Ngạt mũi khi nào cần đi khám bác sĩ?

Ngạt mũi khi nào cần đi khám bác sĩ?
7 giờ trướcBài gốc
Ngạt mũi là tình trạng các mạch máu bên trong mũi bị viêm và các mô mũi sưng lên, xuất hiện một lượng chất nhầy ngăn cản sự lưu thông không khí khiến người bệnh không thể thở được bình thường. Hiện nay thời tiết hanh khô, bị cúm, cảm lạnh sẽ dễ gây ra tình trạng ngạt mũi.
Lý do gây ngạt mũi
Có nhiều nguyên nhân gây ra ngạt mũi trong đó thường gặp nhất là các nguyên nhân sau:
Do ảnh hưởng của chất lượng không khí
Ngạt mũi liên tục có thể xuất phát từ một trong những lý do khách quan là bụi bẩn tích tụ quá nhiều trong môi trường sống và làm việc hiện tại. Sống và làm việc gần các khu công nghiệp, nhà máy sản xuất, đường phố nhiều xe cộ… hoặc những cơn dị ứng đột nhiên xuất hiện do không khí quá ẩm hoặc quá khô sẽ khiến tình trạng ngạt mũi nặng hơn.
Do viêm nhiễm đường hô hấp
Nếu mắc một số bệnh viêm nhiễm đường hô hấp cũng gây ngạt mũi trong đó thường thấy là viêm mũi cấp và mạn tính. Tình trạng viêm mũi quá phát gây ngạt mũi liên tục. Viêm mũi dị ứng, viêm mũi vận mạch… cũng là lý do khiến mũi bị ngạt.
Thời tiết hanh khô, bị cúm, cảm lạnh sẽ dễ gây ra tình trạng ngạt mũi.
Do thay đổi thời tiết, môi trường sống
Một số người sẽ gặp phải tình trạng ngạt mũi, khó chịu, thậm chí khó thở khi tiếp xúc với đồ vật hoặc vật phẩm có chứa chất gây dị ứng như phấn hoa, đồ ăn, thuốc. Ngoài ra, đột ngột thay đổi thời tiết, thay đổi địa điểm sinh sống cũng là nguyên nhân khiến cơ thể bắt đầu có những phản ứng gây khó chịu và xuất hiện các triệu chứng như ngạt mũi, hắt hơi nặng hơn.
Ngoài ra, tình trạng viêm xoang cấp và mạn tính, lệch, vẹo, gai, polyp, mào vách ngăn mũi… cũng gây ngạt mũi.
Nguyên nhân khác cũng có thể gây ngạt mũi đó là: tiếp xúc trực tiếp hoặc hít phải những chất độc hại trong môi trường; liên tục tiếp xúc với các chất hoặc tác nhân gây dị ứng nghẹt mũi…
Ngạt mũi khi nào cần đi khám bác sĩ?
Biểu hiện ngạt mũi cũng tùy từng người gây khó chịu ảnh hưởng đến chất lượng sống. Có người bị ngạt mũi một bên, luân chuyển, nằm nghiêng bên nào ngạt bên đó; ngạt mũi hai bên hay ngạt mũi từng lúc, ngạt mũi liên tục cũng có thể xảy ra.
Khi bị ngạt mũi, việc nên làm là làm ấm vùng mũi bằng đèn sưởi mũi hoặc bằng khăn ấm. Cũng có thể sử dụng phương pháp massage mũi. Đây là cách trị ngạt mũi đơn giản, an toàn. Massage mũi mang lại hiệu quả khi triệu chứng nghẹt mũi mới xuất hiện.
Cách massage mũi là massage nhẹ nhàng bằng ngón tay ở điểm giữa hai đầu chân mày khoảng 1 phút, áp lực trong xoang trán sẽ được điều chỉnh và chứng ngạt mũi cũng được cải thiện. Cũng có thể xoa tròn hai bên cánh mũi từ 1 – 3 phút. Cách này giúp khai thông mũi, dịch mũi thoát ra dễ dàng hơn và tình trạng ngạt mũi cũng mau khỏi hơn.
Sau từ 3-5 ngày, biểu hiện ngạt mũi vẫn còn, nên đến khám bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng để có được chẩn đoán chính xác bệnh, nguyên nhân gây bệnh… từ đó mới có hướng xử trí đúng.
Ngoài ra, tình trạng ngạt mũi kèm theo các dấu hiệu như: dịch mũi có màu xanh đục, vàng và hôi; đau vùng xoang; sốt nhẹ hoặc sốt cao… thì tốt nhất nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Các phương pháp điều trị ngạt mũi
Massage nhẹ nhàng bằng ngón tay ở điểm giữa hai đầu chân mày, chứng ngạt mũi sẽ được cải thiện.
Tùy từng nguyên nhân gây ngạt mũi mà các bác sĩ sẽ chỉ định phù hợp. Thông thường trị ngạt mũi bằng các phương pháp nội khoa như: dùng kháng sinh, kháng viêm, kháng dị ứng, giảm phù nề… nếu do viêm nhiễm.
Xịt thuốc co mạch (lưu ý chỉ được sử dụng dưới 07 ngày, nếu quá phải có sự theo dõi và điều chỉnh nồng độ của bác sĩ chuyên khoa). Xịt thuốc chống viêm, chống dị ứng: stetoid, kháng histamine. Sát khuẩn, làm sạch mũi hàng ngày giúp nhanh khỏi.
Các phương pháp ngoại khoa được các bác sĩ cân nhắc như: Phẫu thuật nội soi mũi xoang; phẫu thuật cắt cuốn; các phẫu thuật lấy bỏ khối u; các phẫu thuật tạo hình, gỡ dính…
Tóm lại: Ngạt mũi là vấn đề thường gặp nhất là như hiện nay thời tiết hanh khô. Vì vậy, việc chăm sóc đúng khi bị ngạt mũi rất quan trọng, nếu phát hiện tình trạng nặng hơn hay có các biểu hiện khác cần tới ngay cơ sở y tế chuyên khoa tai mũi họng để được thăm khám và điều trị.
BS. Nguyễn Thị Lan
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/ngat-mui-khi-nao-can-di-kham-bac-si-16924100717475346.htm