Xem xét 4 luật, 01 nghị quyết
Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, ngày 20/5 Quốc hội tiếp tục công tác lập pháp, xem xét 4 dự án luật/bộ luật và 1 nghị quyết.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công an, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
Toàn cảnh phiên họp ngày 19/5 của Quốc hội. Ảnh: VPQH
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Tiếp theo, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.
Cũng trong ngày 20/5, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận ở hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp. Bộ trưởng Bộ Tài chính phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Đồng thời, các đại biểu sẽ tiến hành thảo luận ở Tổ về: Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.
Thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia từ ngân sách?
Trước đó, tại phiên họp thứ 44 diễn ra chiều 25/4/2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Trong đó nhấn mạnh, việc xây dựng Nghị quyết nhằm đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội. Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, giúp người dân có thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận với nhà ở phù hợp, gắn với việc hoàn thành mục tiêu thực hiện Đề án: “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”.
Dự thảo Nghị quyết gồm 16 Điều; có đối tượng áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan đến phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân.
Nội dung quy định bao gồm: Chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không sử dụng vốn đầu tư công; Chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân không sử dụng vốn đầu tư công; Giao chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn tài chính công đoàn;
Toàn cảnh phiên họp 44 ngày 25/4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: QH
Lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; Thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; Xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội; Điều kiện về nhà ở để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; Thuê nhà ở xã hội của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập; Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội.
Đáng chú ý, dự thảo Nghị quyết quy định về thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia từ nguồn ngân sách nhà nước cấp và nguồn hợp pháp khác theo quy định để thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức đầu tư, tạo lập nhà ở xã hội; hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng; hỗ trợ đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành với việc thành lập Quỹ này. Tuy nhiên đề nghị cần làm rõ địa vị pháp lý, mô hình tổ chức của Quỹ để có cơ sở giao Chính phủ quy định chi tiết; làm rõ các nhiệm vụ chi của Quỹ để bảo đảm nhiệm vụ chi của Quỹ không trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước, bảo đảm chặt chẽ, tránh sơ hở, thất thoát, lãng phí.
Bảo đảm an toàn hệ thống tín dụng
Theo cơ quan soạn thảo, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp được sửa đổi theo hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tối đa và phân bổ nguồn lực đi đôi với giám sát, kiểm tra; cắt giảm, đơn giản hóa triệt để thủ tục hành chính theo Nghị quyết số 66/NQ-CP, không để chạy chọt, xin - cho; tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, tăng cường tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, chủ động, tiên phong trong nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy cho nền kinh tế nước ta phát triển nhanh, mạnh và bền vững.
Trong khi đó, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, dự án Luật sửa đổi, bổ sung tập trung vào việc luật hóa các quy định hiệu quả từ Nghị quyết số 42/2017/QH14 và điều chỉnh thẩm quyền cho vay đặc biệt.
Đối với xử lý nợ xấu, dự án Luật đề xuất đưa vào Luật Các tổ chức tín dụng các quy định về quyền thu giữ tài sản đảm bảo; luật hóa quy định về kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án, cũng như luật hóa quy định về hoàn trả tài sản đảm bảo là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Thu Hường