Vào dịp lễ này, dù bận rộn bao nhiêu, quý Phật tử cũng xếp lại công việc để đi chùa, dự lễ Khánh đản. Nếu bận rộn ban ngày không thể đi được thì thu xếp đến chùa vào ban đêm. Tất cả đều trọn một lòng tưởng nhớ đến vị Cha lành, Đấng Đạo sư của trời-người. Quý Phật tử trở về chùa lạy Phật, tụng nghi Khánh đản và nghe thuyết pháp. Có nơi còn dựng vườn Lâm Tỳ Ni, lễ đài, thực hiện chương trình văn nghệ. Tất cả nghi thức, nghi biểu đó đều nhằm tôn vinh Đức Thế Tôn của chúng ta. Hiện nay, khắp nơi cũng theo nếp đó mà tổ chức đón mừng ngày Đại lễ Phật đản, ngày kỷ niệm trọng thể của Phật giáo đồ, của tất cả những người con Phật.
Đóa sen Phật ngàn năm vẫn nở
Giữa hồng trần chẳng vướng bụi nhơ
Đèn trí tuệ soi đường nhân thế
Suối từ bi tuôn chảy vô bờ.
(Thiên Chân)
Huyền nhiệm thay một đóa sen bất diệt, hơn 2.600 năm trước, vượt mọi giới hạn thời gian, không gian, hoa vẫn nghiễm nhiên tinh khiết, rực rỡ tinh khôi. Đức Phật là bậc thầy vĩ đại, giáo pháp của Ngài giúp con người trở về, bước đi trên mảnh đất bình an, phúc lạc. Nương vào Đức Phật, vào giáo pháp của Ngài, đồng nghĩa chúng ta có niềm tin sâu sắc rằng trong mỗi chúng ta cũng có Phật. Trước sự cám dỗ của sáu trần mà tâm vẫn bất động an nhiên, rõ ràng thường biết, thì đó là tâm Phật. Mỗi đợt sóng tâm niệm mà có sự tỉnh giác, biết sóng vọng niệm là nước biển chân như, thì đó là người tỉnh thức. Như vậy, khi nào chúng ta có sự tỉnh thức thì Đức Phật tự tâm xuất hiện. Đức Phật đản sinh nơi tâm mình, đó chính là ý nghĩa của ngày Phật đản sinh. Nếu không biết trở về chính mình để tìm Phật tự tâm, mà chỉ nương bên ngoài thì suốt kiếp chúng ta cũng không hiểu chân nghĩa, thật nghĩa Phật là gì. Như nấu cát không thể thành cơm được.
Chữ “Phật” là Buddha, Trung Hoa phiên âm là Phật-đà, Việt dịch là Giác giả. Nghĩa là người tỉnh giác. Trong kinh Kim cang Phật dạy: “Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai”. Nghĩa là: Nếu dùng sắc thấy Ta, dùng âm thanh cầu Ta, người ấy hành đạo tà, không thể thấy Như Lai. Đức Phật thị hiện ra đời mang thân 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, là tướng hoàn mỹ của bậc đại nhân. Nếu xét về phương diện thẩm mỹ thì trên cuộc đời này chưa ai đẹp bằng Ngài. Chúng ta thấy chính Ngài thị hiện thân đẹp đẽ, tướng tốt quang minh để chúng sanh thấy mà khởi tâm sùng kính hướng về Ngài để tu hành. Bởi vì Ngài hiểu được tâm lý chúng sanh ưa thích sắc diện bên ngoài. Nhưng ở đây Ngài dạy, nếu dùng sắc tướng, âm thanh để thấy nghe Ngài thì người đó hành đạo tà, không thể thấy Như Lai. Về thuyết pháp, trong kinh nói rằng, âm thanh thuyết pháp của Đức Phật trầm hùng vang xa, ví như tiếng hải triều, hùng hồn, vang chấn. Và với biện tài vô ngại, Ngài đã giáo hóa độ sanh nhiều vô số kể.
