CCB Nguyễn Cảnh Giao
Với những người từng sống qua chiến tranh, ngày thống nhất luôn là một phần ký ức sâu sắc. Đó là ngày mà bao cảm xúc vỡ òa, vui mừng, xúc động và cả những giọt nước mắt cho những mất mát không thể đong đếm.
Ký ức không phai
Những ngày cuối tháng Tư, khu vực bến Bạch Đằng (TP.HCM) rộn ràng đón dòng người đổ về tham quan, ghi lại khoảnh khắc trong không khí chào mừng đại lễ.
Giữa khung cảnh rợp cờ hoa, chúng tôi bắt gặp ông Nguyễn Cảnh Giao (78 tuổi, ngụ ở Bà Rịa - Vũng Tàu) trong bộ quân phục chỉnh tề, tay cầm cờ đỏ sao vàng, cùng con cháu lưu giữ những kỷ niệm đáng nhớ của ngày hội non sông.
Ông Giao xúc động kể lại thời khắc lịch sử cách đây đúng 50 năm khi còn là chiến sĩ thuộc Trung đoàn 2, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4. Lúc ấy, đơn vị của ông đóng quân ở miền Đông Nam Bộ và được lệnh tiến về giải phóng Sài Gòn đúng vào ngày 30.4.
“Chúng tôi hành quân qua ngã tư Bảy Hiền, tiến vào đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu, rồi về đóng quân bảo vệ cầu chữ Y (quận 8). Hôm đó khí thế quân ta như chẻ tre, từng đợt tiến quân ào ạt, lòng ai cũng hừng hực khí thế. Đến bây giờ, mỗi lần nhớ lại tôi vẫn thấy bồi hồi. Và thương lắm những đồng đội đã nằm lại, không kịp nhìn thấy ngày vui trọn vẹn của đất nước”, ông nghẹn ngào.
Từ miền Bắc, vợ chồng ông Khuyên (74 tuổi, quê Thanh Hóa) lặn lội vào TP.HCM để dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước. Trước đây, ông từng là lính đặc công chiến đấu tại mặt trận Gia Lai - Kon Tum, nên dịp này mang ý nghĩa rất đặc biệt.
Ông chia sẻ: “Nghe tin Nhà nước tổ chức đại lễ, chúng tôi không chần chừ mà vào sớm, không chỉ để xem mà để sống lại cảm xúc thiêng liêng của năm xưa. Được thấy sự trưởng thành, phát triển của đất nước hôm nay, tự nhiên thấy mọi hy sinh là xứng đáng”.
Nhiều cựu chiến binh, thanh niên xung phong cũng kể lại rằng họ vẫn nhớ như in hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, biểu tượng của một kỷ nguyên mới được mở ra sau những tháng năm gian khổ.
Lực sĩ Lê Văn Công và các vận động viên tiêu biểu TP.HCM trong đoàn diễu hành khối thể thao tại Đại lễ 30.4
Dù ở đâu, hãy luôn hướng về quê hương
Không chỉ người trong nước, những kiều bào từ khắp nơi trên thế giới cũng trở về để cùng chung vui trong ngày đại lễ. Với họ, đó là dịp để kết nối với cội nguồn, để nhớ và để tự hào.
Chứng kiến không khí rộn ràng của thành phố mang tên Bác trước thềm đại lễ và tham gia vào đội diễu binh, diễu hành của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, ông Trần Ngọc Phú (68 tuổi, doanh nhân người Việt tại Pháp) chia sẻ: “Đây là một kỷ niệm thật khó quên. Mặc dù trước đây tôi đã tham gia nhiều dịp kỷ niệm 30.4, từ 40 năm, 45 năm,… nhưng lần này, khi tròn 50 năm đất nước thống nhất, cảm xúc của tôi lại khác. Không phải ai sống xa quê cũng có dịp trở về đúng ngày trọng đại này để tham dự lễ kỷ niệm. Được tham gia diễu hành trong dịp này, tôi cảm thấy vô cùng tự hào và vinh dự, nhất là khi tôi là một người đã xa quê đúng 50 năm”.
Với ông Phú, dù ở nơi đâu, làm gì, quê hương vẫn luôn là điều không thể quên. Ông tâm sự: “Dù chúng ta có đóng góp như thế nào, bằng vật chất hay tinh thần, thì cũng không thể quên cội nguồn của mình. Dân tộc ta đã trải qua những năm tháng gian khổ, nhưng giờ đây chúng ta đã được sống trong hòa bình, tự do, không còn chiến tranh, không còn chia cắt”.
