Đó là chuyện ở đường Lê Lợi, thành phố Đông Hà. Trên con đường này hiện hai nhà thầu đang thi công hai công trình: lát lại vỉa hè, hệ thống thoát nước và làm cầu (gọi cầu chứ quy mô chỉ như cái cống cho khe nước chảy qua). Người dân vui mừng với việc chỉnh trang đô thị của thành phố, nhưng lại ngán ngẩm trước tiến độ thi công quá chậm, làm ảnh hưởng lớn đến giao thông, môi trường và cả vấn đề mưu sinh nữa.
Để thi công đoạn cầu này, nhà thầu dùng tôn rào chắn toàn bộ đường, buộc các phương tiện phải đi trên vỉa hè chật hẹp, chỉ vừa đủ chiếc xe ô tô du lịch qua. Tuy chỉ là cái “cống nhỏ” nhưng việc thi công kéo dài nhiều tháng. Cũng trên đường Lê Lợi, công trình lát lại vỉa hè và hệ thống thoát nước với chiều dài 1,73 km, được khởi công giữa năm 2023, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 4/2024, nhưng đến nay vẫn ngổn ngang. Chúng ta cùng trao đổi về tiến độ “rùa bò” của hai công trình này.
Đường Lê Lợi là một trong những tuyến chính của thành phố Đông Hà, lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông rất cao, việc thi công các công trình chậm ngày nào là ảnh hưởng đến xã hội ngày đó. Nên, lẽ ra trước khi khởi công, nhà thầu phải chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực, lựa chọn phương án thi công nhanh nhất, nhằm hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến giao thông, môi trường, kinh doanh của người dân.
Thế nhưng, với công trình cầu Lê Lợi, khi được hỏi về việc thi công quá chậm, người có trách nhiệm trả lời tỉnh queo: chưa hết thời hạn phải hoàn thành dự án và còn thiếu vật tư, thiết bị nên phải đợi. Còn với công trình lát lại vỉa hè và hệ thống thoát nước, quan sát hàng ngày cho thấy, nhân lực chỉ “lèo tèo” vài người, lại còn ngày làm ngày nghỉ, nên đến nay cũng mới chỉ hoàn thành được khoảng 1/4 khối lượng. Về phương án thi công thì tháo dỡ vài mét gạch lát vỉa hè cũ, để thế một thời gian mới làm mặt bằng, rồi thêm một thời gian nữa mới lát gạch. Vậy nên, trời nắng thì bụi mù mịt, mưa thì bùn đất nhão nhoẹt.
Năng lực sản xuất là yếu tố chính, quyết định đến chất lượng và tiến độ của một công trình. Ở đây, vấn đề năng lực sản xuất đã được bộc lộ rõ qua phương tiện thiết bị, nhân lực tham gia thi công trên hiện trường, có thể thấy là yếu.
Bên cạnh năng lực sản xuất, thái độ, trách nhiệm với xã hội của doanh nghiệp rất quan trọng. Xin đừng nghĩ, do đang còn trong thời gian thi công nên cứ rào kín đường rồi đợi vật tư, thiết bị. Ở đây không bàn về “đúng - sai” theo pháp luật, mà bàn “nên - không nên” và chắc chắn là “không nên” làm vậy. Bởi, chỉ một cái “cống nhỏ” mà thi công ì ạch mãi, mặc cho người dân ca thán.
Việc lát lại vỉa hè cũng thật khó hiểu. Đang sạch sẽ, vỉa hè bị tháo tung lên vài đoạn, để ngổn ngang, bụi bặm, bùn lầy một thời gian dài rồi mới lát lại. Tại sao không làm nhanh, dứt điểm, trả lại mặt bằng, còn nếu chưa chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực thì cứ để vậy. Ai cũng phản đối về cách thi công này vì quá ảnh hưởng đến việc đi lại và sinh sống của người dân hai bên đường.
Vẫn biết rằng phải vượt qua quy trình xét duyệt chặt chẽ, khắt khe về lựa chọn nhà thầu theo quy định pháp luật, như về năng lực tài chính, năng lực sản xuất, kinh nghiệm thi công... các doanh nghiệp mới được công nhận trúng thầu.
Thế nhưng, những gì diễn ra trên thực tế của quá trình thi công đã làm người dân thất vọng, ngao ngán, trở thành đề tài bàn tán. Không chỉ công trình ở đường Lê Lợi, trên địa bàn thành phố Đông Hà vào tháng 7/2024 cũng đã phải chấm dứt hợp đồng với nhà thầu thi công dự án đường Hùng Vương kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây và Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị do tiến độ thi công quá chậm. Đây là vấn đề mà cơ quan có thẩm quyền nên rút kinh nghiệm, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định quan trọng: lựa chọn đơn vị trúng thầu.
Bảo Anh