Dấu hiệu phục hồi nhưng còn thách thức
Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, ngành xi măng Việt Nam ghi nhận sự phục hồi nhẹ trong sản xuất và tiêu thụ. Tuy nhiên, dư cung kéo dài, chi phí sản xuất tăng và cạnh tranh gay gắt vẫn là những thách thức lớn. Quý I/2025 diễn ra trong bối cảnh thế giới vẫn đối mặt với các rủi ro địa chính trị và áp lực từ quá trình chuyển đổi năng lượng. Giá nguyên nhiên liệu duy trì ở mức cao, đặc biệt là dầu mỏ, tác động đến chi phí logistics và sản xuất xi măng.
Dây chuyền sản xuất xi măng Vicem. Ảnh: Trần Dũng
Trong nước, tuy đầu tư công và một số tín hiệu hồi phục từ khu vực tư nhân được ghi nhận, nhưng thị trường bất động sản vẫn yếu. Điều này khiến nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước tăng nhẹ nhưng chưa đủ bù đắp cho sự sụt giảm của năm trước. Tiêu thụ nội địa trong tháng 3/2025 đạt gần 7,83 triệu tấn, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2024 và gần gấp đôi so với tháng trước đó. Lũy kế quý I/2025, tiêu thụ trong nước đạt 15,56 triệu tấn, tăng 14% so với cùng kỳ. Ở chiều xuất khẩu, tổng sản lượng tháng 3 đạt hơn 3 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung cả tiêu thụ nội địa và xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm 2025 đạt gần 24 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2024.
Về thị trường, các DN ngành xi măng Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm tình trạng dư thừa nguồn cung, cạnh tranh gay gắt và chi phí đầu vào cao. Một số DN xi măng trong nước đã phải điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm do chi phí nguyên liệu đầu vào như than, điện, xăng, dầu liên tục tăng cao. Động thái này nhằm giảm thiểu tình trạng thua lỗ kéo dài, đồng thời bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định trong bối cảnh áp lực chi phí ngày càng lớn.
Theo đó, Công ty CP Xi măng VICEM Bút Sơn điều chỉnh tăng giá bán xi măng lên 50.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT) tại nhà máy đối với tất cả các chủng loại. VICEM Bút Sơn đã điều chỉnh tăng giá đối với tất cả các chủng loại xi măng bao Bút Sơn Xanh đa dụng 20.000 đồng/tấn, do đó từ ngày 22/04, chỉ điều chỉnh tăng thêm 30.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT).
Tập đoàn The Vissai cũng đã gửi thông báo đến các đơn vị thành viên (Công ty CP Vissai Ninh Bình, Công ty CP Vissai Hà Nam, Công ty CP Xi măng Đồng Bành, Công ty CP Vissai Sông Lam và Công ty CP Vissai Sông Lam 2) tăng giá bán xi măng bao và xi măng rời các loại thêm 50.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT).
Theo Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên, giá thành sản xuất xi măng liên tục tăng trong các năm gần đây, đặc biệt cuối năm ngoái, giá điện đã tăng bình quân trên 4,8%, đồng thời giá nguyên nhiên vật liệu cho đầu vào trong sản xuất xi măng đang ở mức cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, trong bối cảnh đó, DN phải tăng giá bán để bù đắp phần nào chi phí.
Theo ước tính của Hiệp hội Xi măng Việt Nam, mỗi tấn xi măng thông thường phát thải khoảng 600 – 800 kg CO2. Các DN áp dụng công nghệ xanh có thể đưa con số này về dưới 500 kg/tấn, đủ điều kiện đàm phán với các thị trường khó tính.
Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên cũng nhận định ngành xi măng có nhiều tín hiệu tốt lên, công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông, thủy lợi và thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi tích cực. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh quý đầu năm tiếp tục lỗ ròng hơn 9 tỷ đồng, nhưng vẫn cải thiện hơn cùng kỳ lỗ gần 25 tỷ đồng. Doanh thu thuần quý 1/2025 đạt gần 1,587 tỷ đồng, tăng 6%.
Ngành xi măng có thể kỳ vọng vào sự phục hồi rõ nét hơn trong các quý tiếp theo, khi các gói đầu tư công được giải ngân mạnh hơn, đầu tư tư nhân dần khởi sắc và nhu cầu quốc tế cải thiện. Tuy nhiên, rào cản vẫn còn: giá nguyên liệu đầu vào chưa “hạ nhiệt”, cạnh tranh trong xuất khẩu tiếp tục gay gắt, trong khi các thị trường chủ lực ngày càng gia tăng chính sách bảo hộ và yêu cầu môi trường nghiêm ngặt.
