Nghề chăm đào bán Tết trên đất Tây Nguyên

Nghề chăm đào bán Tết trên đất Tây Nguyên
7 giờ trướcBài gốc
Càng đến gần Tết Nguyên Đán, hai vợ chồng bà Nguyễn Thị Thỏa và ông Lê Văn Nghiêm tại phường Yên Thế, TP Pleiku (tỉnh Gia Lai) lại tất bật chăm vườn đào của gia đình. Tuy mới vào nghề được hơn 4 năm, nhưng dưới sự tìm tòi học hỏi của ông Nghiêm, vườn đào hơn 400 gốc của gia đình luôn nở hoa đúng thời điểm và đậm sắc màu hơn những loại hoa nơi khác đến.
Ông Nghiêm kiểm tra cây đào được khách lựa chọn từ đầu năm dương lịch 2025.
Theo ông Nghiêm, cây đào trồng trên đất đỏ ở đất Tây Nguyên vừa đủ nắng, đủ dinh dưỡng nên sắc hóa rất đậm và thường được khách hàng yêu đào đặt trước.
Chia sẻ đến với nghề chăm hoa đào bán Tết, bà Nguyễn Thị Thỏa cho biết, "Gia đình có hơn 1ha đất sản xuất nông nghiệp ở xã Bàu Cạn huyện Chư Prông, nhưng phải nhường lại cho dự án điện gió. Do làm nghề nông đã quen, nên gia đình quyêt định tận dụng hơn 2 sào đất ở nhà ở TP Pleiku để trồng đào. Từ 4 năm trước, tôi đã đặt người họ hàng ở Hải Dương chọn giúp khoảng 100 cây giống đào Bắc về trồng thử nghiệm. Thấy đào phát triển tốt, hoa nhiều nên năm sau gia đình cũng mạnh dạn tiếp tục đầu tư.”
Dưới bàn tay chăm sóc, cây đào hội đủ hoa, quả và lộc non.
Hiện nay vườn đào hơn 400 gốc của gia đình bà Thỏa đã có có người đến đặt mua hơn 100 gốc. Ngoài ra, gia đình còn chăm sóc thuê hơn 60 gốc đào được người dân ở TP Pleiku gửi.
Theo bà Thỏa, Tết Nguyên Đán năm 2025 gia đình có thể thu được hơn 200 triệu đồng từ nghề trồng hoa và chăm hoa hộ. Trong đó, lợi thế của nhà vườn là nhiều gốc to đã được chăm sóc nhiều năm. Bên cạnh đó, các loại đào phai và bích đào được được tuyển chọn từ nhiều nơi, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chơi hoa của khách.
Gia đình bà Thỏa tích cực chăm sóc hoa đào chuẩn bị cho mùa hoa Tết.
Nhiều người chơi hoa nhận định điều kiện khí hậu tại Gia Lai ổn định quanh năm, không như ở miền Bắc, thường quá lạnh thời điểm giáp Tết. Vì thế, đào trồng nơi phố núi khá thuận lợi, sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, sắc hoa thắm hồng.
Ông Nghiêm cho hay, ông chăm đào theo kinh nghiệm dân gian từ tháng 4, tháng 5 sẽ tỉa bớt các cành nhánh xấu ở dưới gốc để nuôi cành trên, tháng 7, tháng 8 tiếp tục cắt những cành cao quá bấm tỉa bớt cho đều tán.
Từ cuối tháng 11 thì tuốt hết lá để cho cây ra hoa và lộc non. Đồng thời phải kích thích mầm hoa bằng cách dùng dao khoanh vài vòng xung quanh cành đào, thân đào. Đây là một trong những kinh nghiệm đã có từ xa xưa người chơi đã áp dụng để đến dịp gần tết Đào sẽ ra lộc non và nụ hoa.
Hiện Tây Nguyên đã ghi nhận người dân đã hình thành nghề trồng đào chơi Tết thành công ở nhiều địa phương. Trong đó thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk coi hoa đào như một sản phẩm đặc trưng của địa phương và tìm cách xuất khẩu đi thế giới.
Nghề chăm đào Tết ở Tây Nguyên.
“Chơi hoa đào - một thú chơi tuy bình dị nhưng cũng rất cầu kỳ. Nhiều người còn thích cây đào nó phải hội đủ yếu tố, hoa, quả và lộc lá. Người thích đào thế, người thích đào cây, người chơi đào cành. Người Việt Nam quan niệm màu đỏ thắm của hoa đào tượng trưng và dự báo một năm mới tươi sáng, ấm áp và mang tới nhiều sức khỏe, thành công, hạnh phúc trong năm mới”, ông Nghiêm cho biết thêm./.
Phương Đông - Mai Trung
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/nghe-cham-dao-ban-tet-tren-dat-tay-nguyen.html