Ngành sản xuất vật liệu xây dựng nỗ lực tăng tốc

Ngành sản xuất vật liệu xây dựng nỗ lực tăng tốc
5 giờ trướcBài gốc
Sản xuất gạch tại Nhà máy gạch Phú Thịnh.
Nhà máy gạch Phú Thịnh (Tổng Công ty CP Đầu tư Hà Thanh), địa chỉ xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Lộc) là doanh nghiệp chuyên sản xuất gạch đặc tuynel chất lượng cao, phục vụ các công trình xây dựng dân dụng. Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên cho biết: Mỗi năm, nhà máy sản xuất được hơn 30 triệu viên gạch, chủ yếu phục vụ khách hàng trên địa bàn các huyện Vĩnh Lộc, Hà Trung, TP Thanh Hóa...
Để đảm bảo lượng gạch sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, ngoài quan tâm đầu tư dây chuyền sản xuất, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, công ty còn xây dựng được đội ngũ chăm sóc khách hàng. Nhờ đó, lượng gạch sản xuất từ đầu năm 2024 đến nay tăng từ 3 - 5% so với cùng kỳ năm 2023. Cũng theo ông Kiên, từ tháng 10 dương lịch trở đi là mùa xây dựng, việc tiêu thụ sản phẩm sẽ có sự tăng trưởng từ 5 - 10%. Vì vậy, công ty đã xây dựng kế hoạch sản xuất vừa đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng, đồng thời duy trì, đảm bảo việc làm cho 70 lao động với mức thu nhập từ 8 - 15 triệu đồng/người/tháng.
Công ty TNHH Thiên Phú Sơn, xã Cao Thịnh (Ngọc Lặc) là doanh nghiệp chuyên khai thác, chế biến đá mỹ nghệ, đá vật liệu xây dựng phục vụ thi công các công trình giao thông, xây dựng dân dụng. Giám đốc Công ty Lê Thị Việt cho biết: Hằng năm, đơn vị cung ứng khoảng 15.000 - 17.000m3 đá vật liệu xây dựng cho thị trường trong nước. Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay lượng hàng cung ứng ra thị trường của doanh nghiệp mới đạt từ 6.000 - 7.000m3, giảm từ 10 - 15% so với cùng kỳ năm 2023. Nhìn tổng thể, giảm so với cùng kỳ nhưng nếu bóc tách ra, bà Việt cho rằng, thị trường vật liệu xây dựng đang có những dấu hiệu lạc quan. Những tháng gần đây, thị trường vật liệu xây dựng đã dần ấm trở lại nên việc tiêu thụ sản phẩm đã có sự tăng trưởng đáng kể. Trong tháng 8/2024, các mặt hàng như đá mỹ nghệ, đá ốp lát, đá phục vụ xây dựng các công trình giao thông cung ứng ra thị trường tăng 15% so với tháng trước đó. Với đà này, hết năm 2024 việc cung ứng ra thị trường 15.000 - 17.000m3 đá vật liệu xây dựng là hoàn toàn có thể.
Thanh Hóa hiện có khoảng hơn 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng được phân thành 12 nhóm ngành như: xi măng, gạch ốp lát, gạch không nung, khai thác, chế biến đá... Để chống đỡ với tình trạng khó khăn hiện nay, các doanh nghiêp buộc phải linh hoạt tìm các giải pháp như giảm công suất, cắt giảm lao động, tìm kiếm thị trường, linh động trong tiêu thụ sản phẩm... Cùng với đó, tỉnh đã có công văn gửi đến các địa phương, đơn vị liên quan trong tỉnh quan tâm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó có nội dung sử dụng các sản phẩm khi xây dựng các công trình từ nguồn vốn ngân sách. Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách về tài chính, ngân hàng (trái phiếu doanh nghiệp, lãi suất điều hành, điều kiện cho vay...), các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển. Gần đây nhất, ngày 26/8/2024 Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 28/CT-TTg “Về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng”... Qua đó, giúp thị trường vật liệu xây dựng những tháng gần đây có dấu hiệu khởi sắc.
Thống kê từ Sở Công Thương Thanh Hóa, nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng duy trì đà sản xuất tăng so với cùng kỳ như: Gạch xây dựng tăng 9,1%, sắt thép tăng 11,2%... Từ kết quả này, cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp và các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Trung ương, của tỉnh, sẽ là động lực để ngành vật liệu xây dựng tiếp tục phục hồi, tăng tốc trong những tháng cuối năm 2024.
Bài và ảnh: Minh Lý
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/nganh-san-xuat-vat-lieu-xay-dung-no-luc-tang-toc-225634.htm