Dấy binh khởi nghĩa năm 1418 khi 33 tuổi, Bình Định vương Lê Lợi trải qua suốt 10 năm gian khó trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, có lẽ, phải đến tận mùa xuân năm Ất Tỵ 1425, ngài mới lần đầu cùng nghĩa quân hưởng một cái Tết ấm cúng, đúng nghĩa nhất. Đó là kết quả của chiến lược đem quân vào đánh Nghệ An, nơi lực lượng của quân Minh không mạnh bằng ngoài Bắc, cuối năm 1424.
Vua Lê Thái Tổ làm vua 6 năm nhưng hầu như các ngày Tết đều trên đường chinh chiến, dẹp loạn.
“Đại Việt sử ký toàn thư” viết: “Mùa xuân năm Ất Tỵ, tháng Giêng, vua đem quân đến hương Đa Lôi, huyện Thổ Du, trấn Nghệ An (xã Nam Kim, huyện Nam Đàn, Nghệ An ngày nay). Già trẻ tranh nhau đến đón và khao quân. Mọi người đều nói: "Không ngờ ngày nay lại được trông thấy uy nghi của nước cũ". Có thịt rượu, lương thực, lại có lòng dân, chắc chắn đây sẽ là cái Tết vui nhất với nghĩa quân Lam Sơn kể từ ngày dựng cờ dấy nghĩa.
Từ đó, khí thế quân của Bình Định vương ngày càng lên, nghĩa quân tiến ra giải phóng Thanh Hóa rồi ngược ra Bắc, bao vây thành Đông Quan. Lúc này, quân Minh chỉ còn cố thủ trong các thành Nghệ An, Thuận Hóa và Đông Quan, còn đất đai nước ta thuộc quyền nghĩa quân quản lý hết.
Sau 10 năm khởi nghĩa, đến đầu năm Đinh Mùi 1427, “Toàn thư” cho biết: “Mùa xuân, tháng Giêng, vua tiến quân đến bờ Bắc sông Lô (tức sông Hồng), đối diện với thành Đông Quan”. Nơi vua đóng quân ở quãng chùa Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội ngày nay. Bình Định vương lập tức sai phái các tướng lần lượt vây áp các cửa thành, khiến quân Minh như cá nằm trên thớt. Lúc này nghĩa quân nắm thế chủ động, Bình Định vương có thể sai quân lính đóng chiến thuyền, tập thủy chiến, điểm duyệt võ khí, bổ sung quân đội, chế thứ xe đánh thành.
Có thời gian thư thái đầu xuân, Bình Định vương lập tức tri ân những bậc tiền nhân có công với đất nước. “Vương sai Dương Thái Nhất sửa chữa đền thờ Hưng Đạo Đại vương, cấm chặt cây ở miếu”, “Toàn thư” viết. Riêng bộ sử “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” bổ sung thêm về ý nghĩa của việc này như sau: “Quốc Tuấn là danh tướng đời Trần. Khoảng niên hiệu Trùng Hưng (1285-1292), ông có công to nhất trong việc đánh đuổi quân Nguyên. Khi ông mất, người ta lập đền thờ ở núi Vạn Kiếp. Đền này vẫn có tiếng là thiêng lạ. Bình Định vương sai Dương Thái Nhất sửa lại đền, cấm đẵn phạt cây cối ở đền; rồi hạ lệnh cho các lộ theo đúng lễ nghi thờ cúng đền từ các công thần các đời trước”.
Đến tháng 2, Bình Định vương lại sai thuộc hạ tu bổ lăng miếu đế vương các triều đại trước. Trong số lăng miếu đó, cái nào bị phá hủy vì nạn binh lửa thì vương sai tu sửa lại, tùy từng lăng miếu mà cấp cho số phu phục dịch về việc thờ cúng có khác nhau.
Có lẽ Bình Định vương cũng muốn nhân dịp thờ cúng các lăng miếu đế vương, công thần đời trước để cầu cho tiền nhân giúp đỡ nghĩa quân đánh thắng trận cuối cùng, quét sạch quân Minh xâm lược ra khỏi bờ cõi. Nhưng, lúc này thì thế và lực đã nghiêng hẳn về phía nghĩa quân, bằng chứng là đến thắng 6, bọn chỉ huy sứ thành Tam Giang là Lưu Thanh đã ra hàng nghĩa quân.
