Việt Nam học là ngành khoa học nghiên cứu về Việt Nam, có tính liên ngành và chịu ảnh hưởng của lĩnh vực nghiên cứu khu vực học. Ngành học này hiện đang được nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đào tạo với cơ hội nghề nghiệp đa dạng.
Ngành khoa học nghiên cứu về đất nước và con người Việt Nam
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Minh Đức - Trưởng Khoa Ngữ văn (đơn vị quản lý ngành Việt Nam học), Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 thông tin, Việt Nam học là ngành khoa học chuyên nghiên cứu về đất nước và con người Việt Nam trên những phương diện về văn hóa, lịch sử, địa lý, văn học, phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng, tộc người… nhằm làm nổi bật những khía cạnh độc đáo, đặc sắc của Việt Nam.
Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, ngành học này giúp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, góp phần xây dựng cộng đồng văn hóa đa dạng; đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục và đào tạo nhân lực có kiến thức về văn hóa dân tộc; có sứ mệnh trong việc truyền bá văn hóa Việt Nam, làm cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và bạn bè thế giới, đóng góp vào quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Sinh viên ngành Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đi thực tế tại chùa An Hòa (Vĩnh Phúc). Ảnh: NTCC.
Cùng đề cập đến nét riêng của ngành học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Thu - Trưởng khoa Việt Nam học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: “Việt Nam học có quan hệ mật thiết với lĩnh vực nghiên cứu về khu vực học. Đây là ngành khoa học có hướng tiếp cận liên ngành, tích hợp tri thức của các ngành khoa học khác như Lịch sử, Văn hóa học, Dân tộc học…
Ngành Việt Nam học đào tạo những sinh viên có thể hiểu sâu sắc về tính riêng biệt của Việt Nam.
Ví dụ, ngành Lịch sử, sẽ chú trọng hiểu biết liên quan đến tiến trình lịch sử, sự kiện lịch sử còn Việt Nam học lại nhìn nhận theo khía cạnh đặc trưng của lịch sử hoặc với ngành Tôn giáo học, chúng tôi không đi sâu nghiên cứu sự hình thành tôn giáo mà hướng đến sự khác biệt của tôn giáo này khi tồn tại ở Việt Nam.
Từ những hiểu rõ về nét đặc trưng của Việt Nam, sinh viên sẽ ứng dụng trong nghề nghiệp tương lai, khai thác những nét khác biệt của đất nước để giới thiệu quảng bá du lịch, văn hóa, ngôn ngữ của dân tộc".
Được biết, khoa Việt Nam học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) đã có lịch sử 26 năm đào tạo. Những ngày đầu, khoa chỉ tuyển sinh sinh viên nước ngoài. Bắt đầu từ năm 2021, khoa đã tuyển sinh khóa sinh viên Việt Nam đầu tiên.
Thu hút người học với cơ hội nghề nghiệp đa dạng
Theo chia sẻ của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Minh Đức, ngành Việt Nam học ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm với cơ hội nghề nghiệp rộng mở, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Tỉ lệ sinh viên nhập học và điểm trúng tuyển trong 5 năm gần đây của ngành có xu hướng tăng. Năm 2024, điểm trúng tuyển là 25,07 (thang điểm 30) với 75 sinh viên nhập học.
Thầy Đức thông tin, trên cơ sở nền tảng kiến thức về văn hóa, ngoại ngữ, chương trình định hướng đào tạo sinh viên theo 2 hướng chính: Việt Nam học – Du lịch – Quản trị nhà hàng, khách sạn và Giảng dạy Việt nam học/tiếng Việt.
Ngoài những kiến thức nền tảng về khoa học xã hội và nhân văn; kiến thức toàn diện, chuyên sâu về Việt Nam, chương trình đào tạo cũng trang bị cho người học những kiến thức nghiệp vụ chuyên ngành theo 2 hướng kể trên.
Trong khung chương trình cũng có sự gia tăng số lượng tín chỉ với các học phần ngoại ngữ (bao gồm cả tiếng Anh và tiếng Trung) nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên. Ngoài ra, người học còn được trau dồi kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đàm phán, kỹ năng làm việc nhóm...
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Thu - Trưởng khoa Việt Nam học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC.
Theo thông tin từ Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Thu, bên cạnh chuyên ngành về Nghiên cứu, hướng dẫn du lịch (định hướng Du lịch), ngành Việt Nam học của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) còn đào tạo Nghiên cứu và giảng dạy văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam (định hướng Dạy tiếng Việt cho người nước ngoài).
Sinh viên theo học ngành Việt Nam học sẽ được dạy Kiến thức giáo dục đại cương và Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp (trong đó có kiến thức cơ sở và kiến thức ngành).
