Nghề báo thời công nghệ số

Nghề báo thời công nghệ số
8 giờ trướcBài gốc
Một thời khó quên
Thời còn sinh viên ngành sư phạm, khoảng 25 năm trước, mạng internet, máy móc thiết bị, điện thoại di động chưa phát triển, nhất là điều kiện kinh tế chưa cho phép tôi làm quen nhiều với máy vi tính - công nghệ thông tin. Cùng với đó, trong chương trình học cũng như sau này ra trường công tác ở một số đơn vị vẫn rất ít sử dụng máy vi tính. Chỉ khi chuyển đến cơ quan Báo Bình Phước công tác từ năm 2012, lúc đó tôi mới dùng nhiều tới máy tính, mạng internet để viết, gửi tin, bài.
Cơ quan Báo Bình Phước khi ấy có 4 phòng nội dung, mỗi phòng từ 5-7 người, gồm trưởng, phó phòng và các phóng viên. Mỗi phòng nội dung chỉ có 1 máy tính để bàn dùng chung nên phóng viên muốn chủ động thì phải tự trang bị máy tính xách tay riêng, hoặc người nào đã ký hợp đồng chính thức được cơ quan hỗ trợ kinh phí mua máy nhưng số lượng này không nhiều.
Cũng giống như ngày nay, tin, bài, phóng sự phóng viên gửi về đều thực hiện qua các bước biên tập, duyệt, tuy nhiên, không thuận lợi như bây giờ. Đối với tin tức, sự kiện diễn ra hằng ngày, do phải lên trang ngay vào chiều tối nên phần lớn phóng viên sau khi hoàn thành nội dung có thể chuyển thẳng lên email tòa soạn, còn đối với bài viết thì khác. Tùy theo quản lý phòng ấn định trực các ngày trong tuần để biên tập bước 1 bài viết của phóng viên, thông thường là những ngày đầu tuần. Sau khi hoàn thành bài viết, phóng viên lên phòng in ra và để lên bàn cho trưởng phòng biên tập bước 1. Biên tập xong, phóng viên tiếp tục lên sửa lại đúng với bản đã biên tập rồi in ra để trưởng phòng ký “đã biên tập bước 1”, sau đó gửi lên Phó Tổng biên tập phụ trách nội dung biên tập bước 2. Nếu bài viết chất lượng, đảm bảo yêu cầu, không phải chỉnh sửa, cắt gọt nhiều thì được Ban Biên tập chuyển sang Thư ký tòa soạn xếp trang, ghi ngày đăng phát. Nếu không thì phóng viên phải trực tiếp lên sửa, in lại một lần nữa, lúc này gửi cả bản gốc và bản sửa cho Thư ký tòa soạn. Đó là những bài được cho đăng phát, còn nếu nội dung không đạt thì phải bỏ. Mới chỉ là bước 1, bước 2 đã tốn nhiều giấy, mực, công sức, sau đó đến bộ phận biên tập viên tòa soạn, sửa morat và Phó Tổng biên tập, Tổng Biên tập duyệt trước khi in, phát hành còn tốn nhiều giấy, mực hơn nữa.
Cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Bình Phước cùng nguyên lãnh đạo tỉnh thăm và chụp hình lưu niệm tại Vùng Cảnh sát biển 3 năm 2015
Những năm trước, số lượng phóng viên, cộng tác viên, không nhiều như bây giờ; mặt khác, công nghệ thông tin, internet, mạng xã hội và các nền tảng số chưa phát triển mạnh nên số lượng tin, bài gửi về tòa soạn khiêm tốn. Đặc biệt, từ khi báo in Bình Phước chuyển từ 3 kỳ lên 5 kỳ/tuần, tòa soạn luôn trong tình trạng “đói” nên Ban Biên tập liên tục thúc giục phóng viên viết bài. Tuy nhiên, không vì thế bài nào gửi lên cũng được đăng phát mà phải đảm bảo chất lượng, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích.
