Hệ lụy từ việc “rút ruột” dòng Lam
Ngày 21/5/2025, UBND huyện Thanh Chương (Nghệ An) ban hành Quyết định số 1938/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Khai thác cát sạn và vận tải Thanh Chương, trụ sở tại thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương với số tiền 249 triệu đồng; hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động trong thời gian 2 tháng vì đã có nhiều sai phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ANTT trên địa bàn.
Nhân dân lập lán trại, căng băng rôn để giám sát hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông Lam.
Theo đó, Công ty CP Khai thác cát sạn và vận tải Thanh Chương được UBND tỉnh Nghệ An cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 2905/GP-UBND ngày 10/7/2018, vị trí khai thác trên bãi bồi sông Lam đoạn qua xã xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương với tổng diện tích 13,4ha. Quá trình khai thác, doanh nghiệp này đã thực hiện 5 hành vi vi phạm hành chính, trong đó khai thác cát trên sông không đúng phương án thực hiện được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận gây sạt, lở bãi sông; hệ lụy là làm sạt lở diện tích 1.117m2 nằm ngoài phạm vi khu vực mỏ.
Quá trình khai thác, doanh nghiệp này đã cắm mốc nhưng không đúng quy cách theo quy định, có những vị trí đã cắm mốc các điểm khép góc khu vực được phép khai thác nhưng để mất mốc. Cùng với đó, khai thác không đúng với trình tự khai thác được phê duyệt tại thiết kế cơ sở mỏ và thiết kế khai thác. Doanh nghiệp này lập các sổ sách, chứng từ có liên quan để xác định sản lượng khai thác thực tế hàng năm không chính xác. Trong quá trình hoạt động kinh doanh, Công ty CP Khai thác cát sạn và vận tải Thanh Chương không thống kê, tổng hợp hoạt động mua bán lẻ.
Trước đó, trong các ngày 28/3 đến 31/3, hàng trăm người dân xã Đồng Văn đã kéo ra bờ sông Lam, đoạn chảy qua địa bàn xã để phản đối hoạt động khai thác cát của Công ty CP Khai thác cát sạn và vận tải Thanh Chương. Cho rằng, việc khai thác cát của doanh nghiệp này không đúng ranh giới khiến bờ sông bị sạt lở, đất sản xuất bị cuốn trôi, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Mặc dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền, nhưng việc khai thác vẫn cứ diễn ra nên người dân đã mang phông bạt ra dựng lán trại, căng băng rôn, loa, trống ra khu vực doanh nghiệp khai thác cát để phản đối. Trước thực trạng này, UBND huyện Thanh Chương đã yêu cầu doanh nghiệp khai thác mỏ cát tại xã Đồng Văn tạm dừng khai thác để kiểm tra thực địa, làm rõ những phản ánh của người dân.
Qua kiểm tra thực địa, UBND xã Đồng Văn xác định khu vực doanh nghiệp đang khai thác có hơn 1.000m2 nằm ngoài ranh giới mỏ được cấp phép. Ngày 4/4/2025, công ty có đơn đề nghị “trả lại một phần diện tích khu vực khai thác khoáng sản”, với diện tích 2,65ha do vị trí này nằm gần đất sản xuất nông nghiệp của người dân nên để đảm bảo trong an toàn sản xuất nông nghiệp. Được biết, vào năm 2022, Công ty CP Khai thác cát sạn và vận tải Thanh Chương đã bị UBND tỉnh Nghệ An xử phạt 900 triệu đồng do khai thác vượt công suất cho phép khai thác hàng năm. Cụ thể, năm 2020 vượt 211,2% và năm 2021 vượt 208,6% công suất được phép khai thác. Ngoài phạt tiền, UBND tỉnh Nghệ An cũng đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản thời gian 5,5 tháng đối với công ty này.
Chấn chỉnh hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông
Ông Nguyễn Quốc Chương, Chủ tịch UBND xã Đồng Văn cho biết thêm, vấn nạn sạt lở bãi bồi sông Lam, xã Đồng Văn khiến người dân tụ tập dựng lán, giăng cờ, thúc trống để ngăn cản hoạt động khai thác cát bắt đầu diễn ra dịp cuối tháng 3/2025. Bất luận ngay sau đó chính quyền và sở ngành các cấp đã quyết liệt vào cuộc song người dân xã Đồng Văn vẫn chưa hết nỗi lo. Từ đó đến nay, nhân dân vẫn cắt cử người luân phiên có mặt để giám sát các hoạt động trên bãi bồi, hễ có dấu hiệu khai thác cát trở lại là thúc trống để báo động. Tình trạng này cũng đã diễn ra từ tháng 8/2023, khi người dân tụ tập đông người phản ứng vấn nạn khai thác cát sỏi có dấu hiệu vượt quá ranh giới, phạm vi cho phép, UBND xã Đồng Văn đã vào cuộc và đã có văn bản báo cáo cấp trên, nhưng do thiếu quyết liệt trong việc xử lý dẫn đến doanh nghiệp nhờn luật, tiếp tục vi phạm.