Kiến thức cơ sở với các môn học như Dân tộc học, Văn học, Tôn giáo học… sẽ xây dựng nền tảng cho các bạn sinh viên để hiểu về Việt Nam. Sau đó, sinh viên sẽ học kiến thức chuyên ngành theo 2 hướng là Du lịch và Dạy tiếng Việt cho người nước ngoài.
Những sinh viên chọn chuyên ngành Nghiên cứu và giảng dạy văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam (định hướng Dạy tiếng Việt cho người nước ngoài) được học thêm các học phần như Ngữ âm tiếng Việt, Ngữ pháp tiếng Việt, Phương pháp dạy tiếng Việt…
Thầy Thu khẳng định: "Nếu sinh viên chỉ nắm được phương pháp giảng dạy sẽ không thể giải thích hết những vấn đề phức tạp của tiếng Việt, gắn liền với quá trình vận động của văn hóa, ảnh hưởng lẫn nhau giữa các tộc người… Do đó, sinh viên theo định hướng Dạy tiếng Việt cho người nước ngoài sẽ được trang bị thêm bề dày kiến thức văn hóa (văn hóa vùng, văn hóa tộc người, đặc trưng ngôn ngữ…) bên cạnh phương pháp giảng dạy".
Trưởng khoa Việt Nam học nói thêm: "Chúng tôi luôn lấy người học là trung tâm, giáo dục khai phóng, phát huy tính chủ động của sinh viên.
Bên cạnh đó, khoa cũng chú ý đến việc áp dụng lý thuyết vào thực tế thông qua 2 đợt thực tế và thực tập. Đặc biệt, thời gian thực tập là cơ hội để sinh viên tiếp xúc với nhà tuyển dụng, học hỏi nhằm bổ sung kỹ năng cần thiết từ đó thích ứng tốt hơn với công việc trong tương lai.
Ngoài ra, khoa Việt Nam học có mạng lưới hợp tác quốc tế rộng giúp sinh viên có cơ hội được đi trao đổi, giao lưu ở các trường đại học tại Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia… Đồng thời, Trung tâm dạy tiếng Việt cho người nước ngoài của khoa là môi trường thuận lợi để sinh viên tham gia vào quá trình thực hành, thử nghiệm phương pháp giảng dạy".
Cùng chia sẻ quan điểm về tiềm năng của ngành Việt Nam học, Tiến sĩ Trần Thị Tú Nhi - Trưởng bộ môn Ngữ văn, Khoa Khoa học xã hội và nhân văn (đơn vị quản lý ngành Việt Nam học), Trường Đại học Quy Nhơn cho biết:
“Trong quá trình đào tạo ngành Việt Nam học, chúng tôi tập trung vào lĩnh vực du lịch. Theo khảo sát, sau 1 năm tốt nghiệp, có khoảng 50% sinh viên Việt Nam học làm việc đúng ngành đào tạo. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, du lịch ngày càng được đẩy mạnh, do đó sinh viên sẽ có nhiều cơ hội trong công việc.
Người học không chỉ đảm nhận các công việc liên quan đến hướng dẫn viên du lịch; thiết kế, điều hành du lịch mà còn có cơ hội làm việc trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn. Đặc biệt, những tìm hiểu, nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa hỗ trợ tốt cho sinh viên trong các hoạt động nghề nghiệp”.
Tiến sĩ Trần Thị Tú Nhi - Trưởng bộ môn Ngữ văn, Khoa Khoa học xã hội và nhân văn, Trường Đại học Quy Nhơn. Ảnh: NVCC.
Được biết, sinh viên theo học ngành Việt Nam học tại Trường Đại học Quy Nhơn sẽ được học 3 khối kiến thức. Trong khối kiến thức chuyên ngành sẽ có một số môn liên quan đến du lịch như Thiết kế điều hành du lịch; Xúc tiến quảng bá du lịch; Nghiệp vụ hướng dẫn du lịch…
Trường Đại học Quy Nhơn tiến hành thay đổi chương trình đào tạo 2 năm/lần. Theo đó, khoa Khoa học xã hội và nhân văn cũng rà soát toàn bộ hệ thống các học phần, số tín chỉ đối với các ngành trong đó có ngành Việt Nam học.
Những học phần không còn phù hợp, chưa đáp thực sự đáp ứng được nhu cầu của sinh viên, nhà tuyển dụng sẽ bị loại bỏ, đồng thời chương trình cũ được cải tiến. Trọng tâm của chương trình đào tạo là hướng đến mục tiêu sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể đáp ứng được yêu cầu công việc.
Đặc biệt, việc học nghề kết hợp với kiến thức lý thuyết trên giảng đường của sinh viên được quan tâm. Người học có thể tham gia vào quá trình hỗ trợ thiết kế điều hành tour du lịch; hướng dẫn viên du lịch cho một số đơn vị đối tác. Điều này giúp các em tự tin hơn khi bước vào công việc thực tế.