Theo PGS.TS Lương Đức Long - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam, mức tiêu thụ xi măng của Việt Nam hiện vẫn còn thấp so với tiềm năng. Trong khi ở các quốc gia có GDP bình quân đầu người trên 4.000 USD, mức tiêu thụ xi măng có thể vượt 1.000 kg/người/năm thì tại Việt Nam mới đạt chưa tới 650 kg/người/năm. Điều này cho thấy dư địa tăng trưởng tiêu dùng nội địa vẫn còn rất lớn, nhất là trong bối cảnh nhu cầu đầu tư hạ tầng, xây dựng nhà ở, công nghiệp tiếp tục mở rộng.
Công nghệ “xanh” không còn là khẩu hiệu
Khi Liên minh châu Âu (EU) triển khai Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), và thị trường quốc tế ngày càng khắt khe về phát thải. Như vậy, xi măng “bẩn” sẽ không còn cửa vào các thị trường phát triển và nhiều nhà sản xuất xi măng Việt Nam buộc phải đầu tư vào công nghệ “xanh” nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi xuất khẩu.
Mặc dù xuất khẩu xi măng Việt Nam sang EU hiện chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ (khoảng 1 - 2% tổng kim ngạch xuất khẩu xi măng), nhưng CBAM là yếu tố tác động gián tiếp nhưng sâu rộng vì nó có thể tạo hiệu ứng dây chuyền lên các thị trường khác nếu họ cũng áp dụng chính sách tương tự trong tương lai. Dự báo, đến năm 2030, chi phí CBAM cho mỗi tấn xi măng Việt Nam có thể lên tới 25 - 30 EUR, tương đương 600.000 - 700.000 đồng/tấn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức cạnh tranh và lợi nhuận của DN. Tổng chi phí CBAM cho ngành Xi măng Việt Nam khi xuất khẩu vào EU có thể đạt từ 300 - 400 tỷ đồng/năm, trong trường hợp duy trì mức xuất khẩu như hiện nay.
Đại diện một DN xi măng chia sẻ: “Chúng tôi đặt mục tiêu giảm ít nhất 15% lượng phát thải CO2 đến năm 2030. Đó không còn là lựa chọn, mà là con đường duy nhất để giữ được thị phần xuất khẩu. Tuy nhiên, cần phải có lộ trình giảm phát thải rõ ràng, chúng tôi không thể ký hợp đồng dài hạn với đối tác lớn. Mọi nhà nhập khẩu giờ đều đặt câu hỏi CO2/tấn sản phẩm là bao nhiêu?”.
Cùng với đó, nếu nhìn vào các nhà máy xi măng hiện nay, không còn là hình ảnh công nhân đứng cạnh lò nung như trước. Thay vào đó, là hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu SCADA, DCS, mạng lưới vạn vật kết nối IoT được triển khai toàn diện. Trước đây, các nhà sản xuất bê tông chỉ dựa vào hoạt động của con người để theo dõi thông tin có thể ảnh hưởng đến chất lượng của hỗn hợp bê tông như việc thêm nước vào hỗn hợp hay việc vận chuyển chậm trễ, thường không tránh khỏi những sai sót. Ngày nay, với các hệ thống tiên tiến hơn như sử dụng các thiết bị thông minh, các nhà sản xuất đã nhận thấy được hiệu quả từ việc kiểm soát chất lượng được cải thiện.
Đáng chú ý, nhiều DN đã số hóa cả hệ thống bán hàng, tồn kho và vận chuyển. Các nền tảng thương mại điện tử B2B (như VICEM eXpress) cho phép đại lý, nhà phân phối đặt hàng trực tuyến, theo dõi giao hàng và thanh toán một cách minh bạch. Điều này không chỉ nâng cao trải nghiệm khách hàng, mà còn giảm tồn kho, tăng vòng quay vốn – điều tối quan trọng trong giai đoạn ngành vẫn dư cung.
Chuyên gia về vật liệu xây dựng, thạc sĩ Phạm Ngọc Trung cho biết, sự thay đổi trong cách tiếp cận xuất khẩu cũng đang diễn ra trong ngành xi măng, không chỉ là “đẩy hàng” mà phải “xây thương hiệu”. Không chỉ cạnh tranh giá rẻ, DN phải cung cấp sản phẩm ổn định về chất lượng, rõ ràng về môi trường, một số công ty đã xây dựng bộ hồ sơ môi trường cho từng lô hàng, công bố lượng phát thải, loại nhiên liệu sử dụng – điều từng chỉ phổ biến ở châu Âu.
"Không phải DN nào cũng đủ tiềm lực để đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho công nghệ mới. Tuy nhiên, những người đi trước đang chứng minh con đường “xanh hóa” có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững, nhất là trong xuất khẩu vốn vẫn là đầu ra chính của ngành" - ông Phạm Ngọc Trung cho hay.
Thành Luân