Ở Hội Linh Sơn, Đức Phật dạy: Trong 49 năm thuyết pháp độ sanh, nhưng Như Lai chưa từng nói một lời nào. Điều này khiến cho mọi người khó hiểu mà sanh kinh ngạc. Tại sao Ngài nói như vậy? Ở khía cạnh hữu vi sinh diệt thì Phật có thuyết pháp, nhưng Phật pháp thân không hình không tướng thì không thuyết pháp. Ngài dạy như vậy cốt để chúng ta phản tỉnh trở về với Phật pháp thân thanh tịnh vốn sẵn nơi chính mình. Đức Phật là Phật pháp thân chân thật, chứ không phải Phật hình tướng sắc thân. Đức Phật lịch sử đã trở về quá khứ, chỉ còn lại dấu chân trên cát bụi thời gian. Cho nên, chúng ta nếu còn chấp vào sắc tướng, âm thanh của Phật sắc thân là rơi vào tà đạo, không thể thấy được chân thân Phật, tức Phật tự tâm chưa từng biểu hiện nơi mỗi chúng ta.
Tu là trở về với pháp thân chân thật, giống như thể của hư không, mà hư không thì không hình, không tướng nên không chỗ nào không bao trùm. Vũ trụ bao la tới đâu thì hư không rộng lớn tới đó và phủ trùm tất cả vạn hữu. Hư không là như thế, bản tâm của chúng ta còn bao trùm luôn cả hư không. Phật tâm chân thật của chúng sanh không thể nói bờ mé ở đâu. Đó là thể thênh thang vô khứ vô lai, vô sinh vô diệt. Nơi mỗi người đều có Phật chân thật ấy, chúng ta phải trở về với Phật chân thật thì mới hiểu được ý nghĩa trọng đại Đức Phật đản sinh. Tất cả chư Phật thị hiện ra đời đều nhằm chỉ “cái tối linh” nơi mỗi chúng sanh, cũng tức là “bản lai diện mục” nơi mỗi chúng ta.
Nhà Phật có câu:
Hôm qua tâm Dạ-xoa
Ngày nay mặt Bồ-tát
Dạ-xoa và Bồ-tát
Chẳng cách nhau tơ tấc.
Chính nhờ Đức Phật chỉ dạy mà chúng ta biết rằng mỗi chúng sanh cũng có tiềm năng siêu việt, tức là cái chân thật sẵn có nơi mỗi sinh loài, vốn đã thiên phú. Còn gọi là Bát-nhã trí, Phật tri kiến, Phật tánh, chân tâm… Đức Phật giác ngộ dưới cội Bồ-đề, Ngài trở về với tâm chân thật, từ đó Ngài thấy tất cả chúng sanh cũng đều có tâm Phật. Cũng như biển cả mênh mông, muôn trùng đợt sóng nhấp nhô, mỗi đợt sóng nổi lên rồi chìm xuống. Tuy rằng trăm ngàn đợt sóng không giống nhau, nhưng bản chất của chúng đều bình đẳng: Tất cả sóng đều là nước. Ở phương diện là sóng, thì sóng có sinh diệt, còn mất. Ở phương diện là nước, thì nước chưa từng sinh cũng chưa từng diệt. Mỗi người chúng ta lầm chấp mình là một đợt sóng, nên thấy có một cái ta riêng tư khác với toàn thể. Đợt sóng năm uẩn này tồn tại mấy mươi năm, chúng ta lầm tưởng lâu dài, thật có, nhưng tận bản chất cốt lõi sâu xa chúng ta đều là Phật tự tâm cả.
Giữa nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, con người luôn tìm kiếm những thứ bên ngoài để khỏa lấp sự cô đơn trống vắng trong tâm hồn. Ai nấy đều chỉ biết kiếm tiền, hưởng thụ và suy tôn bản ngã. Nào hay cuộc đời chỉ là tuồng mộng ảo, mà ở đó con người là diễn viên bày ra tất cả. Sống trên đời mấy mươi năm dù tạo dựng được sự nghiệp giàu sang phú quý thì cũng giống như màn sương sớm, giấc mộng dài.
Khi hiểu ra được bản chất của sóng vốn là nước, nước tâm chân như thì chưa từng sinh diệt, người đó liền được bình an, cái bình an phi nỗ lực. Bởi vì “chúng sanh tâm tức thị Phật tâm, chúng sanh tánh tức thị Phật tánh”. Và người liễu đạt là người nhận ra mình chưa từng sinh, chưa từng diệt, chưa từng đến đi. Tỉnh giác là như vậy, tu chính là như vậy chứ không gì khác. Chúng ta từ chỗ bình an vô sinh bất diệt mà khởi tâm động niệm, rồi nhận lầm thân sinh diệt này là mình. Chư Phật, Bồ-tát, Thánh Hiền thấy được điều này, chúng sanh chính là tâm chân như mà không nhận ra. Các Ngài thuyết pháp độ sanh, giúp chúng sanh nhận lại con người sơ nguyên vốn bình an lặng lẽ nguyên xưa, chưa từng sống chết.
