Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT năm 2025. Theo đó, kỳ thi thử sẽ được tổ chức vào ngày 20 và 21-5, nhằm chuẩn bị cho kỳ thi chính thức sẽ diễn ra vào ngày 26 và 27-6.
Vận dụng quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Ông Đỗ Hữu Quỳnh - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, năm 2025 là năm đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Vì vậy, sở đã vận dụng quy chế thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT để tổ chức thi thử, nhằm giúp các trường đánh giá kết quả dạy học chương trình lớp 12; so sánh, đối chiếu kết quả thi với mục tiêu chất lượng cần đạt của các trường, từ đó phân tích, điều chỉnh kế hoạch, nội dung, phương pháp dạy học, ôn tập. Đây cũng là dịp để học sinh (HS) tự đánh giá khả năng của bản thân để điều chỉnh phương pháp, kế hoạch học tập, rèn luyện kỹ năng làm bài thi đạt kết quả.
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT, mỗi đơn vị trực thuộc sở (gọi tắt là các trường) là một đơn vị tổ chức thi thử. Phòng chuyên môn của sở sẽ căn cứ số liệu HS đã đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025 trên phần mềm quản lý thi để sắp xếp phòng thi, đánh số báo danh, hoàn thiện dữ liệu và gửi cho các trường thực hiện. Sở GD-ĐT sẽ tổ chức ra đề dựa trên cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo năm 2025 của Bộ GD-ĐT. Các trường tổ chức in sao đề đến từng phòng thi và tổ chức thi thử đối với tất cả HS.
Kỳ thi thử gồm 3 buổi thi: 1 buổi thi môn Ngữ văn, 1 buổi thi môn Toán, 1 buổi thi bài thi tự chọn gồm 2 môn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ Công nghiệp, Công nghệ Nông nghiệp, Ngoại ngữ (Tiếng Anh). Hình thức thi và thời gian làm bài theo quy định của Bộ GD-ĐT. Trong đó, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận; môn Toán và bài thi tự chọn thi theo hình thức trắc nghiệm. Thời gian làm bài môn Ngữ văn 120 phút; Toán 90 phút; các môn trong bài thi tự chọn 50 phút/môn. Nội dung kiến thức nằm trong chương trình giáo dục phổ thông, chủ yếu là kiến thức lớp 12 tính đến thời điểm tổ chức thi thử. Trong đó, môn Toán sẽ có 8 mã đề thi được tạo từ bộ đề gốc; các môn thi của bài thi tự chọn có tổng cộng 16 mã đề được tạo từ 2 bộ đề thi gốc.
Thi thử nhưng vận hành thật
Theo kế hoạch, sáng 19-5, các trường sẽ tổ chức họp cán bộ, giáo viên làm công tác coi thi thử, chiều 19-5 tiến hành phổ biến quy chế và lịch thi cho thí sinh. Sau khi thi thử, từ ngày 22 đến 27-5, các trường tổ chức chấm thi, lên điểm, xử lý kết quả thi. “Tinh thần là thi thử nhưng vận hành thật, đánh giá thật, làm bài thật và sử dụng kết quả thi thử để phân loại HS, trên cơ sở đó tiếp tục bổ sung kiến thức. Sở sẽ kiểm tra, nắm bắt công tác tổ chức thi ở các trường; căn cứ thống kê phổ điểm các môn thi, phân tích, đánh giá, so sánh kết quả thi giữa các môn thi, giữa các đơn vị trong tỉnh để rút ra nguyên nhân của những kết quả đạt được và hạn chế của từng môn học. Từ đó, chỉ đạo các đơn vị điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học, giúp HS nâng cao kỹ năng làm bài thi tốt nghiệp THPT”, ông Đỗ Hữu Quỳnh cho biết.
Trên tinh thần đó, Sở GD-ĐT đã yêu cầu các trường thông báo lịch thi, tuyên truyền đầy đủ mục đích, ý nghĩa của việc tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT năm 2025 đến cán bộ, giáo viên, HS và phụ huynh HS. Đồng thời, chuẩn bị số phòng thi đảm bảo cho việc tổ chức thi thử (mỗi phòng không quá 24 HS); ban hành quyết định thành lập ban in sao đề thi, ban coi thi, ban chấm thi do lãnh đạo làm trưởng ban; quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của mỗi ban nhằm đảm bảo việc tổ chức thi thử đúng mục đích, yêu cầu. Sau khi tiếp nhận đề thi gốc từ Sở GD-ĐT, các trường tổ chức in sao đề, đóng gói, niêm phong, bảo quản theo quy định. Sở GD-ĐT cũng lưu ý các trường đảm bảo đủ giấy thi, phiếu trả lời trắc nghiệm theo đúng quy định của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025...
H.NGÂN