Dự kiến tuyển dụng thêm 43.000 lao động trong năm 2025
Theo UBND tỉnh Nghệ An, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 16.000 doanh nghiệp đang hoạt động, có nhu cầu tuyển dụng lao động mỗi năm lên đến khoảng 50.000 lao động. Bên cạnh lực lượng lao động phổ thông, nhu cầu lao động đã qua đào tạo và có chất lượng cao của thị trường lao động Nghệ An ngày càng lớn.
Trong năm 2024, tỉnh Nghệ An thu hút được 1,696 tỉ USD vốn FDI, tiếp tục lọt top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu về thu hút vốn FDI trên cả nước. Lũy tiến đến nay, trên địa bàn Nghệ An hiện có 165 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn hơn 5,5 tỷ USD, đứng thứ 22/63 tỉnh, thành cả nước.
Nghệ An có lợi thế về nguồn lao động dồi dào. Với dân số khoảng 3,4 triệu người (xếp thứ 4 cả nước), lực lượng lao động của tỉnh năm 2024 là hơn 1.620.000 người chiếm 47,5% trên tổng dân số. Lực lượng lao động bổ sung hằng năm tương đối lớn, trong khi đó số lao động đang thiếu việc làm của tỉnh Nghệ An còn nhiều. Đây là nguồn cung lao động cho nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để đáp ứng mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh.
Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động có nhu cầu ngày càng tăng.
Thực tế, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động có nhu cầu ngày càng tăng, nhưng công tác tuyển dụng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là những tháng đầu năm 2024, những tháng cuối năm công tác tuyển dụng lao động đã dần đi vào ổn định, tuy nhiên lao động có trình độ cao và kỹ năng về ngoại ngữ tiếng Trung vẫn còn thiếu; trong 9 tháng đầu năm, chỉ riêng các doanh nghiệp FDI trong khu kinh tế, các khu công nghiệp Nghệ An đã tuyển dụng được khoảng 22.000 lao động, song số lao động nghỉ việc chiếm đến 45% so với số lao động tuyển dụng mới, trong đó có đến 50% là lý do đi làm việc ở nước ngoài và các doanh nghiệp ngoại tỉnh, còn lại là lý do khác; trong 3 tháng cuối năm 2024 các doanh nghiệp FDI tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng thêm khoảng 12.000 lao động.
Trưởng phòng Lao động - Việc làm - An toàn lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nghệ An ông Trần Phi Hùng cho biết, những tháng đầu năm 2025, các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực về sản xuất điện tử, năng lượng tiếp tục hoàn thành đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động; do vậy nhu cầu tuyển dụng lao động trong khu kinh tế, các khu công nghiệp tiếp tục gia tăng; năm 2025 có nhu cầu tuyển dụng thêm khoảng 43.000 lao động. Giai đoạn 2025- 2029 nhu cầu tiếp tục gia tăng mạnh khi khối doanh nghiệp FDI có nhu cầu tuyển dụng khoảng 100.000 lao động, đặc biệt là lao động chất lượng cao là cán bộ quản lý cấp cao, cấp trung, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư công nghệ máy tính, kỹ sư bán dẫn, trí tuệ nhân tạo AI ... và có kỹ năng về ngoại ngữ tiếng Trung.
Đẩy mạnh kết nối cung – cầu
Hiện tại, lực lượng lao động của tỉnh Nghệ An từ 15 tuổi trở lên là 1.622.761 người, trong đó lao động ở Thành thị: 252.566 người, Nông thôn: 1.370.195 người; lao động Nam: 865.813 người, Nữ: 756.948 người. Trong đó, số lao động đang làm việc trong nền kinh tế là 1.593.665 người chiếm 98,2%. Cơ cấu lao động của tỉnh Nghệ An đang có sự chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng lao động trong các ngành công nghiệp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 69%, trong đó có văn bằng, chứng chỉ đạt 28,6%. Hàng năm giải quyết việc làm mới cho 45.000-50.000 người.
“Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít khó khăn - thách thức; mức độ cạnh tranh gay gắt, năng suất lao động, số lượng, chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn; mức thu nhập vẫn còn thấp hơn so với các địa phương trong khu vực, chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của người lao động. Đồng thời, hạ tầng xã hội, hạ tầng dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu cho các đối tượng là chuyên gia, lao động quản lý, lao động có trình độ cao ... . Do vậy khả năng thu hút, tạo việc làm tại chỗ vẫn còn thấp; xu thế dịch chuyển, tình trạng di cư lao động vẫn tăng cao. Mặt khác, thị trường lao động vận hành chưa thật sự hiệu quả đang tạo nên nhiều áp lực đối với vấn đề thu hút lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn” ông Trần Phi Hùng nhấn mạnh.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An tổ chức ngày hội việc làm nhằm kết nối cung - cầu lao động.
Để chủ động nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn khu kinh tế, các khu công nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp FDI, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam đã chủ động ngay từ bây giờ các kế hoạch, chương trình để hỗ trợ doanh nghiệp kết nối cung- cầu lao động trên địa bàn. Cùng với đó, hướng dẫn các doanh nghiệp có thêm các biện pháp để cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao thu nhập cho công nhân, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp.
Cụ thể, lập kế hoạch phối hợp với các địa phương, các nhà đầu tư hạ tầng tổ chức các ngày hội việc làm theo từng vùng, từng địa bàn trong khu kinh tế. Luôn duy trì kênh kết nối với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh, UBND các huyện, thành, thị và khối các trường Đại học, cao đẳng, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên cập nhật, theo dõi, tổng hợp nhu cầu tuyển dụng lao động, tình hình sử dụng lao động, việc làm, tiền lương, tiền thưởng tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Làm cầu nối để kết nối các doanh nghiệp với các trường Đại học, cao đẳng và các cơ sở đào tạo nghề nhằm đẩy mạnh thực hiện đào tạo theo cơ chế đặt hàng, gắn trách nhiệm của doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực.
Xây dựng một hệ thống thông tin về thị trường lao động trong khu kinh tế, các khu công nghiệp nhằm kết nối cung cầu lao động. Đồng thời, quan tâm thực hiện chương trình an sinh xã hội và phúc lợi xã hội đối với lao động trong các khu công nghiệp, như vấn đề cung cấp dịch vụ nhà ở cho người lao động, tổ chức tốt hệ thống cung cấp các dịch vụ phúc lợi công cộng ở khu dân cư, nơi lao động khu công nghiệp sinh sống để người lao động an tâm làm việc ở tỉnh…
Nguyễn Ngân