Đến hẹn lại lên, những ngày này “thủ phủ” hoa cúc ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) lại tấp nập xe tải ra vào để vận chuyển hoa đi các địa phương trong và ngoài tỉnh phục vụ trường Tết.
Thương lái khắp nơi đổ xô về làng hoa lấy hàng cũng đã tạo ra việc làm cho nhiều lao động địa phương các vùng lận cận trong lúc nhàn rỗi.
Nhiều lao động nhàn rỗi chọn nghề bốc vác hoa cúc để mưu sinh những ngày cuối năm.
Ông Nguyễn Tấn Tài, nhà vườn trồng hoa cúc ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) cho biết, bắt đầu từ khoảng ngày 16/12 Âm lịch đến ngày 25/12 Âm lịch là thời điểm nhu cầu lao động phục vụ cho việc vận chuyển, bốc vác hoa… tăng cao. Mỗi năm, đến thời điểm này, các lao động nhàn rỗi ở địa phương tập trung lại thành từng nhóm khoảng 6 - 8 người để đi bốc vác hoa kiếm thêm thu nhập.
“Tùy thuộc vào quãng đường gần hay xa, chậu lớn hay chậu nhỏ mà chi phí vận chuyển khác nhau. Thường thì chi phí đưa một chậu hoa từ vườn lên xe, chủ vườn hoặc thương lái phải trả tiền công từ 8 nghìn - 20 nghìn đồng/chậu”, ông Tài cho hay.
Công việc này đòi hỏi phải có sức khỏe và chịu khó.
Để kiếm thêm thu nhập trang trải trong dịp Tết, mấy ngày nay, ông Vinh (47 tuổi) ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) cùng các “đồng nghiệp” trong đội bốc vác bám trụ tại các vườn hoa cúc để mưu sinh.
Ông Vinh bộc bạch, đây là nghề không hề dễ dàng, để vác được những chậu hoa hơn cả chục kg trên vai đòi hỏi người vác phải có sức khỏe thật tốt và chịu khó. Nhiều còn ví von vui nghề này là nghề “cõng” hoa. Nặng nhọc, vất vả, nhưng cái nghề này lại có “tiền tươi” nên ông cũng thấy vui.
Nhờ nghề này mà các lao động nhàn rỗi có thêm thu nhập trang trải trong dịp Tết.
Đã gần 11h trưa, nhưng anh Nguyễn Thành Nam ở xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) vẫn tất vận với công việc vận chuyển hoa cúc lên xe tải.
Vừa kéo vội chiếc nón tai bèo đang đội để lau những giọt mồ hôi đầm đìa đang lăn dài từ trên trán xuống cằm, anh Nam chia sẻ, mỗi năm công việc này chỉ diễn ra trong khoảng 10 ngày. Chính vì thế, tôi cùng mấy anh em trong đội bốc vác phải tranh thủ để kiếm thêm thu nhập, thậm chí "tăng ca" cả vào ban đêm. Nói xong, anh Nam liền múc vội cốc nước uống giải khát, rồi lại bước vội ra vườn hoa để cùng “cõng” hoa với anh em trong đội.
Nhiều lao động ở các huyện miền núi trong tỉnh cũng tranh thủ "xuống núi" để mưu sinh ở làng hoa.
Mấy anh em trong đội “cõng” hoa của anh Nam cũng chia sẻ, thấy nghề này có vẻ đơn giản, nghĩ ai có sức khỏe tốt là làm được, nhưng hoàn toàn không phải thế. Bởi lẽ, ngoài sức khỏe tốt còn đòi hỏi sự dẻo dai và bền bỉ để không nản lòng mà duy trì công việc.
“Cả năm chỉ làm có mấy ngày thôi, công việc cũng dễ kiếm tiền. Bình quân mỗi ngày các thành viên trong đội bỏ túi khoảng 500 - 600 nghìn đồng, có ngày kiếm được bạc triệu, nhưng lấy được đồng tiền cũng “chảy máu mắt”. Chậu cúc nhỏ thì còn đỡ vất, chứ loại chậu lớn vài ba chục ký, thậm chí cả trăm kg đưa được lên xe cũng ê mình. Ngoài ra, để những chậu hoa vận chuyển không bị vỡ, gãy, rụng hoa thì khâu sắp xếp chậu trên xe cũng phải cẩn thận”, ông Bình ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) vừa thở dốc vừa nói.
Phải hợp sức nhiều người mới vận chuyển được những chậu hoa có đường kính lớn từ vườn lên xe.
Xe tải nối đuôi nhau vận chuyển hoa cúc đưa đi khắp nơi phục vụ thị trường Tết.
Mặc dù công việc rất vất vả, nhưng những người làm nghề “cõng” hoa ở “thủ phủ” hoa cúc vẫn râm ran những câu trêu đùa, cười nói vui vẻ như để quên đi mệt nhọc. Họ đang nỗ lực làm việc để kiếm tiền lo cho gia đình có cái Tết đầm ấm, đủ đầy hơn.
Bài, ảnh: LINH ĐAN