Nghệ An đẩy mạnh cho vay kinh tế tập thể

Nghệ An đẩy mạnh cho vay kinh tế tập thể
4 giờ trướcBài gốc
Toàn tỉnh Nghệ An có 925 hợp tác xã với 286.550 thành viên và 1 liên hiệp hợp tác xã với 8 thành viên. Trong đó, số hợp tác xã hoạt động hiệu quả chiếm 57% tổng số hợp tác xã đang hoạt động…Hiện có 46 hợp tác xã đã và đang vay vốn ngân hàng, trong đó có 39 hợp tác xã còn dư nợ, với tổng dư nợ là 124.196 triệu đồng. NHNN chi nhánh Nghệ An đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn cân đối nguồn vốn, tập trung tín dụng cho các tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Đặc biệt, tăng cường vốn cho các mô hình hợp tác xã kiểu mới làm ăn hiệu quả, phát triển các sản phẩm có thế mạnh, sản xuất theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao, có giá trị thương mại cao cũng được ưu tiên hỗ trợ vốn.
Các TCTD trên địa bàn cũng đã phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng; rà soát, cải tiến, đổi mới quy trình, thủ tục, điều kiện cấp tín dụng phù hợp với yêu cầu và thực tiễn hoạt động của hợp tác xã. Điều này, nhằm từng bước mở rộng và tăng cường hỗ trợ vốn, giúp các hợp tác xã dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Để có thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, các hợp tác xã cần khắc phục những hạn chế về quy mô, sức cạnh tranh và khả năng quản trị...
Tuy nhiên, như nhiều địa phương khác trong cả nước, việc tiếp cận các chính sách tín dụng của hợp tác xã ở Nghệ An vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do các hợp tác xã không có tài sản bảo đảm, chưa mạnh dạn xây dựng phương án mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều hợp tác xã còn thiếu minh bạch tài chính, quản trị yếu kém, hiệu quả sản xuất - kinh doanh chưa cao, trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã còn hạn chế. Một số hợp tác xã chưa sử dụng vốn vay hiệu quả, có trường hợp sử dụng sai mục đích, nợ quá hạn kéo dài, thậm chí còn có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đặc biệt, những vướng mắc liên quan đến pháp lý cũng khiến việc tiếp cận vốn tín dụng của các hợp tác xã gặp nhiều trở ngại.
Trong thời gian tới, để có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, các hợp tác xã cần khắc phục những hạn chế về quy mô, sức cạnh tranh và khả năng quản trị. Đồng thời, cần chú trọng nâng cao trình độ quản lý, xây dựng phương án sản xuất - kinh doanh khoa học, phù hợp với thực tiễn; cân đối nguồn vốn đầu tư theo năng lực tài chính của hợp tác xã. Việc tăng cường liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp để thực hiện các dự án cũng là giải pháp quan trọng nhằm đảm bảo nguồn lực vững chắc. Đặc biệt, trong quá trình hoạt động, các hợp tác xã cần có ý thức tích lũy tài sản để đáp ứng điều kiện vay vốn từ các TCTD, qua đó nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn, góp phần phát triển kinh tế tập thể bền vững.
Nghi Lộc
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/nghe-an-day-manh-cho-vay-kinh-te-tap-the-160806.html