo cáo nêu.
Trên thực tế, tốc độ giảm số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới là một trong hai mức nhanh nhất kể từ tháng 9/2021, tương đương với mức của tháng 5/2023.
Một số doanh nghiệp cho biết thuế quan của Mỹ là nguyên nhân dẫn đến giảm số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới. Tổng số lượng đơn đặt hàng mới giảm đã khiến việc làm, hoạt động mua hàng và hàng tồn kho giảm trong tháng 6/2025.
Mặc dù nhu cầu đang yếu, các nhà sản xuất vẫn tiếp tục tăng sản lượng trong tháng 6. Sản lượng đã tăng tháng thứ hai liên tiếp.
Bình luận về hoạt động sản xuất, Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, nói: "Tháng 6 chứng kiến tình trạng yếu đi của nhu cầu quốc tế đối với hàng hóa sản xuất của Việt Nam khi ảnh hưởng của thuế quan đã mạnh hơn. Xuất khẩu giảm mạnh đã góp phần làm tổng số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm và các công ty phải giảm việc làm và hoạt động mua hàng".
Điểm tích cực của khảo sát chỉ số PMI kỳ này là các doanh nghiệp tiếp tục tăng sản lượng, cùng đó là niềm tin kinh doanh tiếp tục hồi phục từ mức thấp của 44 tháng trong tháng 4. Những hy vọng về tình trạng thị trường ổn định hơn và căng thẳng thương mại giảm bớt là nằm trong những yếu tố hỗ trợ triển vọng lạc quan.
Theo Andrew Harker, nửa đầu năm 2025 mang nét đặc trưng của sự biến động và bất ổn, đặc biệt là liên quan đến hoạt động thương mại. Niềm tin kinh doanh đã hồi phục ở mức nhất định trong những tháng gần đây, nhưng tâm lý tích cực chủ yếu dựa vào hy vọng về một bức tranh ổn định hơn trong thời gian tới.
Hải Yến
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/nganh-san-xuat-ky-vong-hoi-phuc-nhu-cau-tieu-dung-nua-cuoi-nam-2025-d318693.html