Đền Chung Sơn trong quần thể Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên.
Về xứ Nghệ tháng 5
Bắt đầu từ cuối tháng 4, đầu tháng 5, du lịch Nghệ An đón hàng vạn lượt khách du lịch, tham quan. Trong số đó rất đông đoàn khách tham gia tuyến du lịch về nguồn, thăm quê Bác và nhiều điểm di tích lịch sử, cách mạng.
Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên (quê hương Bác Hồ) tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn là điểm đến đầu tiên của nhiều du khách khi đặt chân đến Nghệ An. Nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, con đường dẫn đến Làng Sen và Hoàng Trù rực rỡ cờ hoa, chào đón hàng triệu lượt khách tham quan. Chị Trương Ngọc Anh, Công ty Cổ phần AA Hospitality đánh giá: “Quê Bác không chỉ là địa chỉ đỏ để tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục truyền thống lịch sử, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước mà còn là điểm du lịch hấp dẫn với khách nội địa và người nước ngoài. Việc giữ gìn cảnh quan môi trường, bảo tồn nguyên vẹn những nếp nhà đơn sơ, đồ vật giản dị của gia đình Bác tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt của điểm đến”.
Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên rộng hơn 205ha với các điểm và cụm di tích cách nhau từ 2 đến 10km gồm: Cụm di tích Hoàng Trù (quê ngoại Bác Hồ); cụm di tích Làng Sen (quê nội Bác Hồ), khu mộ bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu của Bác, đền Chung Sơn (đền thờ gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh)... Giám đốc Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên Nguyễn Bảo Tuấn cho biết, hằng năm, khu di tích đón hàng triệu người từ mọi miền Tổ quốc và khách nước ngoài. Từ tháng 4, lượng khách đến thăm quê Bác rất đông, đặc biệt là vào các dịp nghỉ lễ, kỷ niệm ngày sinh của Bác. Năm nay, tại khu di tích diễn ra nhiều chương trình ý nghĩa với các triển lãm, cùng hệ thống các hiện vật và hoạt động tại khu di tích giúp người dân, du khách hiểu thêm về công lao, tình cảm của Người.
Nghệ An là vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời với trên 2.000 di tích lịch sử, danh thắng, đặc biệt có 4 di tích được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, gồm: Khu di tích lịch sử văn hóa Kim Liên, Khu lưu niệm Phan Bội Châu, Di tích cột mốc Km số 0 đường Hồ Chí Minh, Di tích đình Hoành Sơn. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An Trần Xuân Cường chia sẻ, du lịch về nguồn, khám phá các di tích lịch sử đang trở thành một trong những dòng sản phẩm du lịch thế mạnh của địa phương.
Hướng tới du lịch “4 mùa”
Lâu nay, du lịch Nghệ An được biết đến với nhiều bãi biển, hang động, thác nước đẹp như Cửa Lò, Bãi Lữ, Quỳnh Phương, Diễn Thành, Cửa Hiền, Hang Bua, Thẩm Ồm, thác Bảy Tầng, đỉnh Puxailaileng, đảo chè Thanh Chương... Gần đây, Nghệ An có thêm nhiều điểm vui chơi, lưu trú được đầu tư cao cấp, hiện đại như tổ hợp vui chơi giải trí VinWonders Cửa Hội; khu nghỉ dưỡng Đô Lương resort; Khu nghỉ dưỡng, vui chơi Mường Thanh Safari Diễn Lâm... Nghệ An được đánh giá giàu tài nguyên để trở thành điểm đến hấp dẫn của miền Trung.
Tuy nhiên, giống như nhiều tỉnh Bắc Trung Bộ, do đặc thù thời tiết, du lịch Nghệ An còn mang tính mùa vụ, chủ yếu là khách nội địa. Thời gian “vàng” khai thác du lịch từ cuối tháng 4 cho đến tháng 7, còn lại khá vắng khách, đặc biệt vào mùa đông. Phân tích thêm những điểm yếu của du lịch Nghệ An, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist Lê Thị Hòa cho rằng, rất nhiều tuyến du lịch văn hóa tâm linh, tìm hiểu di tích lịch sử chưa được khai thác chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực tại nhiều điểm du lịch, cơ sở lưu trú không ổn định, trình độ chưa cao; đầu tư hạ tầng còn thiếu dịch vụ cao cấp, chất lượng.
Bài toán đặt ra cho du lịch Nghệ An nhiều năm nay là làm sao thoát khỏi tính mùa vụ. Theo Chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Trương Quốc Hùng, ngoài phát triển du lịch biển, du lịch về nguồn, Nghệ An nên khai thác thêm tuyến du lịch ở phía Tây. “Tiềm năng du lịch của Tây Nghệ An rất lớn. Nơi đây thiên nhiên đẹp, khí hậu mát mẻ, có rất nhiều hang động, thác nước, suối nước nóng, đỉnh núi Puxailaileng... có thể xây dựng nhiều sản phẩm du lịch đặc thù như dưỡng bệnh, du lịch thể thao, mạo hiểm, nghiên cứu khoa học vào nhiều thời điểm trong năm” - ông Trương Quốc Hùng gợi ý.
Còn theo Giám đốc Vietsky Travel Đào Hồng Thương, để hút khách quốc tế, địa phương cần bổ sung đội ngũ hướng dẫn viên tiếng Anh tại các di tích; xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp - nông thôn và ẩm thực địa phương. Giám đốc Công ty lữ hành MTV Việt Nam Travel Đoàn Ngọc Tùng cho rằng, Nghệ An nên có chính sách ưu đãi về lưu trú vào mùa thấp điểm để hút khách MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo), khách đoàn là học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, Nghệ An cần đẩy mạnh khai thác cửa khẩu quốc tế, xây dựng sản phẩm du lịch xuyên biên giới với thị trường Lào.
Nghệ An đang nỗ lực phát triển du lịch “không mùa đông”, thu hút khách cả 4 mùa. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An Trần Thị Mỹ Hạnh cho biết, thời gian tới, Nghệ An sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch MICE, du lịch cộng đồng. Nghệ An đã có kế hoạch phát triển Cửa Lò thành điểm check-in hấp dẫn vào mùa đông; khai thác các lễ hội vào mùa xuân; phát triển tour đêm và không gian Ví Dặm để níu chân du khách khi về thăm quê Bác. Bên cạnh đó, Sở sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý tìm cách tháo gỡ, tạo điều kiện về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách nước ngoài; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...
Bài và ảnh: Hoàng Bình Phương