Ngày 29/3/1975: Giải phóng thành phố Đà Nẵng

Ngày 29/3/1975: Giải phóng thành phố Đà Nẵng
3 ngày trướcBài gốc
Bộ binh và xe tăng quân Giải phóng tiến vào giải phóng Đà Nẵng (29/3/1975). (Ảnh: Hoàng Giang/TTXVN)
Sáng 29/3/1975, trên hướng Đường số 1, Trung đoàn 18 Sư đoàn 325 đi xe ô-tô, được 6 xe tăng của Đại đội 4 dẫn đầu, tiến đánh tuyến phòng thủ lâm thời của Lữ đoàn 258 lính thủy đánh bộ trên đèo Hải Vân. Bị bất ngờ và hoảng sợ, quân địch tại đây tháo chạy vào rừng.
Tới 8 giờ, lực lượng đi đầu của Trung đoàn xuống gần chân đèo, nhanh chóng tiêu diệt cánh quân hành cơ giới lên chi viện, rồi phát triển tiến công kho xăng Liên Chiểu.
10 giờ, Sư đoàn 325 tới trung tâm thành phố, vượt cầu Trịnh Minh Thế tiến công địch, tới 11 giờ 30 phút chiếm khu vực cảng, bịt đường rút chạy của địch. Sau đó, Sư đoàn tiến công làm chủ khu viễn thông ra-đa, kho liên hợp và bộ chỉ huy yểm trợ hành quân của Quân đoàn 1 Việt Nam cộng hòa. Tới 13 giờ 30 phút, Trung đoàn 18 làm chủ bán đảo Sơn Trà hoàn thành nhiệm vụ thọc sâu chiến dịch.
Cùng lúc đó, trên các hướng khác Sư đoàn 304 Quân đoàn 2 và các lực lượng của Quân khu 5 cũng dồn dập tiến công và thu nhiều thắng lợi.
12 giờ 30 phút ngày 29/3/1975: Hướng tây bắc, Trung đoàn 9 (Sư đoàn 304, Quân đoàn 2) và lực lượng tăng cường hành quân cơ giới theo trục Đường số 14, phá vỡ tuyến ngăn chặn của Sư đoàn 3 Việt Nam cộng hòa, vượt qua núi Phước Tường, Hòa Khánh, sở chỉ huy Sư đoàn 3 Việt Nam cộng hòa, chiếm tòa thị chính. Từ đây, Trung đoàn đưa một bộ phận vào chiếm giữ trung tâm thành phố.
12 giờ 30 phút ngày 29/3/1975: Hướng tây nam, hai trung đoàn 66 và 24 (Sư đoàn 304, Quân đoàn 2) đánh tan lực lượng địch ngăn chặn ở Ái Nghĩa và cùng lực lượng Quân khu 5 chiếm trung tâm huấn luyện Hòa Cầm, sân bay Đà Nẵng, khu nhà hành chính và một số mục tiêu quan trọng khác.
Cũng sáng 29/3/1975, trên hướng nam và đông, các lực lượng Quân khu 5 bỏ qua các mục tiêu bên ngoài nhanh chóng phát triển vào thành phố đánh chiếm sân bay Đà Nẵng, sân bay Nước Mặn và các mục tiêu quan trọng.
15 giờ ngày 29/3/1975, Trung đoàn 38 sau khi chiếm sân bay Nước Mặn đã tiến ra bán đảo Sơn Trà. Thành phố Đà Nẵng được hoàn toàn giải phóng.
Ngày 29/3/1975, quân địch ở Gò Bồi rút chạy, nhân dân các xã phía đông huyện Tuy Phước nổi dậy giải phóng quê hương. Tuyến phòng ngự phía bắc Quy Nhơn của địch bị phá vỡ. Trung đoàn 2 và Trung đoàn 141 Sư đoàn 3 tiến công địch ở Lai Nghi, chốt chặn ở cầu Thủ Thiện Hạ, cắt đường tháo chạy của Sư đoàn 22 Việt Nam cộng hòa.
