Ngành xuất bản phục hồi mạnh mẽ, doanh thu tăng cao nhất trong 3 năm

Ngành xuất bản phục hồi mạnh mẽ, doanh thu tăng cao nhất trong 3 năm
7 giờ trướcBài gốc
Ngày 22-4, Cục Xuất bản, In và Phát hành tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác xuất bản, in và phát hành xuất bản năm 2025.
Doanh thu tăng cao nhất trong ba năm
Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, cho biết các chỉ số năng lực hoạt động của các nhà xuất bản đều tăng so với cùng kỳ. Tỷ lệ sản xuất sách đạt 5,9 bản/người/năm, tiệm cận mức cao của năm 2022.
Đáng chú ý, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của các nhà xuất bản tăng 10,3% – mức cao nhất trong ba năm trở lại đây.
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản chia sẻ tại hội nghị.
“Kết quả này giúp nhà xuất bản duy trì, nâng chất lượng sách phục vụ sự kiện trọng đại năm 2024” - ông Nguyên nói.
Bên cạnh đó, ông Nguyên cho rằng dù số lượng xuất bản tăng, nhưng bản in mỗi đầu sách thấp, chất lượng chưa đồng đều. Nhiều sách thiếu giá trị làm lu mờ tác phẩm đỉnh cao, thị trường tràn lan sách vô bổ, đòi hỏi thay đổi căn bản để giữ uy tín ngành.
Một số nhà xuất bản yếu kém, chậm đổi mới, dẫn đến nguy cơ giải thể hoặc sáp nhập, dù có lịch sử lâu đời. Nguyên nhân không chỉ do cơ chế mà còn từ nội tại đơn vị. Dù doanh thu tăng, lợi nhuận không đủ bù đắp nhu cầu phát triển.
“Năm 2025 là năm bản lề, ngành xuất bản cần giải quyết vấn đề chất lượng, chuyển đổi số, mở rộng thị trường và hội nhập. Ngoài ra, các nhà xuất bản cần siết chặt quản lý quy trình liên kết xuất bản để tránh sai phạm.
Các nhà xuất bản cũng cần tích cực đóng góp ý kiến xây dựng văn bản pháp luật, nêu rõ khó khăn và vướng mắc để sửa đổi các quy định sao cho khoa học, khách quan, tạo điều kiện phát triển ngành xuất bản" - ông Nguyên nói.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản
Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cho biết hoạt động xuất bản tại TP.HCM trong những năm gần đây phát triển mạnh.
Hiện nay, cả nước có 57 nhà xuất bản (NXB) trực thuộc các cơ quan chủ quản. Riêng TP.HCM có 2 NXB trực thuộc, 28 chi nhánh NXB, 4 văn phòng đại diện NXB nước ngoài và 4 NXB trực thuộc các trường đại học đang hoạt động trên địa bàn.
Trong số 57 NXB trên cả nước, đã có hơn 20 đơn vị được cấp phép xuất bản và phát hành sách điện tử, trong đó có nhiều đơn vị đóng tại TP.HCM.
"Lễ hội Đường Sách Tết Ất Tỵ 2025 tại TP.HCM nổi bật với việc ứng dụng công nghệ trong các hoạt động văn hóa. Tác phẩm được trang bị mã QR, giúp người dân dễ dàng tra cứu miễn phí trên nền tảng trực tuyến.
Các khu triển lãm kết hợp sách và công nghệ số, khu vui chơi thiếu nhi với công nghệ quét tranh, cùng nhà triển lãm ánh sáng và tiểu cảnh "Hành trình 15 năm Lễ hội" tạo nên không gian sống động, kết nối truyền thống với hiện đại" - ông Hồi nói.
Lễ hội Đường Sách diễn ra tại TP.HCM.
Tuy nhiên, theo ông Hồi, quá trình chuyển đổi số cũng đặt ra nhiều khó khăn. Cụ thể, hiện nay, hành vi xâm phạm quyền tác giả ngày càng tinh vi, như sao chép, thay đổi nội dung và phát tán qua website, mạng xã hội, ứng dụng, bán sách giả online. Điều này không chỉ thiệt hại cho các NXB mà còn làm méo mó thị trường sách điện tử.
"Chuyển đổi số đòi hỏi xây dựng hệ thống dữ liệu đồng bộ và hạ tầng kỹ thuật hiện đại, cần đầu tư mạnh về công nghệ, nhân lực và tài chính. Đội ngũ ngành xuất bản truyền thống cần nhanh chóng thích ứng, trang bị kỹ năng sử dụng phần mềm và chuyển đổi tư duy để làm việc linh hoạt, sáng tạo và cập nhật công nghệ" - ông Hồi bày tỏ.
Bảo vệ bản quyền sách trong môi trường số
Trong bối cảnh xã hội số hiện nay, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Việt Nam cho biết Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của hai điều ước quốc tế về bản quyền từ năm 2022, tạo nền tảng vững chắc cho việc bảo vệ quyền lợi của tác giả trong môi trường số.
Với hơn 100 quốc gia tham gia, Việt Nam có quyền bảo vệ bản quyền tác giả, đồng thời cũng có trách nhiệm thực thi quyền này. Bà Oanh lưu ý rằng, các nhà xuất bản cần chú ý đến các điều khoản trong hợp đồng về quyền sao chép tác phẩm dưới dạng điện tử, đồng thời bảo vệ các sản phẩm xuất bản trên môi trường số khỏi vi phạm bản quyền.
Ngoài ra, bà Phạm Thị Kim Oanh cũng thông tin về Nghị định 17/2023, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan.
Cục Bản quyền tác giả đang chủ trì việc xây dựng nghị định thay thế Nghị định 131/2013 về vi phạm hành chính trong bản quyền, nhằm nâng cao mức phạt và xử lý các hành vi vi phạm bản quyền trên môi trường số.
Bà Oanh cho biết các thư viện có thể sử dụng tác phẩm cho nghiên cứu, học tập mà không cần xin phép, nhưng phải tuân thủ quy định bảo vệ bản quyền và không cung cấp ra ngoài khuôn viên. Bà cũng hy vọng các cơ quan nhà nước và nhà xuất bản sẽ hợp tác nâng cao nhận thức và bảo vệ quyền lợi bản quyền trong thời kỳ chuyển đổi số.
HẢI NHI
Nguồn PLO : https://plo.vn/nganh-xuat-ban-phuc-hoi-manh-me-doanh-thu-tang-cao-nhat-trong-3-nam-post845920.html