Tuy nhiên, việc kết hoa đòi hỏi người thợ phải khéo léo, tỉ mỉ, phải phác thảo trong đầu bố cục, hình khối bình hoa để đảm bảo tính thẩm mỹ, tính nghệ thuật cao, khoe được vẻ đẹp từng bông hoa lan hồ điệp.
Còn hơn 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán 2025, trên những tuyến phố lớn ở TP Vinh (Nghệ An), các gian hàng bán lan hồ điệp bắt đầu nhộn nhịp. Đây cũng là thời điểm những người thợ kết hoa lan tất bật làm nghề.
Là một thợ kết hoa lan có nhiều năm kinh nghiệm, anh Hoàng Thế Yên (37 tuổi, quê tỉnh Vĩnh Phúc) chia sẻ, công việc này đòi hỏi kỹ thuật cao, có con mắt thẩm mỹ. Để một chậu lan hoàn chỉnh, người thợ phải trải qua ba bước gồm vào chậu, vào xốp, lên cây.
Theo anh Hoàng Thế Yên, việc kết hoa lan hồ điệp đòi hỏi kỹ thuật cao, có con mắt thẩm mỹ.
Anh Yên chia sẻ, nghe thì đơn giản nhưng để kết được chậu hoa lan đẹp đòi hỏi người làm phải khéo léo, tỉ mỉ. Cắm hoa lan không đơn giản là lần lượt xếp từng bầu lan lên bình mà người thợ phải phác thảo trong đầu bố cục, hình khối bình hoa, để đảm bảo tính thẩm mỹ, tính nghệ thuật cao, khoe được vẻ đẹp từng bông hoa lan.
Theo các thợ cắm hoa lan lành nghề, để làm một tác phẩm lan hồ điệp đẹp phải dựa trên nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là hoa phải tươi, đẹp, các cánh đồng đều về kích thước, màu sắc.
Bên cạnh đó, người thợ cắm hoa lan đòi hỏi cao về tư duy nghệ thuật, sự sáng tạo, tỉ mỉ. Bởi mỗi sản phẩm lan như một tác phẩm nghệ thuật, mang đậm dấu ấn cá nhân nhưng vẫn phải hài hòa với sở thích, thị hiếu của khách hàng.
Thời điểm này, một số khách đã bắt đầu đi chọn cho mình những chậu hoa lan đẹp.
Vì là công việc không phải ai cũng làm được nên tiền công cho thợ cắm hoa lan cũng rất hấp dẫn. Họ thường được trả công theo mỗi cành hoa lan. Anh Yên bật mí, đối với mỗi cành hoa lan, anh được chủ vườn trả từ 15 đến 20 nghìn đồng.
Đối với những chậu cây có độ khó hơn thì tiền công cho mỗi cành lên đến 50 nghìn đồng. Trung bình mỗi ngày anh cắm khoảng 200 cành lan, tính ra thu nhập mỗi ngày khoảng 4 triệu đồng.
Anh Lê Đình Linh - chủ một cửa hàng bán hoa lan trên đường Lê Nin, TP Vinh chia sẻ, trước Tết khoảng 2,3 tháng chúng tôi đã liên hệ với các đội thợ cắm hoa lan ngoài Bắc để làm giá, đặt lịch làm việc.
Sau khi hai bên đã chốt được giá cả thì đến khoảng đầu tháng 12 âm lịch thợ sẽ bắt đầu về để cắm hoa. Vì để có chậu hoa đẹp ngoài yếu tố hoa thì việc người thợ lên những thế dáng đẹp sẽ làm cho chậu hoa có giá trị hơn.
Anh Phan Quốc Tiến chăm chú cắm chậu lan theo đơn đặt hàng của khách.
Còn với chị Phạm Thị Thủy, chủ cơ sở kinh doanh hoa lan lớn ở đường Lê Nin cho biết, năm nay 2 cơ sở của tôi nhập về xấp xỉ 20.000 cành lan các loại phục vụ thị trường. Do đó, tôi phải thuê 3 tốp thợ từ các vùng miền về kết lan.
Thợ kết lan trên chất liệu bình gốm, sứ chị thuê từ TP Hồ Chí Minh ra; còn kết bình lan tròn sẽ thuê từ miền Bắc; riêng kết lan trên gỗ lũa thì thuê người dân tộc Tày ở Thanh Hóa.
Theo chủ cửa hàng này, sở dĩ phải thuê nhiều đội thợ vì mỗi vùng có một phong cách riêng, tạo nên những tác phẩm mang dấu ấn cá nhân… “Kết lan bình đòi hỏi sự uyển chuyển, mềm mại, yêu kiều; kết lan gỗ lũa đòi hỏi dáng lan phải mang khí chất núi rừng. Thợ mỗi vùng có một phong cách riêng biệt”, chị Thủy chia sẻ.
Người phụ nữ này bật mí, tiền công thợ dao động từ 21.000-65.000 đồng/cành lan tùy vào từng sản phẩm. Trong các thợ đang làm việc tại cửa hàng hoa của chị Thủy, anh Phan Quốc Tiến (26 tuổi) được xem là người kết hoa có tay nghề cao. Dù ít tuổi nhưng anh có 7 năm làm nghề với nhiều kinh nghiệm.
Anh Tiến chia sẻ, hai năm nay cứ trước khoảng 1 tháng tết là anh lại bay từ TP Hồ Chí Minh ra Nghệ An để cắm hoa lan thuê. Công việc khá vất vả khi phải làm việc liên tục, có khi làm đến 2,3 giờ sáng nhưng kết hoa lan là nghề đem lại thu nhập cao so với nhiều nghề khác.
Trung bình mỗi ngày anh có thu nhập khoảng 5- 7 triệu đồng, ngày cao điểm nhất, nhiều đơn hàng nhất, làm việc cật lực nhất thì khoảng 10 triệu đồng.
Theo những người sành chơi lan thì giá trị của hoa lan không chỉ nằm ở những cành hoa rực rỡ sắc màu... mà chính ở sự kết hợp giữa hoa, gỗ, bình, các loại rêu, sự hài hòa, độc đáo mà người thợ tạo nên.
Theo quan niệm dân gian, lan hồ điệp tượng trưng cho sự phú quý, may mắn và thịnh vượng. Lan hồ điệp được nhiều người yêu thích và lựa chọn để trang trí, làm quà tặng trong các dịp đặc biệt như lễ, Tết…
Chính sự đắt đỏ, giá trị của loại hoa này mà thu nhập của những người thợ cũng cao hơn so với các nghề khác.
Gia Ân