Đó là: Bạo lực trong nhiều hình thức - từ gia đình đến đường phố, từ đời sống thường nhật đến không gian mạng - đang ngày ngày in dấu và lây lan vào tâm hồn non trẻ của học sinh, tạo nên một vòng tròn lẩn quẩn mà giáo dục học đường khó lòng đơn độc hóa giải.
Không khó để bắt gặp trong cuộc sống hằng ngày những biểu hiện của một xã hội “nóng nảy”. Chỉ một va chạm nhẹ trên đường cũng đủ khiến hai người đàn ông trung niên dừng xe, xông vào nhau với những cú đấm, cú đá trước ánh nhìn sợ hãi của trẻ em và người qua đường. Chỉ một mâu thuẫn nhỏ trong việc giành chỗ để xe hoặc va chạm giao thông hay tiếng chó sủa của nhà hàng xóm cũng có thể dẫn đến những lời mạt sát, thậm chí ẩu đả, như sự việc xảy ra tại Hà Nội đầu năm 2025 - một shipper bị đánh đến chấn động não chỉ vì một va quệt nhỏ.
Những ví dụ đó không chỉ phản ánh sự xuống cấp về văn hóa ứng xử trong cộng đồng mà còn vạch rõ nguyên nhân sâu xa của bạo lực học đường: Chính người lớn đã gieo mầm cho những hành vi bạo lực đó. Khi trẻ em lớn lên trong một môi trường mà bạo lực được dùng để giải quyết xung đột, chúng dễ dàng coi đó là cách hành xử “bình thường”, thậm chí là “hiệu quả”. Tâm lý “bắt chước” ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ vị thành niên, rất mạnh mẽ - và nếu điều chúng học được từ người lớn là “tay chân nói trước, lý lẽ tính sau”, thì không thể trách tại sao bạo lực học đường lại lan rộng.
Một nghịch lý đáng buồn trong môi trường giáo dục hiện nay là, có những vụ việc học sinh mâu thuẫn với nhau, thay vì cùng giáo viên tháo gỡ, xử lý bình tĩnh, thì chính phụ huynh lại đẩy sự việc lên cao trào. Một câu hỏi đặt ra: Phụ huynh là tấm gương hay là ngọn nguồn xung đột?
Năm 2020, tại một trường tiểu học ở TP.HCM, chỉ từ xích mích giữa hai học sinh dẫn đến nhóm phụ huynh ẩu đả khiến cả Phó hiệu trưởng, bảo vệ bị thương. Truyền thông từng ghi nhận trường hợp khác ở Quảng Ngãi năm 2023, một phụ huynh đã đánh một học sinh dẫn tới tỷ lệ thương tật 12% chỉ vì nghi ngờ lấy máy tính bỏ túi của con mình.
Những hành động như vậy không chỉ khiến trẻ nhỏ thêm tổn thương mà còn gửi đi một thông điệp nguy hiểm: Bạo lực là công cụ hợp lệ để giải quyết mâu thuẫn. Trong khi nhà trường đang nỗ lực truyền đạt cho học sinh kỹ năng sống, tư duy hòa giải, giao tiếp văn minh, thì nhiều bậc phụ huynh - vốn được coi là điểm tựa - lại vô tình (hoặc cố tình) trở thành “người huấn luyện” cho sự trả đũa và thù hằn.
Bạo lực học đường không thể được nhìn tách biệt khỏi bạo lực gia đình. Sự thật là nhiều học sinh trở nên hung hăng, dễ cáu giận, hoặc trái lại trầm cảm, thu mình, là vì các em lớn lên trong môi trường gia đình có bạo lực thể chất hoặc tinh thần. Theo nghiên cứu của UNICEF tại Việt Nam, năm 2022 có tới gần 70% trẻ em từ 10-14 tuổi từng trải qua ít nhất một hình thức kỷ luật mang tính bạo lực từ cha mẹ, người chăm sóc.
Bạo lực gia đình không nhất thiết phải là đòn roi. Đó có thể là những lời mắng chửi thường trực, là sự kiểm soát khắc nghiệt, là việc cha mẹ bạo hành nhau trước mặt con cái. Không quá khi nói rằng, bạo lực gia đình là gốc rễ của tổn thương tâm lý học sinh.
