Ngày 8: 'Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt'

Ngày 8: 'Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt'
3 ngày trướcBài gốc
Từ cửa sông Ba Lạt đến Lào Cai, chúng tôi đã được tham quan, chiêm bái hàng chục đền, chùa, các điểm đến tâm linh, điểm du lịch và nhiều thắng cảnh dọc sông Hồng. Chạm đến đất Lào Cai, chúng tôi ghé thăm đền Bảo Hà - ngôi đền thiêng thờ “Thần vệ quốc” vùng biên ải. Đây cũng là điểm du lịch du khách không nên bỏ lỡ khi có dịp ghé thăm vùng đất Lào Cai.
Đền Bảo Hà nườm nượp du khách tham quan, chiêm bái.
Nằm trong "Quần thể di tích Thần vệ quốc Hoàng Bảy", từ lâu, đền Bảo Hà ở xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên không chỉ được biết đến là di tích lịch sử, văn hóa mà còn là địa chỉ du lịch tâm linh hấp dẫn du khách thập phương. Khi chúng tôi đến, dù không phải ngày cuối tuần, ngày lễ nhưng khu đền vẫn không vắng bóng du khách thập phương. Nhiều người đến đây để tham quan, chiêm bái, trong đó, không ít du khách chỉ vãn cảnh, check-in bởi đền Bảo Hà vừa được tu sửa, mở rộng và nâng cấp khang trang, uy nghi bên dòng sông Mẹ.
Đền Bảo Hà ngày nay được tu sửa, mở rộng khang trang.
Thắp nén nhang thơm và chắp tay thầm tạ ơn "Thần vệ quốc" đã che chở, dìu dắt để chúng tôi có một hành trình dài bình an, thuận lợi. Chúng tôi rời đền Bảo Hà sang bên kia sông tham quan đền Cô Tân An - nơi thờ công chúa thượng ngàn, sau đó tiếp tục theo bờ sông, tham quan các điểm du lịch tâm linh khác như đền Đồng Ân, đền Cô Hai, đền Quan, đền Cấm.
Hằng năm diễn ra các lễ hội tại đền Cô Tân An, đền Bảo Hà. Đây là dịp để du khách và người dân tưởng nhớ công lao của các vị tướng có công với đất nước.
Dọc sông Hồng ngược lên thành phố Lào Cai có nhiều điểm đến trong hành trình du lịch tâm linh của du khách, đặc biệt phải kể đến đền Thượng, nơi thờ phụng Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn - người đã có công lớn trong sự nghiệp bảo vệ bờ cõi non sông đất nước. Ngôi đền soi mình bên dòng Nậm Thi, nơi có phong cảnh hữu tình, có sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc truyền thống với nét văn hóa bản địa, tạo cho ngôi đền dáng vẻ uy nghiêm lộng lẫy. Bước tới cổng đền Thượng, du khách không khỏi ấn tượng khi được chiêm ngưỡng cây đa hơn 300 năm tuổi vẫn đang trổ tán xanh mướt, soi bóng. Dưới bóng cây đa cổ thụ là miếu thờ Bà chúa Thượng ngàn với ý nghĩa là Nữ chúa rừng xanh.
Cây đa hơn 300 năm tuổi vẫn đang trổ tán xanh mướt, soi bóng.
Đi tiếp vào bên trong, du khách sẽ thấy hình ảnh ngôi đền được xây dựng theo lối kiến trúc cổ hình chữ Công, vừa phong thủy vừa đường bệ mà lại rất trang nghiêm. Bên trong chính điện là gian thờ được sắp xếp theo trình tự gồm: Cung thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, Cung thờ Tam tòa Thánh Mẫu, Ban thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo, Cung thờ Đức vua cha Ngọc Hoàng... và các ban thờ phía tả vu - hữu vu thờ Chầu bà Đệ Nhị Sơn Trang, Thập Nhị Tiên Cô, Chầu hầu cận Chúa và Cậu Bé thủ đền. Bên cạnh Đền Thượng là ngôi đình hình vuông với 4 cửa, 8 rồng chầu, giữa phương đình hình rùa vàng lưng đội bia đá khắc tích "Đức Thánh Trần".
Đền Thượng hằng năm thu hút hàng ngàn du khách đến tham quan, chiêm bái.
Đền Thượng đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1996. Hằng năm, đền Thượng tổ chức lễ hội vào ngày 15 tháng Giêng, thu hút đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm bái.
