Sự kiện này không chỉ là một ngày lễ lớn, mà còn là biểu tượng của lòng quả cảm, sự hy sinh và chiến thắng vĩ đại của nhân dân Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ Hai.
Nguồn gốc của Ngày Chiến thắng
Đúng 0h43 ngày 9/5/1945 (theo giờ Moscow), Đức Quốc xã chính thức ký văn kiện đầu hàng vô điều kiện, khép lại cuộc chiến tàn khốc tại mặt trận phía Đông châu Âu. Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại – cách gọi của Liên Xô về phần tham gia của mình trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, đã kết thúc sau gần 4 năm kháng chiến ác liệt.
Máy bay tấn công Sukhoi Su-25 phun khói mang màu cờ Nga khi bay qua trung tâm Moscow, trong cuộc duyệt binh Ngày Chiến thắng, ngày 9/5/2021. (Nguồn Getty Images)
Ngày 9/5 ban đầu được chính thức công nhận theo sắc lệnh ngày 8/5/1945 của Đoàn Chủ tịch Xô viết Tối cao Liên Xô.
Trong giai đoạn 1945–1947, đây là ngày nghỉ lễ, nhưng sau đó bị chuyển thành ngày làm việc. Tới năm 1965, nhân dịp kỷ niệm 20 năm chiến thắng, Ngày Chiến thắng được khôi phục lại thành ngày nghỉ và duy trì cho đến nay. Đến năm 1995, dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin, ngày này được đưa vào danh sách "Những ngày vinh quang trong quân đội và những ngày đáng nhớ của Nga" theo luật liên bang.
Lễ duyệt binh và các hoạt động kỷ niệm
Từ năm 1995, các cuộc diễu binh hằng năm được tổ chức tại Quảng trường Đỏ, Thủ đô Moscow. Từ năm 2008, các phương tiện quân sự hạng nặng chính thức xuất hiện trong lễ duyệt binh.
Đặc biệt, năm 2020, do đại dịch COVID-19, các hoạt động kỷ niệm tại Moscow bị hoãn hoặc chuyển sang hình thức trực tuyến, trừ màn trình diễn máy bay và bắn pháo hoa. Cuộc duyệt binh năm đó được dời sang ngày 24/6.
Năm 2023 và 2024, vì lý do an ninh, một số khu vực tại Nga đã hủy bỏ lễ diễu hành Ngày Chiến thắng. Tuy nhiên, tại Quảng trường Đỏ năm 2024, hơn 9.000 quân nhân tham gia, trong đó có khoảng 1.000 người thuộc lực lượng tham gia "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine. Cuộc duyệt binh còn có sự xuất hiện của 75 hệ thống vũ khí và máy bay chiến đấu.
Ngoài Moscow, nhiều thành phố lớn và các căn cứ quân sự trên khắp nước Nga cũng tổ chức diễu binh, lễ hội, gặp mặt cựu chiến binh và các chương trình nghệ thuật tưởng niệm vào ngày 9/5.
Những con số đau thương và sự tàn phá
Liên Xô đã chịu tổn thất nặng nề trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, với khoảng 27 triệu người thiệt mạng, chiếm gần 40% tổng thương vong toàn cầu.
Trong đó, phần lớn là thường dân. Theo dữ liệu của Moscow, quân phát xít đã phá hủy hoàn toàn hoặc một phần hơn 1.700 thành phố và thị trấn, cùng hơn 70.000 ngôi làng. Thiệt hại vật chất ước tính lên tới 679 tỷ rúp (theo giá năm 1941).
Những anh hùng của Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại
Tổng cộng, 11.657 người được phong tặng danh hiệu cao quý "Anh hùng Liên Xô" vì lòng dũng cảm trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, trong đó có 3.051 người được truy tặng, 95 phụ nữ và 44 người nước ngoài, 5 người được vinh danh từ hai lần trở lên, gồm 3 người được phong ba lần (Ivan Kozhedub, Alexander Pokryshkin và Semyon Budyonny), 2 người được phong bốn lần (Georgy Zhukov và Leonid Brezhnev).
Cuộc duyệt binh Ngày Chiến thắng tại Moscow, ngày 9/5/2021. (Nguồn: Getty Images)
Người cuối cùng được trao danh hiệu này là Đại úy Hải quân hạng nhì Leonid Mikhailovich Solodkov, ngày 24/12/1991, người có công thực hiện sứ mệnh chưa từng có tiền lệ trong lịch sử và chưa một ai trên thế giới dám làm: tham gia thử nghiệm thiết bị lặn mới.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrey Belousov, tính đến đầu năm 2025, Nga còn khoảng 7.000 cựu chiến binh của Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại. Ngoài ra, quy chế cựu chiến binh cũng được mở rộng cho những người từng làm việc tại hậu phương, góa phụ của quân nhân, cựu tù nhân trại tập trung, cư dân các thành phố bị phong tỏa như Leningrad (nay là St. Petersburg), Sevastopol và Stalingrad (nay là Volgograd).
Các lễ kỷ niệm trọng đại trong lịch sử
Lễ kỷ niệm 20 năm Chiến thắng vào năm 1965 là lần đầu tiên sự kiện được tổ chức với quy mô lớn trên toàn Liên Xô. Những dịp trọng đại khác như năm 1975 và 1985 cũng ghi dấu bằng các hoạt động lễ hội quy mô quốc gia. Các năm không tròn kỷ niệm thường được tổ chức với quy mô khiêm tốn hơn, tập trung tại Điện Kremlin.
Nga vẫn duy trì truyền thống mời lãnh đạo các quốc gia nước ngoài tham dự lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng, ngoại trừ năm 2000.
Xuân Minh