Sản xuất thép tại Nhà máy cán thép Thái Nguyên.
Ngày 2/4 vừa qua, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ký sắc lệnh áp thuế đối ứng lên hơn 180 nền kinh tế (trong đó, Việt Nam chịu mức thuế 46%). Trong “cơn bão” thuế quan này, thép Việt Nam lại được loại trừ do từ năm 2018 đã chịu mức thuế 25% theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại Hoa Kỳ.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng muốn duy trì sự ổn định chính sách thuế với các kim loại chiến lược là nguyên liệu thiết yếu cho nhiều ngành công nghiệp của Hoa Kỳ như ô-tô, xây dựng và sản xuất thiết bị,... tránh tình trạng “thuế chồng thuế” làm tăng chi phí cho người tiêu dùng Hoa Kỳ. Điều này có thể sẽ mở ra một bức tranh đa chiều với cả cơ hội lẫn thách thức cho ngành thép Việt Nam.
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), năm 2024, Việt Nam xuất khẩu gần 13 triệu tấn thép, trị giá 9,08 tỷ USD; trong đó Hoa Kỳ là thị trường lớn thứ ba, chiếm 14% tổng lượng xuất khẩu, đứng sau ASEAN và EU.
Hiện, Hoa Kỳ vẫn phụ thuộc 12-15% vào thép nhập khẩu (khoảng 20-25 triệu tấn/năm), cho nên những tác động từ thuế quan có thể không hẳn là yếu tố bất lợi với toàn ngành thép Việt Nam nếu biết cách khai thác tiềm năng thị trường này.
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), năm 2024, Việt Nam xuất khẩu gần 13 triệu tấn thép, trị giá 9,08 tỷ USD; trong đó Hoa Kỳ là thị trường lớn thứ ba, chiếm 14% tổng lượng xuất khẩu, đứng sau ASEAN và EU.
Trước đây, Canada, Mexico hay Brazil vốn được Hoa Kỳ ưu đãi về thuế với thép, nay phải chịu chung mức thuế 25%. Điều này tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn, giúp thép của Việt Nam duy trì khả năng cạnh tranh về giá tại Hoa Kỳ, nơi mang lại doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm.
Cùng với đó, do Hoa Kỳ không phải là thị trường xuất khẩu chủ lực, các doanh nghiệp thép Việt Nam có thể xoay trục tập trung vào thị trường nội địa, vốn đang phục hồi nhờ những tín hiệu tích cực từ đầu tư công và bất động sản, cũng như các thị trường trong khu vực ASEAN, nơi có lợi thế từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA).
Dẫu vậy, cũng không nên quá lạc quan, bởi khi các quốc gia khác khó tiếp cận thị trường Hoa Kỳ sẽ chuyển hướng, đưa thép giá rẻ sang khu vực châu Á và Việt Nam để tiêu thụ; từ đó, tạo áp lực lớn cho thép trong nước, vốn đang đối mặt với tình trạng cung vượt cầu.
Ngoài ra, nguy cơ thép Việt Nam vướng vào những cáo buộc liên quan đến “đội lốt xuất xứ” từ thép các quốc gia khác muốn né thuế đối ứng tăng cao của Hoa Kỳ cũng có thể đang cận kề.
Mới nhất, ngày 4/4, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) công bố sơ bộ kết quả điều tra chống bán phá giá với thép mạ nhập khẩu, trong đó Việt Nam chịu mức thuế đến 88,12%.
Dù chưa phải phán quyết cuối cùng, nhưng từ nay đến ngày 18/8 tới, nếu không chứng minh được với DOC thép Việt Nam không gây thiệt hại cho ngành thép của Hoa Kỳ, rất có thể vào tháng 10/2025, Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) sẽ chính thức áp thêm thuế lên thép của Việt Nam do đã có hành vi bán phá giá và trợ cấp bất hợp pháp.
Lịch sử cho thấy, năm 2018-2019, Hoa Kỳ từng áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp lên tới hơn 400% đối với một số sản phẩm thép Việt Nam.
Vì vậy, để có những biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả, ngành thép cần đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.
Đặc biệt, ngành thép cần rà soát lại chiến lược xuất khẩu, tuân thủ nghiêm ngặt tính minh bạch trong chuỗi cung ứng và quy định nguồn gốc hàng hóa; tránh bằng mọi giá những cáo buộc về “đội lốt xuất xứ”, thứ mà Hoa Kỳ luôn “soi” kỹ với hàng nhập khẩu. Chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt mới, làm suy giảm lợi thế cạnh tranh của cả một ngành.
Song song với đó, cần tiếp tục đa dạng hóa thị trường, khai thác tốt các FTA để mở rộng hoạt động xuất khẩu. Chính phủ cần tiếp tục tăng cường đối thoại ngoại giao với Hoa Kỳ để hạn chế các chính sách bất lợi cho các ngành, triển khai giải pháp hiệu quả để giữ vững thị trường Hoa Kỳ; hỗ trợ doanh nghiệp trong ứng phó các cuộc điều tra phòng vệ thương mại; bảo vệ thị trường trong nước trước thép nhập khẩu giá rẻ.
Đây là thời điểm để Chính phủ và doanh nghiệp cùng chung tay hành động vì tương lai phát triển bền vững của một ngành công nghiệp then chốt.
MINH DŨNG