Thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, ngành y tế Nghệ An đang gấp rút triển khai bệnh án điện tử (BAĐT) tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn.
Bệnh án điện tử là một trong những cấu phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi số ngành y tế, giúp chuẩn hóa dữ liệu khám chữa bệnh, tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin giữa các tuyến, giảm thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả điều trị.
Theo báo cáo của Sở Y tế Nghệ An, đến nay mới chỉ có 26 đơn vị đã được thẩm định và đủ điều kiện triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Tuy nhiên, vẫn còn hàng loạt bệnh viện, trung tâm y tế lớn kể cả công lập, tư nhân và thuộc bộ, ngành chưa hoàn tất triển khai. Trong đó có các bệnh viện tuyến tỉnh như: Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu... cũng nằm trong danh sách chậm tiến độ.
Trong văn bản vừa ban hành ngày 9/7, Sở Y tế yêu cầu tất cả các đơn vị chưa triển khai hồ sơ BAĐT phải hoàn tất trước ngày 31/8/2025. Đồng thời, chậm nhất trước ngày 15/7/2025, các đơn vị này phải gửi báo cáo bằng văn bản lên Giám đốc Sở, trong đó nêu rõ nguyên nhân chưa triển khai, thời gian hoàn thành dự kiến và cam kết chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng thực hiện.
Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh, các đơn vị cần nghiêm túc tuân thủ chỉ đạo, nếu gặp vướng mắc cần chủ động phản ánh về Văn phòng Sở để được tháo gỡ kịp thời.
Đối với các bệnh viện đã được công bố đủ điều kiện triển khai BAĐT nhưng vẫn chưa thực hiện, Sở Y tế yêu cầu khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để ký phụ lục hợp đồng với Bảo hiểm xã hội. Đồng thời, cần rà soát, nâng cấp hệ thống phần mềm để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo Thông tư 13/2025/TT-BYT và Công văn hướng dẫn của Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia.
Sở cũng nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo hệ thống BAĐT vận hành ổn định, an toàn, bảo mật thông tin và có khả năng liên thông dữ liệu theo quy định, tránh tình trạng "triển khai hình thức" hoặc không đảm bảo chất lượng kết nối.
Bệnh án điện tử là một trong những cấu phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi số ngành y tế, giúp chuẩn hóa dữ liệu khám chữa bệnh, tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin giữa các tuyến, giảm thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả điều trị.
"Việc chậm triển khai không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ chung của ngành mà còn làm giảm hiệu quả quản lý, chi phí y tế và dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Chuyển đổi số không còn là câu chuyện tương lai mà là yêu cầu bắt buộc hiện tại. Những đơn vị chậm thay đổi sẽ bị tụt lại phía sau" - một chuyên gia y tế chia sẻ.
Từ Thành - V. Đồng