Bình luận về sự kiện này, sử thần Ngô Sĩ Liên viết rằng: “Là vì đức của vua hợp với trời nên trời giúp cho, đẹp lòng người nên người theo về, không những là người nước vui lòng theo phục, mà cả đến bọn phản nghịch cũng tôn kính như thế, cho nên không muốn chống nữa mà đều về hàng. Thế thì, việc nhân nghĩa của vua so với Thang Vũ có phần sáng tỏ; xem việc này càng thấy rõ rệt. Còn như nói điềm lấy được nước, há nên lấy lời sấm vĩ mà xét ư?”.
Sang năm Mậu Thân 1428, khi quân Minh đã rút hết về nước, Bình Định vương thống nhất thiên hạ, lấy năm ấy là năm dẹp yên. Ngay những ngày đầu năm, Bình Định vương đã có những quyết định về việc giáo dục, đó là ra lệnh lập trường học.
“Khâm định Việt sử thông giám cương mục” chép: “Nhà vua khi mới lập quốc, để ý ngay đến việc gây dựng nhân tài: trong kinh thì lập Quốc Tử Giám, lựa con cháu nhà các quan và những người tuấn tú trong nhân dân sung làm giám sinh; ngoài các lộ thì lập trường học ở từng lộ, lựa các con em những nhà lương thiện trong dân gian sung làm lộ hiệu sinh; cử những nhà nho đáng làm thầy đứng ra dạy dỗ”.
Các sử quan triều Nguyễn bổ sung thêm trong “Lời cẩn án” khi soạn sử: “Sự việc này, sử cũ (tức “Đại Việt sử ký toàn thư”) không chép. Nay, theo “Kiến văn lục” của Lê Quý Đôn, thì năm Thuận Thiên thứ 1 (1428) đời Lê Thái Tổ có lập trường học, lại theo bài "Tiến sĩ đề danh bi" của Thân Nhân Trung, thì Thái Tổ khi đã dẹp yên cả nước, võ công đã hoàn thành, có hạ chiếu thiết lập trường học, gây dựng nhân tài. Và, theo bài "Tiến sĩ đề danh bi" của Đỗ Nhuận, thì khi đặt niên hiệu Thuận Thiên (1428-1433), bắt tay ngay vào công việc học chính. Vậy, (nay căn cứ vào những tài liệu trên đây) xin bổ sung thêm”.
Bình Định vương tỏ ra rất cẩn thận trong việc thờ phụng thần linh và các bậc tiền nhân. Dẹp yên giặc rồi, tháng 3, mùa xuân năm Mậu Thân, ngài sai các quan chia đi cúng tế với thần linh và tế các lăng tẩm của các triều đại trước để khấn cáo về việc cả nước đã được bình định.
Tháng 4 năm đó, vương mới từ điện Tranh ở Bồ Đề vào thành Đông Kinh và ngày 15 tháng ấy mới chính thức lên ngôi, đổi niên hiệu là Thuận Thiên, đặt quốc hiệu là Đại Việt, đặt đô hiệu là Đông Kinh.
Mùa xuân năm Kỷ Dậu, tức năm Thuận Thiên thứ 2 (1429) là năm đầu tiên đất nước ăn Tết dưới triều Vua Lê Thái Tổ. Ấy thế mà sử cũ chỉ ghi lại một sắc lệnh hết sức nghiêm khắc của nhà vua vào ngày đầu xuân năm ấy. “Toàn thư” ghi rõ, sự kiện đầu tiên của tháng Giêng, mùa xuân, năm Dậu đó được ghi vào ngày mùng 4 Tết. Có lẽ, nhà vua ăn Tết xong, thấy nhân dân ham cờ bạc, rượu chè quá, lập tức ra lệnh cấm rượu và cờ bạc. “Cương mục” giảng giải: “Bấy giờ nhiều người du thủ du thực thường hay uống rượu, đánh bạc nên nhà vua chỉ dụ nghiêm cấm: đánh bạc - bị chặt 3 đốt ngón tay, đánh cờ vây - bị chặt 1 đốt, không có việc gì mà quần tụ uống rượu thì được giảm tội xuống một bậc”.
