Tối 25/4, chương trình chính luận nghệ thuật Khúc ca khải hoàn diễn ra tại Nhà hát Lớn (Hà Nội). Chương trình do Đài tiếng nói Việt Nam tổ chức. Chương trình được làm 3 phần: Hà Nội nghe tin chiến thắng, Tiến về Sài Gòn và Đất nước sau thống nhất. Khán giả được sống lại không khí vỡ òa của ngày non sông liền một dải.
Phát thanh viên trực chiến 24/24, không nghỉ phép, ăn ngủ tại phòng làm việc
Bản tin chiến thắng qua giọng đọc của phát thanh viên Tuyết Mai. Video: VOV.
Một trong những điểm nhấn của chương trình là phóng sự tái hiện hai bản tin chiến thắng phát sóng ngày 30/4 và 1/5/1975. Bản tin phát sóng ngày 30/4/1975 từ Đài Tiếng nói Việt Nam tại Hà Nội với giọng đọc của phát thanh viên Tuyết Mai là lời xác tín đầu tiên gửi đi từ trái tim Thủ đô đến toàn dân tộc: “Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng. Thành phố Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng. Cờ Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc Phủ tổng thống Ngụy quyền…”.
Đến tối 1/5/1975, Đài vô tuyến truyền hình Sài Gòn Giải Phóng phát đi bản tin thứ hai, từ chính nơi vừa giải phóng. Đó là buổi phát hình đầu tiên của đài truyền hình mới tiếp quản nhưng mang sứ mệnh mở ra một kỷ nguyên mới: “Đây là Đài vô tuyến truyền hình Sài Gòn Giải Phóng, phát thanh từ Sài Gòn, kính chào đồng bào ruột thịt và yêu quý… Hồi 11h30 ngày 30/4/1975, thành phố anh hùng và vinh quang của chúng ta đã được giải phóng…”.
Hai bản tin - một từ Hà Nội, một từ Sài Gòn - như hai nhịp tim đồng điệu trong ngày hội thống nhất. Trong chương trình Khúc ca khải hoàn, hai bản tin không chỉ được phát lại như tư liệu mà được đặt đúng vị trí là linh hồn, là âm gốc cho toàn bộ bản giao hưởng nghệ thuật.
NSƯT Hà Phương - nguyên Trưởng phòng Phát thanh viên (VOV) chia sẻ kỷ niệm về những ngày cuối của cuộc kháng chiến.
Khán giả cũng được xem lại những hình ảnh quý giá về không khí phố phường Hà Nội vỡ òa niềm vui trong ngày 30/4/1975 và hình ảnh Sài Gòn những ngày đầu giải phóng. Phóng sự cũng có hình ảnh những vị tướng, những nhà lãnh đạo hai miền được gặp nhau ở thành phố mang tên Bác trong những ngày đất nước vừa thống nhất.
Phần giao lưu với nhà báo, NSƯT Hà Phương - nguyên Trưởng phòng Phát thanh viên (VOV) - gây xúc động. NSƯT Hà Phương là một trong những phát thanh viên được tác nghiệp và chứng kiến không khí làm việc đặc biệt ở Phòng Bá âm của Đài Tiếng nói Việt Nam tại phố Bà Triệu (Hà Nội) vào đúng ngày 30/4/1975. Ở tuổi 85, NSƯT Hà Phương vẫn nhớ như in ký ức trong ngày toàn thắng.
“Trong những ngày cuối của cuộc kháng chiến, các phát thanh viên của Đài Tiếng nói Việt Nam làm việc trong trạng thái trực chiến 24/24, không nghỉ phép, không nghỉ bù, ăn ngủ luôn tại phòng làm việc chỉ khoảng 15 m2 ở số 39 Bà Triệu. Chúng tôi túc trực ngày đêm để cập nhật và phát sóng tin chiến sự, đặc biệt là các tin đột xuất - không nhạc hiệu, không giới thiệu, chỉ đọc thẳng lên sóng ngay khi có thông tin mới", ông nói.
Ý thức được tầm quan trọng lịch sử của thời khắc này, lãnh đạo Đài yêu cầu lựa chọn những giọng đọc hay nhất, tiêu biểu là phát thanh viên Nguyễn Thơ và Tuyết Mai. Họ vinh dự đọc bản tin chiến thắng ngày 30/4/1975 cùng bài bình luận do NSƯT Trần Phương thực hiện.
Khán giả lớn tuổi nghẹn ngào
Chương trình Khúc ca khải hoàn có nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc. Sự xuất hiện của hơn 100 em thiếu nhi trong tiết mục hát - múa Như có Bác trong ngày đại thắng tạo nên khoảnh khắc đẹp.
Ca sĩ Đông Hùng thể hiện hào hùng ca khúc Tiến về Sài Gòn, Nguyễn Trần Trung Quân gây ấn tượng với liên khúc Mẹ yêu con - Giải phóng miền Nam cùng bản phối điện tử hiện đại.
Chương trình Khúc ca khải hoàn có nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc.
NSƯT Tân Nhàn gây bất ngờ với mashup Tiến lên chiến sĩ đồng bào - Hà Nội, Huế, Sài Gòn và Lời ca dâng Bác. Nữ nghệ sĩ tâm sự: “Tôi không sống trong thời chiến, nhưng khi cất tiếng hát, tôi cảm thấy tự hào và biết ơn thế hệ cha ông đã hy sinh vì độc lập Tổ quốc”.
Chương trình kết lại bằng ca khúc Việt Nam ơi ta bước tiếp, để lại ấn tượng và gây xúc động với nhiều khán giả đến tham dự tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Khán giả lớn tuổi ủng hộ chương trình.
Bà Nguyễn Thị Mai Hương (63 tuổi, quận Ba Đình) chia sẻ: “Tôi từng nghe bản tin chiến thắng 30/4 qua đài phát thanh khi còn là cô học trò lớp 9. Tối nay, được nghe lại đúng giọng phát thanh viên Tuyết Mai, tôi như được sống lại khoảnh khắc lịch sử mà cả đời không thể quên”.