Những tổn thương này thấm sâu, âm ỉ, tích tụ, rồi bùng nổ dưới hình thức bạo lực học đường khi các em trút sự giận dữ bị dồn nén lên bạn bè. Đó là tấm gương phản chiếu bi kịch bị bỏ quên của những đứa trẻ đang sống trong áp lực tâm lý mà người lớn chưa bao giờ nhìn thấy.
Nhiều năm qua, ngành Giáo dục đã và đang nỗ lực hết sức để đẩy lùi bạo lực học đường, từ đổi mới chương trình giáo dục đạo đức, tăng cường tư vấn tâm lý học đường, đến các chiến dịch tuyên truyền chống bắt nạt. Tuy nhiên, nếu những nỗ lực ấy không được cộng hưởng từ gia đình, xã hội thì sẽ chỉ là “đơn thương độc mã” và kết quả sẽ rất hạn chế. Bởi lẽ, phần lớn thời gian và sự hình thành nhân cách của trẻ lại diễn ra ngoài nhà trường.
Chúng ta không thể trông đợi một đứa trẻ trở nên tử tế nếu về nhà em phải chứng kiến cha mẹ chửi nhau, ra đường em thấy người lớn tạt đầu xe rồi lao vào đánh nhau. Mọi lời dạy của thầy cô về lòng vị tha, cách giải quyết xung đột bằng đối thoại... sẽ trở nên trớ trêu và vô nghĩa khi thực tế đời sống xã hội là một “bài học ngược”.
Chính vì vậy, để giải quyết triệt để nạn bạo lực học đường, phải có sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ từ gia đình và cộng đồng. Các bậc cha mẹ cần nhận thức được vai trò làm gương, bởi trẻ em học bằng mắt chứ không chỉ bằng tai. Mỗi hành vi bạo lực mà cha mẹ thể hiện - dù là nhỏ nhất - cũng gieo vào đầu con một mầm nhận thức lệch lạc. Trẻ không sinh ra đã biết đánh nhau, chúng học cách đó từ người lớn.
Ngoài giáo dục, xã hội cần những chế tài nghiêm khắc hơn nữa để ngăn chặn hành vi bạo lực. Những vụ việc người lớn hành hung nhau nơi công cộng, phụ huynh đánh giáo viên, cha mẹ lăng mạ con cái... không thể chỉ xử lý hành chính nhẹ tay hay “bỏ qua vì gia đình xin hòa giải”, pháp luật phải là công cụ bảo vệ cho một xã hội văn minh và an toàn cho trẻ em.
Song song đó, cộng đồng cần lên tiếng mạnh mẽ hơn. Không thể để những vụ việc bạo lực được ghi lại, lan truyền trên mạng xã hội chỉ như trò “câu view” rồi lắng xuống trong sự bàng quan. Mỗi lần im lặng trước bạo lực là một lần chúng ta thỏa hiệp với nó; mỗi lần xem đánh nhau như “giải trí”, chúng ta làm lụi tàn thêm một phần khả năng tử tế trong thế hệ tương lai.
Lời phát biểu của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT không chỉ đúng về mặt hiện tượng, mà còn đúng về bản chất: Bạo lực học đường là tấm gương phản chiếu từ người lớn trong xã hội. Khi người lớn chưa học cách cư xử có văn hóa, chưa biết tiết chế cảm xúc, chưa sẵn sàng đối thoại thay vì đối đầu, thì làm sao mong muốn con trẻ sống hòa bình, thấu cảm?
Một xã hội không bạo lực học đường phải bắt đầu từ một xã hội không dung dưỡng bạo lực người lớn. Đó là nhiệm vụ không của riêng ai, mà là trách nhiệm chung từ nhà trường, cha mẹ đến những người ngoài cuộc.
Hãy nhớ rằng, trẻ em học cách làm người trước tiên không phải từ sách giáo khoa mà từ cách người lớn cư xử với nhau mỗi ngày. Và muốn giáo dục thành công một thế hệ tử tế, chúng ta - người lớn - phải bắt đầu bằng việc trở thành một tấm gương tử tế trước.
DUY PHONG