Bộ Xây dựng đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn cho công trình trọng điểm quốc gia
Mới đây, Bộ Xây dựng vừa tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 của ngành xây dựng. Phát biểu tại hội nghị, ông Ngô Lâm, Chánh văn phòng Bộ Xây dựng cho biết, tăng trưởng của ngành xây dựng năm 2024 khả quan, ước thực hiện đạt khoảng 7,8 - 8,2%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao là 6,4 - 7,3% và tăng so với mức 7,3 - 7,75% của năm 2023.
“Đây là kết quả cao nhất mà ngành xây dựng đạt được kể từ năm 2020 đến nay và trở thành động lực dẫn dắt cho tăng trưởng GDP chung của nền kinh tế. Cùng đó, tỷ lệ đô thị hóa đạt 44,3%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao là 43,7%”, ông Ngô Lâm chia sẻ.
Với trách nhiệm thành viên Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã cùng Chính phủ thực hiện giải trình chất vấn trước Quốc hội về các vấn đề trọng tâm, được xã hội quan tâm và các vấn đề “nóng” trong các lĩnh vực của ngành xây dựng.
Theo đó, ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã chủ trì Đoàn công tác làm việc với 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Tiền Giang về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng, hạ tầng, nhà ở và xuất nhập khẩu trên địa bàn và có báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Hay Bộ đã trả lời khoảng 110 lượt kiến nghị của các địa phương gửi đến các đoàn công tác theo Quyết định số 435/QĐ-TTg phân công thành viên Chính phủ chủ trì đôn đốc làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn.
Cũng trong năm 2024, Bộ Xây dựng đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, doanh nghiệp, nhờ đó thị trường bất động sản đã có những chuyển biến tích cực, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
Đến nay, thị trường bất động sản cơ bản đã tăng trưởng về mức độ quan tâm, tìm kiếm thông tin về bất động sản của khách hàng, nhà đầu tư; lượng giao dịch đối với loại hình căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ và đất nền có xu hướng tăng.
Nguồn cung bất động sản sau một thời gian còn hạn chế đang có dấu hiệu chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Lãi suất ngân hàng được điều chỉnh giảm, các chủ đầu tư đưa ra nhiều chính sách có lợi cho người mua nhà cũng giúp gia tăng niềm tin khách hàng, thanh khoản trên thị trường.
Đặc biệt, Bộ Xây dựng đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn cho công trình trọng điểm quốc gia, tình trạng thiếu hụt vật liệu xây dựng, kiểm soát chất lượng công trình xây dựng, xử lý các vấn đề về phòng cháy chữa cháy.
Theo Chánh văn phòng Bộ Xây dựng, ngành xây dựng tuy đã đạt được một số chuyển biến tích cực trong những năm qua nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong nội tại như năng suất lao động thấp hơn so với nhiều ngành kinh tế. Các vấn đề tồn đọng, tích tụ nhiều năm ngày càng khó giải quyết do tác động chung từ nền kinh tế trong và ngoài nước...
Mặc dù, xác định tăng trưởng ngành năm 2024 là động lực chính cho tăng trưởng chung của nền kinh tế nhưng cũng sẽ phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi của thị trường bất động sản, tiến độ tháo gỡ vướng mắc, triển khai các dự án đầu tư công; hệ thống văn bản pháp lý vẫn chậm so với yêu cầu...
Trong khi đó, hệ thống định mức, đơn giá, tiêu chuẩn, quy chuẩn còn chậm hoàn thiện, chưa theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ và yêu cầu thực tiễn. Công tác thẩm định dự án, thiết kế, dự toán còn nhiều hồ sơ chưa đảm bảo thời gian quy định; hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát về đầu tư xây dựng, quản lý quy hoạch, kiến trúc còn hạn chế.
Việc kiểm soát quy trình điều chỉnh quy hoạch xây dựng cục bộ tại một số địa phương chưa chặt chẽ; quản lý đô thị có nơi còn chưa chuyên nghiệp nên chưa phát huy và khai thác tốt các nguồn lực của chính đô thị và nguồn lực từ xã hội cho phát triển đô thị.
“Thị trường bất động sản tuy đã có nhiều tín hiệu tích cực nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc; không hoàn thành chỉ tiêu 130.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2024; tình trạng vi phạm trật tự xây dựng vẫn diễn ra phổ biến; hoạt động của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nhất là doanh nghiệp vật liệu xây dựng và bất động sản vẫn tiếp tục đối mặt tình trạng thiếu hụt dòng tiền, thua lỗ…”, đại diện Bộ Xây dựng nêu.
Phát biểu tại Hội Nghị, ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đánh giá cao những kết quả quan trọng ngành xây dựng đã đạt được trong năm 2024, đồng thời biểu dương sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành xây dựng trong việc phấn đấu thực hiện và hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch đã đề ra cho năm 2024.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, năm 2025 là thời điểm quan trọng để hoàn thành các mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025, do đó toàn ngành xây dựng phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của ngành xây dựng đã được Chính phủ đặt ra.
Bộ Xây dựng tiếp tục tăng cường đôn đốc địa phương hoàn thiện cơ sở thông tin, dữ liệu về quy hoạch; tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch tại các địa phương; nghiên cứu phát triển mô hình đô thị sinh thái, xanh, thích ứng biến đổi khí hậu; tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh, cung cấp nước sạch, chú trọng nâng cao tỷ lệ dân cư đô thị được sử dụng nước sạch; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp chống ngập úng đô thị, xử lý nước, rác thải sinh hoạt.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị các địa phương chú trọng dành quỹ đất, tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội; thúc đẩy phát triển nhà ở công nhân; khẩn trương đẩy nhanh các chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công; phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng trong triển khai, thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực thuộc ngành xây dựng.
Mỹ Linh