Được biết, vùng bãi ven sông Lam trải dài các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn... có diện tích lên đến hàng ngàn héc ta, phù hợp sản xuất nhiều loại cây trồng, đặc biệt thuận lợi phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Mặc dù vậy, vùng đất màu mỡ này hiện có nguy cơ dần bị xóa sổ khi tình trạng sạt lở đất ven sông Lam diễn biến phức tạp những năm qua. Đơn cử, tại xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên là địa phương có tình trạng sạt lở bờ sông Lam nặng nhất. Chính quyền địa phương cho biết, khu vực sạt lở có chiều dài gần 1km, vào sâu khoảng 30 m so với trước đây. Diện tích đất bãi bồi đã bị mất hàng chục héc ta trong 5 năm qua. Theo người dân và chính quyền các xã cho biết, việc bờ sông bị sạt lở liên tục ngoài nguyên nhân như mưa lũ, dòng chảy biến động thì còn do tác động của việc các tàu khai thác cát ở lòng sông Lam.
Năm 2021, tại vùng bãi Do Nha, xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên vì tình trạng cát tặc trên sông Lam gây sạt lở bờ bãi, người dân đã phải viết đơn kêu cứu gửi đến các cơ quan chức năng của tỉnh. Cũng thời điểm này, bãi bồi sông Lam đoạn qua xã Vĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, trước tình trạng khai thác cát dẫn đến sạt lở bãi bồi, vùng sản xuất khiến người dân rất bức xúc. Vì vậy, UBND xã Vĩnh Sơn đành phải trích ngân sách, hợp đồng với 1 tổ 3 người dân thường trực giám sát hoạt động khai thác cát. Ở huyện Thanh Chương, không chỉ riêng xã Đồng Văn mới có tình trạng khai thác cát gây nên tình trạng sạt lở. Tại các xã Thanh Tiên, Đại Đồng cũng đã từng có nhiều vụ việc khai thác trái phép cát, sỏi trên sông Lam gây hệ lụy, dẫn đến việc người dân bức xúc, nhiều năm liền có đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Trong các cuộc tiếp xúc cử tri hằng năm, người dân tại các huyện Anh Sơn, Tân Kỳ cũng rất bức xúc, lo lắng phản ánh tình trạng khai thác cát, sỏi trên các lòng sông của các doanh nghiệp đã gây ra không ít hệ lụy cho đời sống dân sinh. Mặc dù cơ quan chức năng đã vào cuộc, xử phạt và đình chỉ hoạt động nhiều doanh nghiệp song do lợi nhuận từ hoạt động khai thác khoáng sản này quá lớn, trong khi việc kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm chỉ như “bắt cóc bỏ dĩa” nên doanh nghiệp vẫn bất chấp, cố tình sai phạm để hưởng lợi. Đơn cử, trên địa bàn huyện Tân Kỳ, trong số 16 doanh nghiệp khai thác cát, sỏi được cấp phép, qua kiểm tra thì có tới 14 doanh nghiệp vi phạm. Các hành vi chủ yếu là chiếm đất nông nghiệp làm bãi tập kết, chưa thực hiện thủ tục đăng ký đất đai lần đầu đối với khu vực mỏ khai thác, vi phạm về vệ sinh an toàn lao động, vi phạm quy định trong lĩnh vực bến thủy nội địa... Trong năm 2024, UBND huyện Tân Kỳ đã ban hành 44 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 14 doanh nghiệp với tổng số tiền phạt hơn 1 tỷ đồng.
Trước thực trạng sai phạm ngày càng lớn của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản dưới lòng sông trên địa bàn, ngày 18/4/2025, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 1098/QĐ-UBND thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khoáng sản của các doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác cát, sỏi trên địa bàn. Theo đó, 53 doanh nghiệp khai thác cát, sỏi đứng chân trên địa bàn các huyện Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương, Hưng Nguyên, Nam Đàn và thị xã Thái Hòa sẽ được đoàn liên ngành kiểm tra. Các mỏ khoáng sản này chủ yếu nằm dọc trên hai con sông lớn nhất xứ Nghệ là sông Lam và sông Hiếu. Đoàn liên ngành sẽ kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản, đất đai, môi trường, thiết kế mỏ, an toàn lao động, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, thực hiện nghĩa vụ tài chính, thuế và pháp luật khác có liên quan của các doanh nghiệp thuộc đối tượng kiểm tra; niên độ kiểm tra từ ngày 1/1/2020 đến nay.
Thiên Thảo