Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà khoa học thần kinh Sascha Frühholz của Đại học Zurich (Thụy Sĩ) đã thử nghiệm các tác động lên não bộ và tâm lý con người từ những chiếc "còi báo tử" nổi tiếng của nền văn minh Aztec.
Aztec là một nền văn minh cổ đại, phát triển mạnh mẽ ở miền Trung Mexico từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVI.
Từ một bộ tộc nhỏ bé, người Aztec đã tiến hành các cuộc chinh phạt rồi xây dựng cả một đế chế hùng mạnh với các thành phố tráng lệ và một nền văn hóa phong phú riêng biệt.
Trong các hiện vật được tìm thấy từ các thành phố cổ Aztec, những chiếc "còi báo tử" gây chú ý bởi hình dạng đầu lâu đáng sợ cũng như âm thanh gây rùng mình mà chúng phát ra.
Ba chiếc "còi báo tử" Aztec trong bộ sưu tập của Bảo tàng Dân tộc học Berlin - Đức - Ảnh: BẢO TÀNG DÂN TỘC HỌC BERLIN
Nhiều phiên bản của những chiếc "còi báo tử" Aztec đã được tìm thấy trong các ngôi mộ Aztec có niên đại từ năm 1250 đến 1521. Chúng nằm trong tay những nạn nhân bị hiến tê.
TS Frühholz cho rằng chiếc còi có thể được thiết kế để trở thành vật tượng trưng cho Ehecatl - thần gió của người Aztec.
Nhóm tác giả đã tuyển dụng 70 tình nguyện viên để đánh giá xem tiếng "còi báo tử" Aztec có thực sự đáng sợ như truyền thuyết.
Các tình nguyện viên được nghe một số âm thanh ngẫu nhiên, bao gồm cả âm thanh do tiếng còi Aztec tạo ra.
Hài cốt một nạn nhân bị hiến tế với chiếc "còi báo tử" trong tay - Ảnh: INAH Mexico
Họ không biết trước nguồn gốc của tiếng còi đó nhưng tất cả đều cảm thấy cực kỳ khó chịu và sợ hãi khi tiếng huýt đặc trưng này cất lên. Một thứ âm thanh được mô tả là rùng rợn và không thể phân biệt được là âm thanh tự nhiên hay nhân tạo.
32 người trong số các tình nguyện viên được kiểm tra thêm thông qua việc quét não bằng fMRI.
Kết quả cho thấy não của họ cũng thực sự đang bối rối, không thể phân loại âm thanh từ tiếng "còi báo tử" như các loại âm thanh khác.
Các tác giả giải thích rằng cơ chế tự nhiên cho phép não chúng ta phân loại đầu vào tất cả các âm thanh nhận được, trước khi gán cho chúng một giá trị nào đó, ví dụ như thích hay ghét.
Tuy nhiên, tiếng còi chết chóc của người Aztec tạo ra một cái gì đó pha trộn kỳ lạ giữa âm thanh tự nhiên và nhân tạo.
"Khi một thứ gì đó không nằm trong một phạm trù rõ ràng, sự mơ hồ khiến chúng ta có cảm giác khó chịu" - TS Frühholz giải thích.
Đầu tiên, tiếng còi kích thích vùng vỏ não thính giác cấp thấp ở thùy thái dương, nơi chịu trách nhiệm cho các âm thanh khó chịu như tiếng la hét, tiếng trẻ con khóc... Kích thích này chỉ đạo các vùng não khác tiếp tục phân tích sâu hơn.
Tiếng còi rùng rợn này còn kích thích cả vỏ não trán dưới - nơi xử lý quá trình phân loại âm thanh phức tạp - lẫn vỏ não trán giữa, vùng liên quan đến quá trình liên tưởng.
Sự kích hoạt "lung tung" này dẫn đến một loạt quy trình phức tạp nhằm đối chiếu, so sánh, phân loại, cuối cùng đưa nó vào một nhóm riêng.
Bộ não cho rằng nó vừa giống như tiếng còi báo động hay tiếng súng, vừa gần giống âm thanh của con người thể hiện sự sợ hãi, đau đớn, tức giận và buồn bã.
Nhìn chung, nó đem lại cho não chúng ta một mớ hỗn độn đầy những tín hiệu tiêu cực.
Bài công bố nghiên cứu trên tạp chí Communications Psychology cũng lưu ý rằng bản chất của tiếng còi này cho thấy nó là thứ để phục vụ các nghi lễ cần gây ra cảm giác sợ hãi cho người tham gia hơn là trấn áp kẻ địch trong các trận chiến.
Anh Thư