Nhìn lại sự phát triển của đất nước, ông Phú cảm nhận rõ sự thay đổi: “Tôi đã từng về Việt Nam ngay sau giải phóng, khi đất nước còn khó khăn. Nhưng hôm nay, đất nước đã thay đổi rất nhiều. Tôi thật sự vui mừng và tự hào khi thấy Việt Nam phát triển từng ngày, đó là niềm vui lớn lao. Tôi mong muốn tất cả người Việt ở nước ngoài, dù ở đâu, hãy luôn hướng về quê hương, đóng góp sức mình để đất nước ngày càng phát triển”.
Ông nhấn mạnh, điều quan trọng là giáo dục con cháu giữ gìn văn hóa dân tộc, không quên cội nguồn, cùng nhau đóng góp xây dựng quê hương.
Bà Nguyễn Thị Minh Lan, kiều bào từng sinh sống tại New Zealand, xúc động nói về cảm xúc khi được tham gia đoàn diễu hành tại lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước: “Tôi thấy mình là người hạnh phúc nhất khi được góp mặt trong ngày trọng đại này. Mỗi bước chân trong cuộc diễu hành, tôi luôn cố gắng hết mình để xứng đáng với niềm vinh dự ấy”. Bà Lan kể thêm, lần đầu tiên cô được chứng kiến lễ diễu hành là năm 1975 tại Hà Nội, khi mới 14 tuổi. Và lần thứ hai chính là dịp đại lễ năm nay: “Hai lần trong đời, thật sự là hạnh phúc lớn lao”.
Những bước đi mang theo lịch sử
Với thế hệ sinh ra trong hòa bình, ngày 30.4 có thể không mang nặng những hồi ức, nhưng lại là dịp để hiểu và trân trọng hơn giá trị của độc lập, thống nhất.
Là một trong những thành viên thuộc đội diễu hành khối báo chí tại đại lễ 30.4, anh Phan Đăng Báo, phóng viên Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn, không giấu được niềm tự hào: “Được góp mặt trong một ngày lễ trọng đại của đất nước là một vinh dự lớn. Khi bước những bước đi trang nghiêm trong lễ diễu hành, tôi cảm thấy niềm tự hào dâng trào trong lòng. Đây không chỉ là dịp để nhìn lại lịch sử, mà còn là cơ hội để bản thân tôi và các đồng nghiệp càng thêm yêu quê hương, đất nước mình”.
Trong khối thể thao của đoàn diễu hành, lực sĩ Lê Văn Công, niềm tự hào của thể thao người khuyết tật Việt Nam, cũng không giấu được sự phấn khởi khi được lựa chọn là một trong 36 vận động viên tiêu biểu đại diện TP.HCM tham gia đại lễ.
Dù đang trong giai đoạn tập luyện cho các giải đấu cử tạ người khuyết tật, anh vẫn tích cực tham gia luyện tập cùng đồng đội để chuẩn bị cho sự kiện đặc biệt này.
“Tôi từng thi đấu và giành nhiều huy chương ở các giải quốc tế như Paralympic, SEA Games… nhưng đây là lần đầu tiên tôi được chính thức góp mặt trong một lễ diễu hành cấp quốc gia. Cảm giác thật sự hồi hộp và rất tự hào. Đối với tôi, đây không chỉ là niềm vinh dự cá nhân, mà còn là niềm tự hào chung của cộng đồng thể thao người khuyết tật Việt Nam”, anh Công chia sẻ.
Chị Bùi Thị Hồng Nhung, đại diện khối nữ dân quân miền Bắc thuộc Quân khu 4, chia sẻ: “Chúng tôi rất vinh dự và tự hào khi được tham gia khối diễu binh, diễu hành trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Dù quá trình huấn luyện có nhiều vất vả - từ thời tiết nắng nóng đến cường độ tập luyện cao - nhưng ai cũng phấn khởi, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Chị Nhung cho biết thêm, lực lượng của đơn vị từ miền Trung vào TP.HCM khá đông. Dù cơ sở vật chất được các đơn vị bạn hỗ trợ hết mức, vẫn còn không ít khó khăn do điều kiện khác biệt.
“Chị em chúng tôi động viên nhau cùng cố gắng vượt qua, vì ai cũng hiểu rằng đây là dịp trọng đại, và được góp mặt trong ngày lễ lớn như thế này là một niềm tự hào không phải ai cũng có”.
THÙY TRANG - LÊ HOÀN