Một chính sách liên quan đến giáo dục được nhà vua tiếp nối truyền thống của năm trước, đó là lệnh ban hành ngày mùng 9 tháng Giêng, lệnh cho các quan võ, quan văn ai có con trai từ 9-15 tuổi cho vào hầu Hoàng thái tử, tới ngày 15 tháng Giêng tới học đường điểm mục, các quan võ từ Đồng tri đến đại đội trưởng, quan văn từ thượng thư xuống đến thất phẩm, ai có con trai từ 9-17 tuổi thì tới nhà quốc học điểm mục để lấy danh sách dạy học.
Các năm cuối đời của Lê Thái Tổ, vào những ngày cuối năm sang xuân, nhà vua đều mải mê chinh chiến. Như mùa đông năm Thuận Thiên thứ 3 (1430), nhà vua đem quân đi đánh bọn nghịch tặc ở châu Thạch Lâm, trấn Thái Nguyên (nay thuộc tỉnh Cao Bằng) là Bế Khắc Thiệu và Nông Đắc Thái. Vua đến châu Thạch Lâm, có đề thơ trước cửa quân rằng:
Bất từ vạn lý chỉnh sư đồ
Duy dục biên manh xích tử tô
Thiên địa bất dung gian đảng tại
Cổ kim thùy xá bạn thần tru.
Nghĩa là:
Muôn dặm đem quân há ngại xa
Chỉ mong cứu sống lấy dân ta
Phường gian trời đất nào dung thứ
Tội phản xưa nay giết chẳng tha.
Mãi đến tháng 2 năm Thuận Thiên thứ 4 (1431), nhà vua mới bắt được Bế Khắc Thiệu và Nông Đắc Thái đóng cũi tù đem về (“Cương mục” thì chép rằng Khắc Thiệu bỏ chạy rồi chết). Đến tháng 3, đoàn quân của nhà vua mới về đến kinh sư. Như vậy, vua và quân sĩ năm ấy không ăn Tết.
Cuối năm ấy, thổ tù châu Ninh Viễn là Đèo Cát Hãn liên kết với người Ai Lao là Kha Lại quấy nhiễu nhân dân ở biên giới. Việc này lên đến triều đình, nhà vua sai tướng đi đánh; kế đó lại định chính mình cầm quân đi dẹp. Chuyến hành quân kéo qua Tết năm Nhâm Tý, niên hiệu Thuận Thiên thứ 5 (1432). Theo “Cương mục” thì: “Tháng Giêng, mùa xuân, nhà vua chính mình cầm quân đi đánh châu Ninh Viễn, thắng trận. Kha Lại chạy rồi chết, Đèo Cát Hãn lẩn trốn. Nhà vua đặt đất Ninh Viễn là châu Phục Lễ (đất Lai Châu ngày nay). Tháng 3, vua mới trở về cung, dâng tù binh ở nhà Thái miếu”.
Đọc sử đến đoạn này, Vua Tự Đức thời Nguyễn có hạ bút son phê rằng: “Với oai quyền và danh tiếng của Lê Thái Tổ, cần gì phải diễu võ dương uy với đám giặc cỏ, tép nhẹp khoe khoang như vậy?”. Có lẽ, vị vua đời sau gần như ít khi ra khỏi kinh thành này không hiểu được việc cấp bách phải xuất quân dẹp loạn của một đất nước mới yên bóng giặc có mấy năm.
Đến mùa đông năm 1432, châu Phục Lễ lại nổi loại, Lê Thái Tổ cất quân đi đánh. Tết Quý Sửu (1433), vua không ăn Tết ở kinh sư. Chiến dịch kéo dài sang đến tháng Giêng, sử mới viết “Vua thân đi đánh châu Phục Lễ, đem quân về”. Nhà vua vẫn còn có những hoạt động dày đặc, tháng 8 năm đó, vua còn về Lam Kinh, nhưng đến tháng 8 nhuận, ngày 22, vua băng hà khi mới 48 tuổi, để lại một sự nghiệp rực rỡ của một vị vua suốt đời hoạt động, đánh dẹp liên miên, kể cả khi đã ở ngôi vua vẫn bỏ cả việc đón xuân, ăn Tết vì đại cuộc của đất nước.
Lê Tiên Long