Ngành thép toàn cầu trước sức ép từ Trung Quốc và thuế quan Mỹ

Ngành thép toàn cầu trước sức ép từ Trung Quốc và thuế quan Mỹ
12 giờ trướcBài gốc
Một nhà máy sản xuất thép tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Theo tờ Politico ngày 2/5, sau nhiều năm suy giảm và bị coi là ngành công nghiệp lạc hậu, thép đang quay trở lại như một ưu tiên chiến lược tại các nền kinh tế phát triển. Mối lo ngại gia tăng trước tình trạng phụ thuộc vào nguồn thép giá rẻ nhưng phát thải cao từ Trung Quốc, Đông Nam Á và Bắc Phi, đặc biệt trong bối cảnh lượng thép dư thừa từ các khu vực này đang tràn vào thị trường toàn cầu sau khi bị Mỹ áp thuế nhập khẩu 25%.
Trước thực trạng đó, nhiều nước buộc phải hành động. Vương quốc Anh vừa quyết định quốc hữu hóa lại nhà máy thép duy nhất còn khả năng sản xuất kim loại từ nguyên liệu thô trong nước. Liên minh châu Âu (EU) đã công bố Kế hoạch hành động thép nhằm phục hồi ngành công nghiệp này và bảo vệ thị phần trong nội khối. Tại Australia, chính phủ cũng cam kết chi hàng tỷ AUD để chuyển đổi công nghệ cho các nhà máy luyện thép theo hướng giảm phát thải.
Tại EU, khoảng 9 tỷ euro viện trợ nhà nước đã được phân bổ cho ngành thép trong vài năm gần đây. Kế hoạch mới đặt mục tiêu phát triển công nghệ luyện thép sạch, mở rộng tái chế và đẩy mạnh nghiên cứu phục vụ quốc phòng. Ủy ban châu Âu còn có kế hoạch huy động thêm 100 tỷ euro để đầu tư vào các dự án luyện thép không phát thải carbon.
Bộ trưởng Công nghiệp và Năng lượng Pháp Marc Ferracci cho rằng thép giá rẻ từ Trung Quốc, được trợ cấp với quy mô lớn trong nhiều năm qua, đã làm suy giảm đáng kể thị phần của thép châu Âu và tình hình ngày càng xấu hơn do các rào cản thuế quan từ phía Mỹ.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Boris Jankowiak từ tổ chức Climate Action Network, ngành thép châu Âu hiện vẫn phụ thuộc lớn vào nhiên liệu hóa thạch, gây trở ngại cho quá trình chuyển đổi sang công nghệ sạch. Ông cho rằng ưu tiên hiện nay cần tập trung vào việc thúc đẩy tiêu thụ thép sạch nội địa, hạ giá năng lượng và đẩy mạnh tái chế.
Ủy viên Công nghiệp EU Stephane Sejourne nhấn mạnh rằng thép giữ vai trò then chốt trong chiến lược tăng cường năng lực tự chủ công nghiệp và bảo đảm nguồn vật tư thiết yếu cho châu Âu. Ông dẫn chứng rằng mỗi xe tăng chiến đấu chủ lực cần tới 60 tấn thép, cho thấy tầm quan trọng của vật liệu này đối với lĩnh vực quốc phòng và quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Hiện Đức chiếm khoảng 25% tổng sản lượng thép của EU, tiếp theo là Italy với 10%, còn Pháp, Romania và Ba Lan mỗi nước đóng góp hơn 7%.
Ngoài yếu tố an ninh, ngành thép còn có ý nghĩa lớn về kinh tế và việc làm. Tại EU, khoảng 300.000 người đang làm việc trong lĩnh vực này, trong khi con số tại Anh là 37.000 người. Chính phủ các nước đang thúc đẩy mạnh mẽ các chương trình đầu tư công nghệ sạch để bảo vệ việc làm và duy trì năng lực sản xuất thép trong nước.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng cần thận trọng với lập luận an ninh quốc phòng khi lấy đó làm cơ sở duy trì sản lượng ngành thép. Họ đặt câu hỏi liệu nhu cầu sản xuất xe tăng có đủ lớn để bảo đảm sự phát triển bền vững cho toàn ngành, đồng thời cảnh báo không nên xây dựng tương lai của ngành công nghiệp thép trên giả định về xung đột vũ trang kéo dài.
Hoàng Anh/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/kinh-te/nganh-thep-toan-cau-truoc-suc-ep-tu-trung-quoc-va-thue-quan-my-20250502110328367.htm