Viết báo thời hội tụ
Ngày 28-10-2019, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) chính thức đi vào hoạt động trên cơ sở hợp nhất Báo Bình Phước và Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước. Từ việc chỉ quen làm báo in, báo điện tử thì từ đây phóng viên, biên tập viên phải làm cả 4 loại hình báo chí. Đây là thách thức không nhỏ đối với tôi và nhiều đồng nghiệp, bởi cái gì mới cũng đều khó, đặc biệt đối với những người làm báo “tay ngang”.
Với báo in, báo điện tử, do đã nhiều năm kinh nghiệm nên có phần thuận lợi hơn; còn với báo hình, báo nói, do chưa từng làm nên thời gian đầu với tôi vô cùng khó khăn, thử thách, nhất là thực hiện phóng sự, phải mất thời gian dài vừa làm vừa trải nghiệm, học hỏi thì mới dần quen.
Các tác giả nhận giải A Giải báo chí tỉnh Bình Phước năm 2023
Những năm gần đây, BPTV triển khai mô hình tòa soạn hội tụ. Thời gian đầu do phải thực hiện nhiều công đoạn, phù hợp với mỗi phòng, mỗi chương trình, chuyên mục và điều quan trọng là phục vụ cho cả 4 loại hình báo chí nên cần có thời gian. Và qua nhiều lần góp ý, chỉnh sửa, đơn vị tư vấn đã dần hoàn thiện, đưa hệ thống vào hoạt động ổn định, đảm bảo đúng mục tiêu BPTV đã đề ra.
Hệ thống công nghệ thông tin, mạng xã hội phát triển, công việc của người làm báo hiện nay thuận lợi hơn rất nhiều. Nếu trước đây, người làm báo mất nhiều công sức đi thực địa, tìm kiếm tài liệu từ thư viện, sách báo cũ thì ngày nay, với sự hỗ trợ của công nghệ, internet, mạng xã hội và các nền tảng số, người làm báo có thể tra cứu được nhiều thông tin, nguồn tư liệu khác nhau. Đặc biệt, thông qua nhóm Zalo khu phố, thôn, ấp, Facebook, mạng xã hội…, người làm báo có thể nắm được thông tin diễn ra hằng ngày, hằng giờ không chỉ trong tỉnh, trong nước mà khắp nơi trên thế giới. Tất nhiên, từ dữ liệu quý giá thu thập được, nhà báo phải đi cơ sở để lấy thông tin, hình ảnh chính xác từ thực tế thì chất lượng tác phẩm báo chí mới đảm bảo.
Từ một phóng viên chỉ thực hiện 2 loại hình báo in, báo điện tử, giờ đây tác giả và các đồng nghiệp tại BPTV đã làm thông thạo 4 loại hình báo chí
Đối với người làm báo tại BPTV, những ngày đầu hợp nhất phải thực hiện 4 loại hình báo chí; ai cũng áp lực, phải đổi mới tư duy, đổi mới cách làm để thích ứng với tòa soạn hội tụ, báo chí đa phương tiện. Thế nhưng nhờ sự đổi mới, áp lực đó nên đến nay đã thu được “quả ngọt”, đó là mỗi phóng viên, biên tập viên không chỉ làm được báo in, báo điện tử mà nay còn làm được báo hình, báo nói và ngược lại. Và từ sự phát triển của công nghệ số, các sản phẩm của BPTV còn được đăng tải trên rất nhiều nền tảng, hạ tầng số, được đông đảo công chúng đón nhận. Đặc biệt mô hình tòa soạn hội tụ đã giúp giảm nhiều công sức, chi phí và là cách để quản lý chặt chẽ, hiệu quả hoạt động báo chí thời đại công nghệ số.
Hữu Phước
Nguồn Bình Phước : https://baobinhphuoc.com.vn/news/548/163777/nghe-bao-thoi-cong-nghe-so