Nhà thiền có câu:
Đêm đêm ôm Phật ngủ
Ngày ngày cùng Phật đi
Nói nín cùng theo nhau
Động tịnh cùng chung ở.
Biết đi, biết nói, cho đến mọi động tịnh cùng theo nhau giống như bóng với hình, hễ bóng ở đâu thì hình cũng ở đó, không thể xa rời. Phiền não, vô minh ở đâu thì giác tánh thanh tịnh ở đó. Như con mắt thấy tất cả vật, nhưng không thể tự thấy chính nó. Đây là khó khăn! Nói, nín, động, tịnh gì cũng không ngoài tánh Phật ấy. Phật và chúng sanh không cách nhau, nhưng hễ còn mê muội thì còn là chúng sanh phiền não. Và khi nào tu tập tỉnh giác là tâm Phật an vui. Như vậy Phật và chúng sanh đều tùy nơi tâm mỗi người, nhưng vốn không hai thể, đó là nghĩa trung đạo.
Giữa nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, con người luôn tìm kiếm những thứ bên ngoài để khỏa lấp sự cô đơn trống vắng trong tâm hồn. Ai nấy đều chỉ biết kiếm tiền, hưởng thụ và suy tôn bản ngã. Nào hay cuộc đời chỉ là tuồng mộng ảo, mà ở đó con người là diễn viên bày ra tất cả. Sống trên đời mấy mươi năm dù tạo dựng được sự nghiệp giàu sang phú quý thì cũng giống như màn sương sớm, giấc mộng dài. Người tu hành chứng nghiệm sự bất tử vĩnh hằng vượt không gian và thời gian, chứ không phải tìm kiếm những gì tạm bợ trong mấy mươi năm.
Cho nên, tiền tài, danh vọng, địa vị làm mờ mắt người thế gian. Vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngôi vị đế vương lên núi xuất gia tu hành, Ngài xem ngai vàng như “đôi dép rách”. Cho chúng ta hiểu rằng, dù là những gì cao quý tột đỉnh ở thế gian cũng chỉ là phù du tạm bợ, làm sao sánh được với cái chân thật vĩnh cửu, mà sống đời tự tại an vui. Hiểu được điều đó, chúng ta không rượt đuổi theo những thứ tạm bợ mong manh, mà dụng tâm một đời này chứng nghiệm đạo lý siêu nhiên. Tuy sống giữa đời thường mà vẫn tỉnh thức an vui. Vì biết được không gì là thật, kể cả thân này, nên sẵn sàng quên mình để phụng sự tha nhân. Khi quên mình mới vô ngã, quên mình mới trở về với Phật pháp thân. Nếu chúng ta còn chấp ngã chấp pháp nặng nề thì khó có thể trở về bản tâm sơ nguyên. Khi hướng tâm để phụng sự tha nhân, đó là quên giả ngã trở về sống với cái toàn thể vô biên, cái siêu ngã chưa từng sống chết.
Đức Phật thị hiện ở đời, mở ra cho nhân loại một chân trời khoáng đạt bao la, để từ đó, biết bao người dừng bước đi hoang, thôi rong ruổi bụi đường, cất bước trở về, một chốn chân quê yên bình muôn thuở. Trong không khí hân hoan đón mừng một mùa Phật đản lại về, tất cả người con Phật khắp nơi một lòng thành kính, tri niệm công đức sâu dày của Phật, đồng thời trở về sống với Phật pháp thân thanh tịnh nơi chính mình. Ngay đây bây giờ, Đức Phật tự tâm rõ ràng thường biết, bất động an nhiên. Chính đó là nguồn cội quê hương đích thực trong mỗi chúng ta.
Lần lữa xa quê lụy xiết bao
Đường trần hun hút mộng lao xao
Hồi quy từng nhịp về làng cũ
Quê mẹ bình yên tự thuở nào.
(Thiên Chân).
Thích Thông Huệ/Báo Giác Ngộ