Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10): Tiếp sức cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển mạnh mẽ hơn

Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10): Tiếp sức cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển mạnh mẽ hơn
5 giờ trướcBài gốc
PV: Xin ông cho biết đôi nét về những đóng góp quan trọng của của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của nước ta sau 40 năm đổi mới?
-Ông Hoàng Quang Phòng: Thực tiễn công cuộc đổi mới trong gần 40 năm đã giúp nước ta đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội.
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng khẳng định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như hiện nay". Có được thành tựu này là nhờ sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp (DN).
Sau 40 năm đổi mới, đội ngũ doanh nhân, DN đã có sự lớn mạnh vượt bậc với gần 1 triệu DN thuộc mọi thành phần kinh tế, cùng với trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, gần 30 nghìn hợp tác xã (HTX).
Việt Nam được Liên Hợp quốc và bạn bè quốc tế xem như một điểm sáng về xóa đói giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Thực tế đã minh chứng, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư và hợp tác DN với hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Việt Nam đã vươn lên lọt vào Top 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại trong Top 20 quốc gia trên thế giới, là mắt xích quan trọng trong 16 hiệp định thương mại tự do gắn kết với 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực và toàn cầu. Kim ngạch xuất nhập khẩu 8 tháng của năm 2024 đạt gần 577 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2023, xuất siêu 21,5 tỷ USD.
Chính sự lớn mạnh cùng nỗ lực chung của cộng đồng DN, đội ngũ doanh nhân trong thời gian qua đã góp phần tạo ra tăng trưởng kinh tế cao hàng đầu thế giới và liên tục nhiều năm của Việt Nam. Khu vực DN đã đóng góp khoảng 60% GDP, tạo ra khoảng 30% việc làm cho xã hội…
PV: Bên cạnh những thuận lợi từ sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, doanh nghiệp, doanh nhân cũng đang đối mặt với những thách thức, đặc biệt sau dịch Covid-19 đến nay. Ông có thể cho biết đôi nét về những thách thức căn bản hiện nay?
- Ông Hoàng Quang Phòng: Cộng đồng DN hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh thế giới đầy biến động, thách thức. Hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều có mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng do tổng cầu suy giảm; lạm phát đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Sức mua của thị trường đặc biệt là thị trường xuất khẩu suy yếu, doanh thu sụt giảm, đơn hàng có dấu hiệu phục hồi nhưng còn chậm.
Ông Hoàng Quang Phòng
Mặc dù vậy, DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 8 tháng đầu năm 2024 là 168.076 DN, bình quân một tháng có thêm 21.000 DN. Nhưng các DN Việt Nam vẫn chủ yếu là DN có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa (chiếm đến 98%) và chỉ có khoảng 2% các DN lớn.
Bên cạnh đó, các DN còn đang gặp nhiều khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), chất lượng cơ sở hạ tầng, và còn một số rào cản trong chính sách pháp luật, cũng như thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu và những biến động của thị trường… Riêng chính sách, pháp luật về kinh doanh của nước ta vẫn tồn tại nhiều điểm nghẽn, vướng mắc, bất cập cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. TTHC vẫn còn chưa triệt để, tình trạng phân cấp thẩm quyền giải quyết TTHC còn mang tính hình thức trình tự thủ tục để thực hiện một dự án đầu tư quá dài. Những bất cập này làm giảm cơ hội đầu tư cũng như giảm sự hấp dẫn của môi trường đầu tư ở Việt Nam…
Đáng quan tâm hiện nay là tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều vấn đề tạo khó khăn, thách thức cho sự phát triển của các DN trong những tháng cuối năm 2024 và kéo dài sang năm 2025. Riêng cơn bão Yagi đã tác động nghiêm trọng đến toàn bộ người dân và doanh nghiệp các tỉnh phía Bắc, ước tính gây thiệt hại khoảng 81.500 tỷ đồng, có thể làm giảm GDP cả nước năm 2024 đến 0,15%-0,2% so với kịch bản đã đề ra.
PV: Để hỗ trợ cộng đồng DN vượt qua khó khăn, thách thức, khơi dậy tinh thần kinh doanh mạnh mẽ, đạt được kỳ vọng được định hướng tại Nghị quyết 41-NQ/TW, ông có đề xuất giải pháp quan trọng?
- Ông Hoàng Quang Phòng: Để góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2045, VCCI đã có một số đề xuất với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Tiếp sức cho DN, doanh nhân phát triển mạnh mẽ hơn. Ảnh: TL
Thứ nhất, thực hiện tốt Nghị quyết 143/NQ-CP Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Thứ hai, trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách cần luôn lấy người dân và DN làm trung tâm. Chính sách phải vì lợi ích của DN, người dân. Việc tham vấn ý kiến DN và người dân sẽ thực hiện tại mọi khâu, mọi giai đoạn trong quá trình xây dựng chính sách và pháp luật.
Thứ ba, cách tiếp cận chính sách sẽ từ tháo gỡ khó khăn sang chủ động tạo thuận lợi cho hoạt động của DN.
Thứ tư, kiên quyết bảo vệ và nuôi dưỡng các DN làm ăn chân chính. Xây dựng Việt Nam là một điểm đến an toàn, tin cậy cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
PV: Xin cảm ơn ông!
Nhanh chóng hiện thực hóa Nghị quyết 41-NQ/TW
Ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới nhấn mạnh quan điểm đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế... VCCI cũng đã ban hành Chương trình số 08-Ctr/ĐĐ để triển khai thực hiện Nghị quyết một cách hiệu quả nhất.
Song Linh
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ngay-doanh-nhan-viet-nam-1310-tiep-suc-cho-doanh-nghiep-doanh-nhan-phat-trien-manh-me-hon-161512.html