Hằng năm, đền Thượng tổ chức lễ hội vào ngày 15 tháng Giêng. Ảnh: Ngọc Bằng.
Ngoài tham quan, chiêm bái đền Thượng, du khách còn có thể tham quan, check-in tại Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai, thăm cột mốc biên giới 102, thăm đền Mẫu ở cách đó không xa và ghé chợ Cốc Lếu mua sắm để có những trải nghiệm trọn vẹn.
Tiếp tục hành trình, chúng tôi di chuyển hơn 60 km nữa để đến Lũng Pô (A Mú Sung, Bát Xát) - “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”. Tuyến đường dọc sông Hồng từ thành phố Lào Cai đến Lũng Pô nay đã được nâng cấp, sửa chữa, thảm bê tông nhựa giúp chúng tôi có hành trình thuận lợi, có thời gian tham quan đền Mẫu Trịnh Tường, check-in tại cột mốc số 94 - cột mốc nằm sát bên bờ sông Hồng.
Cột cờ Lũng Pô uy nghi nơi biên giới.
Địa danh Lũng Pô theo người dân địa phương có nghĩa là đầu Rồng. Truyền thuyết kể lại rằng, vùng đất Lũng Pô xưa do người con út của Long Vương cai quản. Lũng Pô bằng phẳng có cảnh quan tươi đẹp, dòng nước trong xanh, mát lành, là nơi các nàng tiên, con gái của Tiên Ông thường hay xuống dạo chơi, tắm mát. Hoàng tử Rồng đã đem lòng yêu nàng tiên út, cùng nàng chu du, thưởng ngoạn cảnh đẹp nơi đây. Ngọc Hoàng biết chuyện trách phạt, đã biến vùng đất thành chốn “thâm sơn cùng cốc”, đất, đá chuyển động, nơi sụt lún sâu thẳm, nơi chất ngất vươn cao thành núi, hình thành Lũng Pô ngày nay.
Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt.
Mặc dù đã nhiều lần đến Lũng Pô, nhưng lần này mang đến cho chúng tôi cảm xúc thật đặc biệt, hồi hộp và háo hức lạ thường. Trên ngã ba sông huyền thoại, cột cờ Lũng Pô, công trình của tuổi trẻ Lào Cai hoàn thành năm 2017 vẫn sừng sững, uy nghiêm. Sau khi leo 125 bậc thang hình xoắn ốc lên đỉnh cột cờ cao 31,43 m - tượng trưng cho đỉnh Fansipan cao 3.143 m, ngắm toàn cảnh "nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”, dưới bóng cờ Tổ quốc tung bay, trái tim chúng tôi như đập nhanh hơn, từng nhịp, từng nhịp thổn thức.
Khung cảnh biên giới nhìn từ cột cờ Lũng Pô.
Chúng tôi càng tự hào hơn khi tham quan cột mốc số 92, bước đi trên bờ cát, bãi sỏi, khỏa tay vào dòng nước mát của dòng sông Mẹ - nguồn nước chứa đựng phù sa này đã bồi đắp, gieo mầm, nuôi lớn bao ước mơ, tâm hồn của những thế hệ người Việt. Đứng ở "nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”, ngẫm lại hành trình đã đi qua, chúng tôi dâng lên cảm xúc thật tự hào bởi từ nơi này, mỗi năm dòng sông mang theo tầng tầng, lớp lớp phù sa bồi lấp cho những bãi bờ ven sông, hình thành nên vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng màu mỡ, giàu sức sống.
Dưới chân cột cờ là bản làng xanh tươi.
Trải qua hàng triệu năm, dòng sông Mẹ đã góp phần hình thành hình thành nên những làng quê trù phú, đô thị phát triển, giàu bản sắc, để chúng tôi có hành trình trải nghiệm, khám phá qua nhiều vùng đất, gặp những con người, thăm những địa danh, di tích nhiều thú vị, hấp dẫn. Càng hấp dẫn hơn nếu có nhiều du khách được khám phá hành trình tuyệt vời từ Lũng Pô - “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” đến cửa Ba Lạt - “nơi sông Hồng hòa vào biển cả” để lắng nghe dòng sông kể chuyện và trải nghiệm những vùng đất, gặp gỡ những con người nơi dòng sông đi qua.
Bài cuối: Kết nối du lịch các tỉnh dọc sông Hồng
Hoàng Thu - Đức Phương
Nguồn Lào Cai : https://baolaocai.vn/ngay-8-noi-con-song-hong-chay-vao-dat-viet-post399374.html