Ngành 'sầu riêng' non trẻ của Trung Quốc

Ngành 'sầu riêng' non trẻ của Trung Quốc
9 giờ trướcBài gốc
Sự xuất hiện của sầu riêng trồng tại Trung Quốc trên các kệ siêu thị trong hai năm qua đã châm ngòi cho một "cơn sốt vàng" nông nghiệp nhiệt đới tại thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới. Ảnh: Xinhua.
Từ tờ mờ sáng đến nửa đêm, Huang Qijun đều miệt mài chăm sóc 10.056 cây sầu riêng – một công việc không ngơi nghỉ mỗi ngày.
Tại trang trại rộng gần 40 hecta này, phần lớn công việc được tự động hóa. Mỗi cây đều được gắn cảm biến đo nhiệt độ và độ ẩm. Khi một cây cần nước, hệ thống sẽ gửi thông báo đến điện thoại của Huang. Chỉ một cú chạm, hệ thống tưới tự động ngay lập tức hoạt động.
Mỗi cây là một đơn vị “tài sản sống” cần được tưới nước, kiểm soát nhiệt độ – độ ẩm, tỉa cành, làm cỏ và thụ phấn thủ công khi đêm xuống.
Một số cây sầu riêng ra quả sớm đã có trái to bằng quả anh đào. Khi trái lớn dần, Huang sẽ kiểm tra từng quả, chỉ giữ lại những trái đạt tiêu chuẩn. Những quả được chọn sẽ được buộc cẩn thận bằng dây để khi vào mùa chín, chúng không rụng xuống đất một cách đột ngột.
"Chăm sóc những cây này từ khi còn non đến khi ra quả cũng giống như nuôi một đứa trẻ – từng bước đều phải tỉ mỉ", Huang nói. "Cây này bị ảnh hưởng sau cơn bão năm ngoái. Lẽ ra có thể cho 15-16 quả, nhưng năm nay tôi chỉ để lại 5-6 quả".
Câu chuyện của anh Huang chỉ là một trong rất nhiều người dân Trung Quốc đang đổ xô săn lùng cơ hội với loại trái cây được mệnh danh là "vàng xanh" này.
Dù đang được đầu tư mạnh mẽ và chăm chút bằng công nghệ hiện đại tại Trung Quốc, con đường để sầu riêng nội địa này cạnh tranh sòng phẳng với sầu riêng nhập khẩu từ Đông Nam Á vẫn còn rất xa, SCMP nhận định.
"Vàng xanh" của người khổng lồ
Những cây trong vườn của Huang đều chưa đến 5 tuổi – còn rất non so với những vườn sầu riêng hàng chục, thậm chí hàng trăm năm tuổi tại Thái Lan, Việt Nam hay Malaysia. Cây càng già, trái càng nhiều, vị càng ngọt, thịt càng béo.
Thế nhưng chỉ trong 2 năm ngắn ngủi, sự xuất hiện hiếm hoi của sầu riêng nội địa Trung Quốc đã nhanh chóng kích hoạt làn sóng đầu tư khổng lồ vào nông nghiệp nhiệt đới, từ các triền đồi bậc thang ở Hải Nam đến những vùng đất thấp cận nhiệt đới tại Vân Nam và Quảng Tây.
Những chùm sầu riêng non có kích thước bằng quả anh đào tại một vườn cây ăn quả ở tỉnh Hải Nam (Trung Quốc). Ảnh: SCMP.
Từ một quốc gia chỉ thuần túy nhập khẩu, Trung Quốc nay đã bắt đầu hành trình trở thành nhà sản xuất. Điều này đang tạo nên những tác động nhất định đến thị trường sầu riêng toàn cầu – và có thể cả những mặt hàng khác.
Trong vài năm trở lại đây, Trung Quốc mở rộng nhập khẩu sầu riêng tươi từ nhiều quốc gia, như một phần trong chiến lược "ngoại giao sầu riêng", vừa để chiều lòng người tiêu dùng nội địa, vừa để siết chặt quan hệ với Đông Nam Á.
Tuy nhiên, theo ông Du Baizhong – Tổng Giám đốc Công ty Nông nghiệp Hữu kỳ Hải Nam (Youqi), doanh nghiệp trồng sầu riêng lớn nhất Trung Quốc với hơn 200.000 cây (bao gồm cả trang trại của Huang) – việc kỳ vọng sầu riêng nội địa có thể thay thế hàng nhập khẩu vẫn còn rất viển vông.
"Đông Nam Á không cần bận tâm đến chuyện Trung Quốc trồng sầu riêng, vì chúng tôi chưa thể trở thành đối thủ thực sự", ông Du nói. "Ngay cả khi cả đảo Hải Nam được phủ kín sầu riêng, vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu khổng lồ trong nước".
Thống kê của Hải quan Trung Quốc cho thấy, năm 2024, nước này nhập khẩu 1,56 triệu tấn sầu riêng tươi – đạt mức kỷ lục 4 năm liên tiếp – với tổng giá trị gần 7 tỷ USD.