16 giờ 30 ngày 29/3/1975, Bộ Chính trị gửi điện cho đồng chí Phạm Hùng chỉ thị: “Cuộc cách mạng miền nam đang bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt”… “cần hành động hết sức kịp thời, kiên quyết và táo bạo”… “trong khi gấp rút xúc tiến thực hiện quyết tâm chiến lược đã định” cần “nhấn mạnh một điểm cấp thiết phải làm ngay là mạnh bạo tăng thêm lực lượng thực hiện chia cắt và bao vây chiến lược phía tây Sài Gòn, ở vùng Mỹ Tho, Tân An” và “trên thực tế, có thể coi chiến dịch giải phóng Sài Gòn đã bắt đầu từ đây”.
Sư đoàn 7 được lệnh để lại 3 xe tăng phối hợp với lực lượng địa phương, lực lượng còn lại nhận nhiệm vụ cơ động về mặt trận đông bắc Sài Gòn. Phát hiện lực lượng ta ở Di Linh còn ít, ngày 29/3/1975, Quân đoàn 2 Việt Nam cộng hòa tập trung lực lượng phản kích. Đại đội 5 trinh sát vẫn kiên cường bám trụ đánh lui nhiều đợt phản kích của địch, giữ vững các vị trí xung yếu ở chi khu và thị trấn Di Linh.
Sáng 29/3/1975, tại Đắk Lắk, Sư đoàn 10 nổ súng tiến công Lữ đoàn dù số 3 Việt Nam cộng hòa chốt giữ ở đèo Phượng Hoàng nhằm ngăn chặn chủ lực ta tiến xuống Ninh Hòa, Nha Trang. Sau những phút bàng hoàng, địch phản công quyết liệt. Địch cho máy bay đến ném bom, bắn phá vào trận địa pháo của ta. Suốt đêm 29/3/1975, Đại đội công binh 17 Trung đoàn 66 khẩn trương sửa chữa chiếc cầu dưới chân đèo.
Tại Bình Định, ngày 29/3/1975, các chiến sĩ Trung đoàn 19 Sư đoàn 968 và Trung đoàn 95A tiến xuống hợp điểm với Sư đoàn 3 Quân khu 5. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Sư đoàn 968 cùng với Sư đoàn 3 tiến công địch ở khu vực Thủ Thiện, Lai Nghi, Phú Phong, Bình Khê, hỗ trợ đắc lực cho nhân dân nổi dậy giành quyền làm chủ.
Cũng trong ngày 29/3/1975, nhận lệnh cơ động Quân đoàn 1 vào tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn, bộ phận thứ nhất của Trung đoàn ô-tô 11 Sư đoàn ô-tô 571 Bộ đội Trường Sơn, gồm 268 xe, đã cơ động Sư đoàn 320 từ Vĩnh Linh tiến vào Đường số 9 qua Đường 22 vào Xê Sụ, để từ đây sẽ tạt sang Đường 17 qua Pleiku, Đức Lập để tới Đồng Xoài. Cùng ngày, 90 xe của Trung đoàn ô-tô 13 cơ động Trung đoàn 7 Sư đoàn 320 theo Đường số 1 qua Đà Nẵng rồi theo tuyến Đông Trường Sơn để vào Đồng Xoài.
Ngày 29/3/1975, tại căn cứ Bắc Tây Ninh, Trung ương Cục miền nam tổ chức Hội nghị lần thứ 15 ra nghị quyết nêu rõ: Tập trung sức mạnh tinh thần và lực lượng của mình, phát huy cao độ sức mạnh ba mũi giáp công, ba thứ quân, ba vùng, Tổng công kích, tổng khởi nghĩa, nhanh chóng đánh sập toàn bộ ngụy quân, ngụy quyền, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, với khí thế tiến công quyết liệt, thần tốc, táo bạo và quyết định thắng lợi, giải phóng xã mình, huyện mình, tỉnh mình và toàn miền nam.
SỸ NGUYÊN
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/ngay-2931975-giai-phong-thanh-pho-da-nang-post868540.html