Ngành tôm Việt Nam trước 'giờ G' thuế quan Mỹ

Ngành tôm Việt Nam trước 'giờ G' thuế quan Mỹ
10 giờ trướcBài gốc
Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm trong tháng 5/2025 và 5 tháng đầu năm đạt kết quả tích cực, ghi nhận mức tăng trưởng tốt từ đầu năm đến nay.
Cụ thể, xuất khẩu tôm thẻ chân trắng đạt 30.089 tấn, tăng 23% so với tháng 4 và 6% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ và Trung Quốc – Hồng Kông ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu cực kỳ mạnh mẽ, lần lượt đạt 72% và 59%. Các thị trường khác như Hàn Quốc cũng tăng 20%, EU tăng 14% và Nhật Bản cũng duy trì đà tăng trưởng tích cực.
Sự bứt phá của tôm thẻ tại Hoa Kỳ được lý giải bởi động thái tăng cường mua nguyên liệu của các nhà chế biến nhằm hoàn tất đơn hàng trước thời điểm hết hiệu lực hoãn thuế quan đối ứng của ông Trump. Điều này đẩy giá tôm thẻ nội địa tại trại tăng 5-7% ở tất cả các cỡ. Với mức giá xuất khẩu trung bình đạt 11,60 USD/kg, Hoa Kỳ tiếp tục là điểm sáng, nhập khẩu 7.060 tấn tôm thẻ chân trắng từ Việt Nam trong tháng 5, mức cao nhất kể từ tháng 10/2024.
Trung Quốc cũng là một thị trường đầy tiềm năng khi lượng xuất khẩu đạt 4.500 tấn, cao nhất kể từ tháng 10, dù giá trung bình có giảm nhẹ 3% xuống còn 6,50 USD/kg. Các sản phẩm tôm thẻ Việt Nam được ưa chuộng bao gồm tôm luộc không đầu, lột vỏ chừa đuôi đông lạnh, tôm sushi, tôm hấp, tôm tẩm bột chiên kèm nước xốt.
Trong khi tôm thẻ thống lĩnh về kim ngạch, tôm sú lại khẳng định vị thế ở phân khúc cao cấp với tốc độ tăng trưởng ổn định trong tháng 5. Sản lượng xuất khẩu tôm sú đạt 4.353 tấn, tăng 8% so với tháng trước và 6% so với cùng kỳ năm 2024.
Các thị trường cao cấp như Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc và Vương quốc Anh đều ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ về lượng nhập khẩu tôm sú Việt Nam. Đặc biệt, tôm sú sinh thái nuôi tại rừng ngập mặn đang ngày càng được ưa chuộng tại Nhật Bản, EU, Thụy Sỹ nhờ đảm bảo truy xuất nguồn gốc và đạt tiêu chuẩn bền vững, mở ra một phân khúc giá trị cao với tiềm năng tăng trưởng vượt trội.
Tuy nhiên, nguồn cung tôm sú nguyên liệu trong tháng 5 giảm nhẹ 2% và giá tại trại có xu hướng điều chỉnh đối với các cỡ lớn. Ngành tôm sú Việt Nam cũng đang đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ Ấn Độ, khi quốc gia này đang đẩy mạnh nuôi tôm sú do giá trị cao hơn, thậm chí áp dụng mô hình nuôi hai vụ trong năm để phục vụ thị trường châu Á.
Theo bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm của VASEP đánh giá, dù kết quả kinh doanh tháng 5 khả quan, triển vọng cho tháng 6 và nửa cuối năm 2025 của ngành tôm Việt Nam vẫn còn nhiều ẩn số.
Về mặt tích cực: Thông thường, nhu cầu tại các thị trường chính sẽ tăng theo mùa trong mùa hè, hứa hẹn thúc đẩy xuất khẩu. Sức hút phân khúc cao cấp cũng là yếu tố tác động tích cực đến toàn ngành tôm khi tôm sú sinh thái, bền vững tiếp tục là lợi thế cạnh tranh cho tôm Việt Nam tại các thị trường khó tính, mang lại giá trị gia tăng cao.
Dự báo nguồn cung tôm nguyên liệu sẽ tiếp tục cải thiện trong tháng 6, giúp ổn định giá thành và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Theo số liệu thì Cục Thống kê, Bộ Tài chính, sản lượng tôm 6 tháng đầu năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước nhờ thời tiết thuận lợi, áp dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao hiệu quả, thu hoạch đúng vụ. Sản lượng tôm thẻ chân trắng quý 2/2025 ước đạt 261,1 nghìn tấn, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú đạt 74,6 nghìn tấn, tăng 3,8%. Tính chung sáu tháng đầu năm 2025, sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 366,9 nghìn tấn, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú đạt 125,1 nghìn tấn, tăng 3,6%.
Tuy vậy, chuyên gia cũng lưu ý những vấn đề có thể ảnh hưởng đến các đơn hàng xuất khẩu mới: Chính sách thuế quan tại Hoa Kỳ là biến số lớn nhất, đặc biệt là tâm lý chờ đợi của các doanh nghiệp nhập khẩu Hoa Kỳ. Việc chưa rõ ràng về chính sách thuế đối ứng của Mỹ có thể khiến các nhà máy chế biến tạm ngưng ký hợp đồng mới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực cạnh tranh của tôm Việt Nam tại thị trường trọng điểm này.
Bên cạnh đó, sự gia tăng sản lượng và tái cơ cấu nuôi tôm sú của Ấn Độ sẽ tạo áp lực cạnh tranh lớn cho tôm sú Việt Nam, đặc biệt tại các thị trường châu Á. Dù giá xuất khẩu trung bình của tôm thẻ và tôm sú đều tăng nhẹ trong tháng 5, sự điều chỉnh giá của tôm sú nguyên liệu tại trại và việc giá trung bình tôm sú sang một số thị trường giảm cho thấy cần theo dõi chặt chẽ biến động thị trường.
Trong bối cảnh thị trường toàn cầu còn nhiều yếu tố khó lường, các doanh nghiệp tôm Việt Nam cần tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng và đẩy mạnh các sản phẩm giá trị gia tăng, đồng thời chủ động tìm kiếm các giải pháp thích ứng với chính sách thương mại quốc tế để duy trì và phát huy đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2025.
Linh Nhữ
Nguồn Thương Gia : https://thuonggiaonline.vn/nganh-tom-viet-nam-truoc-gio-g-thue-quan-my-post561504.html