Thái Lan từng là nhà cung cấp sầu riêng duy nhất cho Trung Quốc trong nhiều năm, trước khi Việt Nam phá thế độc quyền vào năm 2022. Sau đó, Philippines được chấp thuận vào năm 2023 và Malaysia gia nhập đường đua vào năm 2024.
Theo ông Du, sản lượng và chi phí là hai điểm yếu lớn nhất. Cây sầu riêng ở Thái Lan hay Việt Nam thường 10-30 tuổi, cho quả nhiều, thịt thơm béo, vị đậm. Trong khi đó, vườn cây ở Trung Quốc mới 3-5 tuổi, năng suất còn thấp và chưa đạt độ ổn định.
Chi phí nhân công cao, khí hậu không lý tưởng, kinh nghiệm canh tác chưa dày khiến giá thành sầu riêng nội địa gấp đôi hàng nhập khẩu – dù quy trình sản xuất đã ứng dụng công nghệ hiện đại.
Bù lại, ông Du tin rằng chất lượng cao và sự tươi mới là lợi thế có thể khai thác. Trong khi sầu riêng Thái Lan buộc phải thu hoạch sớm, vận chuyển dài ngày và dùng hóa chất kích chín, thì sầu riêng Hải Nam có thể để chín cây, thu hoạch khi hương vị đạt đỉnh và vận chuyển bằng đường hàng không đến tay người tiêu dùng trong vòng 48 giờ.
Đây là mô hình "chất lượng Nhật Bản": diện tích nhỏ, sản lượng ít, nhưng giá trị cao – và được thị trường cao cấp chấp nhận.
Bài toán đất trồng
Khác với nhận định lạc quan của nhiều nhà đầu tư mới, việc trồng sầu riêng tại Trung Quốc không hề đơn giản. Hải Nam – nơi duy nhất có khí hậu nhiệt đới – từng bị coi là bất khả thi để trồng sầu riêng do gió mùa mạnh, thời tiết biến động khó lường.
Youqi từng thất bại cay đắng khi tỷ lệ sống của cây giống chỉ đạt 60%, gây thiệt hại gần 10 triệu USD. Sau đó, họ chuyển sang mô hình nông nghiệp ba tầng: trồng chuối che nắng, cau chắn gió, và dứa giữ ẩm đất – giúp cây sầu riêng sống sót và phát triển tốt hơn.
Một quả sầu riêng Trung Quốc trồng trong nước. Ảnh: SCMP.
Năm 2023, sầu riêng ba tuổi lần đầu cho quả, đạt sản lượng 50 tấn. Năm nay, ông Du dự đoán sản lượng đạt 500-600 tấn và khẳng định: "Tôi không lo đầu ra. Khi trái mới to bằng quả bóng bàn, toàn bộ đều đã được đặt mua trước – đó là lúc có thể ước tính sản lượng chính xác".
Hiện tại, những cây cao nhất trong trang trại chỉ mới khoảng 7 m, so với những cây trưởng thành 30 m ở Đông Nam Á. Ông Du dự báo, trong 2 năm tới, sản lượng sẽ tăng mạnh khi mỗi cây cho hơn 50 trái.
"Cây của chúng tôi hiện chỉ như trẻ mẫu giáo so với bên Đông Nam Á. Mười năm nữa, mỗi cây có thể cho hơn 100 quả mỗi vụ", ông cho biết.
Hiện tại, diện tích trồng sầu riêng tại Trung Quốc đang tăng gấp đôi mỗi năm. Tuy nhiên, vùng phù hợp thật sự chỉ giới hạn trong dải đất hẹp giữa 18-19 độ vĩ Bắc – tương đương với khu vực phía nam Hải Nam.
Một số nhà khoa học đang nỗ lực lai tạo giống sầu riêng chịu lạnh để mở rộng sang các tỉnh như Vân Nam, Quảng Tây hay thậm chí Phúc Kiến – nhưng ít nhất phải mất 5–10 năm nữa mới có kết quả.
Trong khi chờ đợi, giới đầu tư đã đổ về Xishuangbanna – vùng cận nhiệt đới duy nhất ở tỉnh Vân Nam, nơi có khí hậu tương đồng với Thái Lan và Việt Nam. Theo chuyên gia, nơi đây “giống Hải Nam năm 2020” – tức đang đứng trước ngưỡng của một cuộc bùng nổ.
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, ngành trồng sầu riêng nổi lên như một lĩnh vực hiếm hoi mang lại kỳ vọng lớn.
"Sầu riêng là loại trái cây chống chu kỳ kinh tế mạnh nhất. Trong đại dịch, khi kinh tế trì trệ, tiêu dùng giảm sút, trái cây khó bán – nhưng lượng nhập sầu riêng vẫn tăng liên tục". Ông Micheal Wang (tên thật là Maikou Wang) – chuyên gia nông nghiệp và KOL nổi tiếng trong giới nhận xét.
Phương Linh
Nguồn Znews : https://znews.vn/nganh-sau-rieng-non-tre-cua-trung-quoc-post1547573.html