Đột phá thể chế, tháo gỡ điểm nghẽn
Năm 2024, Bộ Tài chính xác định đẩy mạnh hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế tài chính là một trong ba đột phá chiến lược.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng (thứ 4 từ phải qua), Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn (thứ 3 từ trái qua), lãnh đạo Tổng cục Thuế và đại diện các bộ, ngành bấm nút khai trương cổng thương mại điện tử hỗ trợ người nộp thuế. Ảnh: Đức Minh.
Số lượng văn bản mà Bộ Tài chính được giao chủ trì hàng năm luôn rất lớn, nhiều nội dung phức tạp nhưng Bộ luôn hoàn thành Chương trình xây dựng pháp luật với tỷ lệ cao.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, coi chuyển đổi số là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - “phương thức sản xuất số”, Bộ Tài chính đang quyết liệt triển khai chuyển đổi số, tập trung xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao.
Năm 2024, Bộ Tài chính đã hoàn thành 70 nhiệm vụ được giao. Tính cả các đề án đã trình từ những năm trước chuyển sang, năm 2024, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 23 nghị định và xem xét ban hành 20 dự thảo nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 quyết định và xem xét ban hành 2 dự thảo quyết định; Bộ Tài chính đã ban hành theo thẩm quyền 86 thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước.
Một điểm nhấn quan trọng trong công tác hoàn thiện thể chế là tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật số 56/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật trong lĩnh vực tài chính - ngân sách.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật đã tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về cơ chế, chính sách, tích cực tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công; bổ sung nguồn lực cho ngân sách nhà nước; ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát nợ công, giảm nợ công.
Triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 412/QĐ-TTg ngày 14/5/2024 phê duyệt 42 phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính giai đoạn 2024 - 2025. Đến ngày 27/12/2024, Bộ Tài chính đã thực thi được 11/42 phương án đã được phê duyệt tại Quyết định số 412/QĐ-TTg.
Trong năm 2024, Bộ Tài chính đã tiếp tục đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính. Đến nay, Bộ đã triển khai 747 dịch vụ công, trong đó có 347 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 108 dịch vụ công trực tuyến một phần và 292 dịch vụ cung cấp thông tin cho tổ chức, cá nhân. Đồng thời, đã hoàn thành kết nối, tích hợp 284 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin
Dấu ấn đáng ghi nhận nữa trong hoạt động cải cách là năm qua, Bộ Tài chính đã tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa trong lĩnh vực quản lý, hướng đến nền tài chính số tiên tiến, hiện đại, phục vụ đắc lực cho mục tiêu chính phủ điện tử, chính phủ số.
Bộ Tài chính cũng đã thành công trong việc mở rộng triển khai hóa đơn điện tử, quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; vận hành thành công Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài; triển khai xuất hóa đơn theo từng lần bán hàng đối với bán lẻ xăng dầu...
347/747 dịch vụ công của Bộ Tài chính đã thực hiện trực tuyến toàn trình. Ảnh: TL.
Đến nay, số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế tiếp nhận và xử lý ước đạt 11 tỷ hóa đơn. Đã có 116 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Riêng trong năm 2024 thu 8.700 tỷ đồng, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngành Hải quan quyết liệt thực hiện "Hải quan số", "Hải quan thông minh" và "Hải quan xanh" hiện đại hóa ngành Hải quan, đơn giản hóa thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Kho bạc Nhà nước vinh dự nhận giải thưởng Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc với giải pháp “Chuyển đổi số từ Kho bạc giao dịch truyền thống sang Kho bạc điện tử”.
Mới đây Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Bắt nhịp xu hướng này, ngành Tài chính đang và sẽ khẩn trương tháo gỡ những điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực đầu tư của toàn xã hội cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Năm 2025, Bộ Tài chính sẽ tiếp rục rà soát, đánh giá thủ tục hành chính trong quá trình thực hiện; tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức; loại bỏ các thành phần hồ sơ không cần thiết, không hợp lý; tích hợp, cắt giảm các mẫu đơn, tờ khai và các giấy tờ không cần thiết hoặc có nội dung thông tin trùng lặp trên cơ sở ứng dụng các công nghệ số và các cơ sở dữ liệu sẵn có.
Đặc biệt, tập trung xây dựng, triển khai các ứng dụng, hệ thống thông tin, dữ liệu dùng chung, nền tảng công nghệ dùng chung phục vụ tích hợp, liên thông, trao đổi, chia sẻ dữ liệu trong toàn ngành Tài chính, giữa Bộ Tài chính với các cơ quan./.
Hồng Vân