Nghệ An có thêm ba di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Nghệ An có thêm ba di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
4 giờ trướcBài gốc
Hội thi đánh trống tế Yên Thành. (Ảnh: AN NAM)
Ngày 27/6/2025, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký các Quyết định số 2190/QĐ-BVHTTDL, 2191/QĐ-BVHTTDL và 2192/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo các quyết định trên, về tiếng nói chữ viết “Chữ Thái ở Nghệ An, thị xã Thái Hòa, huyện Nghĩa Đàn, huyện Quỳ Hợp, huyện Quỳ Châu, huyện Quế Phong, huyện Tân Kỳ, huyện Anh Sơn, huyện Con Cuông, huyện Tương Dương, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An"; Tập quán xã hội và tín ngưỡng “Lễ đón tiếng Sấm của người Ơ Đu xã Nga My, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An”; Nghệ thuật trình diễn dân gian "Nghệ thuật Trống tế Yên Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An"... được đưa vào Danh mục .
Dạy chữ Thái cho đồng bào.
Trước đó, vào ngày 3/6/2025, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ký Quyết định số 1657/QĐ-BVHTTDL đưa Nghề dệt thổ cẩm của người Thái tại tỉnh Nghệ An vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình Nghề thủ công truyền thống.
Việc công nhận nghề dệt thổ cẩm của người Thái ở ; Chữ Thái ở Nghệ An; Lễ đón tiếng Sấm của người Ơ Đu ở xã Nga My, huyện Tương Dương; Nghệ thuật Trống tế Yên Thành... là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nhằm ghi nhận giá trị đặc biệt về mặt lịch sử, nhân văn và nghệ thuật, góp phần làm giàu kho tàng văn hóa truyền thống của xứ Nghệ, đồng thời khẳng định bản sắc văn hóa vùng miền trong bức tranh đa dạng của văn hóa Việt Nam.
Lễ đón tiếng Sấm của người Ơ Đu. (Ảnh: Đình Tuân)
Việc công nhận các di sản này cũng tạo điều kiện để bảo tồn, phát huy nghề thủ công gắn với phát triển du lịch, kinh tế-xã hội địa phương trong giai đoạn mới.
Với ba di sản mới được ghi danh, Nghệ An đã có tổng cộng 14 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó có dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 11/2014.
Cùng các di sản khác gồm: Nghề dệt thổ cẩm của người Thái; lễ hội đền Yên Lương; thập niên sự lệ của dòng họ Nguyễn Cảnh; lễ hội đền Cờn; lễ hội đền Quả; lễ hội đền Chín Gian; lễ hội đền Bạch Mã; lễ hội đền Thanh Liệt; lễ hội đền Ông Hoàng Mười; nghi lễ Xăng Khan của người Thái miền tây Nghệ An; lễ đón tiếng sấm của người Ơ Đu; nghệ thuật Trống tế Yên Thành và chữ Thái ở Nghệ An.
THÀNH CHÂU
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/nghe-an-co-them-ba-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-post891893.html