Kết hợp lý thuyết với thực hành để chinh phục kiến thức
Em Phan Trịnh Ngọc Anh - Sinh viên K01 ngành Việt Nam học (dành cho sinh viên Việt Nam), Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC.
Ở góc nhìn của người học, em Phan Trịnh Ngọc Anh - Sinh viên K01 ngành Việt Nam học (dành cho sinh viên Việt Nam), Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) cho biết:
“Em lựa chọn học ngành Việt Nam học vì mong muốn có cơ hội tìm hiểu kỹ lưỡng về đất và con người Việt Nam ở các phương diện như lịch sử, địa lý, văn hóa,…
Khi học ngành này, em được tìm hiểu những chuyện xưa tích cũ trong mối quan hệ với cuộc sống hôm nay. Đặc biệt, em được được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi với các sinh viên quốc tế. Điều này càng thôi thúc em muốn tìm hiểu nhiều hơn về ngành Việt Nam học.
Khoa Việt Nam học đang đào tạo 2 định hướng chuyên sâu là Du lịch và Giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Bản thân em đang theo học định hướng Du lịch.
Trong tương lai, em mong muốn có thể được hoạt động trong lĩnh vực chính trị - ngoại giao, vận dụng các kiến thức liên ngành về ngoại giao để quảng bá văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Bên cạnh đó, em cũng mong muốn được tiếp tục học tập tại khoa để nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng cần thiết cho công việc liên quan đến ngoại giao, du lịch, giảng dạy".
Là ngành học có tính liên ngành, để nắm vững kiến thức không phải điều dễ dàng, chia sẻ về phương pháp học tập, em Nguyễn Trọng Cương – Sinh viên K47 ngành Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho biết:
“Em đã kết hợp việc học lý thuyết với thực hành để tích lũy các kiến thức và kỹ năng cần thiết. Trên lớp, em lắng nghe thầy cô giảng bài và đặt câu hỏi để được giải đáp thắc mắc. Về nhà, em tiếp tục nghiên cứu mở rộng phạm vi về bài học.
Ngoài thời gian học tập trên lớp, em cũng tìm kiếm cơ hội để trải nghiệm một số công việc liên quan tới lĩnh vực mình đang theo học ví dụ như làm hướng dẫn viên du lịch. Công việc này là cơ hội để em được áp dụng những kiến thức được học trên trường, lớp vào công việc thực tế”.
Em Nguyễn Trọng Cương (ngoài cùng bên phải) – Sinh viên K47 ngành Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Ảnh: NTCC.
Đối với em Nguyễn Phương Anh - Sinh viên K47 ngành Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, việc rèn luyện ý thức và thái độ học tập là điều đặc biệt quan quan trọng để chinh phục kiến thức.
“Trong lớp học em luôn lắng nghe thầy cô giảng bài, bạn bè thuyết trình, có thái độ xây dựng và đóng góp cho bài học, từ đó, thu nạp kiến thức hiệu quả hơn. Ngoài ra, ở nhà em cũng sẽ tìm hiểu về chương trình học và những tài liệu được sử dụng trong môn học.
Nếu có thời gian, em sẽ điểm qua các kiến thức liên quan đến bài mới để xây dựng nền tảng tốt hơn cho việc tiếp thu bài giảng.
Đặc biệt, em luôn rèn luyện kĩ năng lắng nghe, chủ động phân tích, kỹ năng tập trung, kỹ năng thuyết trình - tập luyện cách nói sao cho gãy gọn, truyền đạt được thông tin mình muốn chia sẻ. Cùng với đó, em trau dồi các kĩ năng về công nghệ thông tin như Powerpoint, Word, Excel... để hỗ trợ việc học và công việc sau này" - Phương Anh nói.
Để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ngành Việt Nam học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức đưa ra một số đề xuất, cụ thể:
Thứ nhất, bồi dưỡng kiến thức, năng lực chuyên môn cho sinh viên qua các chương trình tập huấn, chia sẻ từ chuyên gia, doanh nghiệp/đơn vị tuyển dụng; tăng cường các hoạt động thực tế, trải nghiệm trong mỗi học phần.
Thứ hai, tổ chức các cuộc thi nghiệp vụ, tăng cường hoạt động của các câu lạc bộ; tổ chức các chương trình, hoạt động, tập huấn rèn luyện kỹ năng mềm và các kỹ năng khác cần thiết cho sinh viên.
Thứ ba, đưa hoạt động giáo dục, thực hành nghề ngày càng gắn bó chặt chẽ hơn với đơn vị sử dụng lao động. Đầu tư, chú trọng trong các hoạt động kết nối với các doanh nghiệp/đơn vị sử dụng lao động, tăng cường các hoạt động thực hành nghề tại đơn vị sử dụng lao động; cung cấp, hỗ trợ thông tin phong phú, kịp thời về cơ hội việc làm, thị trường lao động.
Hồng Linh