Nghề làm nước mắm ở cửa biển Sa Cần

Nghề làm nước mắm ở cửa biển Sa Cần
4 giờ trướcBài gốc
Liên kết sản xuất nước mắm
Bà Trần Thị Ba ở thôn An Vĩnh, xã Bình Thạnh (Bình Sơn) là một trong những hộ làm nước mắm nổi tiếng trong vùng. Nghề làm mắm đã được gia đình bà lưu truyền qua 4 đời. Với bà, hương vị mắm truyền thống như thấm đượm vào nếp sinh hoạt hằng ngày trong từng bữa ăn, giấc ngủ.
Các hộ làm mắm ở cửa biển Sa Cần vẫn giữ được cách ủ mắm truyền thống trong các lu, ghè với những bí quyết riêng để tạo nên những giọt mắm tinh túy thơm ngon, đậm vị.
Mỗi năm, gia đình bà muối khoảng 4 tấn cá tươi. Mỗi can 30 lít thì lọc được 20 lít nước mắm nguyên chất. Mỗi lít mắm truyền thống bán ra thị trường có giá 50 nghìn đồng và được tiêu thụ nhanh chóng. Có bí quyết gia truyền nên nước mắm gia đình bà Ba làm ra luôn có mùi thơm tự nhiên, dễ chịu mà không hăng nồng như mùi mắm thường thấy.
“Từ bé tôi đã biết chọn cá, chọn muối để ủ mắm. Nghề này lắm cầu kỳ, vất vả để tạo ra những giọt nước mắm tinh túy nhất, chất lượng nhất. Nhưng càng làm lại càng say mê!”, bà Ba tâm sự.
Tổ hợp tác sản xuất và chế biến nước mắm ở xã Bình Thạnh có 12 thành viên gắn bó với nghề truyền thống.
Đã từng có một thời, nghề làm mắm truyền thống điêu đứng khi người tiêu dùng ưa chuộng nước chấm công nghiệp. Nhưng với sự bền bỉ, kiên nhẫn vốn có của những người dân sống nơi cửa biển, các hộ làm mắm xem đó là thử thách để chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng hương vị mắm truyền thống.
Bà Đặng Thị Tin, có kinh nghiệm 50 năm làm nghề mắm truyền thống cho biết, nước mắm chuẩn vị phải được làm ra từ cá tươi nguyên con và muối. Không có bất kỳ sự can thiệp của các loại gia vị, chất bảo quản nào, mọi công đoạn cũng hoàn toàn làm bằng thủ công. Qua nhiều tháng, có khi tính bằng vài năm mới cho ra một mẻ nước mắm nguyên chất, độ đạm cao, đậm đà, có hậu vị ngọt tự nhiên. Đặc biệt, nguyên liệu làm mắm phải từ cá biển tươi mới cho ra được mùi mắm đặc trưng, thơm lừng.
Nghề làm nước mắm truyền thống đòi hỏi nhiều sự kỳ công, vất vả.
Để giải quyết bài toán sản xuất nhỏ lẻ, không đồng đều chất lượng và khó đầu ra, vào năm 2022, Hội Nông dân xã Bình Thạnh đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất và chế biến nước mắm, với 12 thành viên tham gia. Những người nông dân truyền thống nay đã biết đoàn kết, liên kết sản xuất theo tổ, nhóm để cùng nhau đưa hương vị mắm quê hương lan xa.
“Từ khi tham gia vào Tổ hợp tác sản xuất và chế biến nước mắm, tôi cùng chị em trong tổ hỗ trợ lẫn nhau về nguyên liệu đầu vào cũng như thành phẩm đầu ra. Chia sẻ kinh nghiệm với nhau, đa số sản xuất nước mắm thủ công nên các thành viên trong tổ đều có kinh nghiệm. Tất cả sản phẩm làm ra của 12 thành viên đều được tiêu thụ nhanh chóng với giá tốt.”, bà Tin chia sẻ.
Giữ gìn nghề truyền thống gắn với bảo vệ môi trường
Hội Nông dân xã Bình Thạnh vừa ra mắt mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn “Sản xuất và chế biến nước mắm”, gắn với bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu. Các thành viên trong tổ hoạt động theo phương thức: Cá, muối chuyển thành mắm thô, từ mắm thô chuyển thành mắm tinh.
Thay vì xả thải xác mắm đã qua chế biến ra môi trường như cách làm truyền thống, với mô hình này, xác mắm qua chế biến cung cấp cho các công ty, doanh nghiệp để chế biến dùng làm thức ăn hoặc phân bón cho cây trồng, vật nuôi.
Đến nay, các hộ làm mắm ở cửa biển Sa Cần đã tạo dựng được thương hiệu nổi tiếng cho đặc sản quê hương.
Đại diện tổ sản xuất và chế biến nước mắm đã ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại và dịch vụ Mười Quý để thu gom, vận chuyển, cung cấp cho các công ty, đơn vị, doanh nghiệp tái sản xuất phân bón, hoặc làm thức ăn gia súc. Anh Đào Trọng Mười - Giám đốc Công ty Mười Quý vốn là một trong 30 hộ sản xuất nước mắm truyền thống ở xã Bình Thạnh. Anh Mười cho biết, cách làm mới sẽ thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường của các hộ làm mắm truyền thống. Đây là phương pháp chúng tôi áp dụng để tự thay đổi, tự thích nghi với tình hình thực tế và đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Đồng thời, bảo vệ được môi trường sống của chính những hộ dân gắn bó với nghề mắm lâu nay. Hiện sản phẩm nước mắm Mười Quý đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Các sản phẩm này được quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến người tiêu dùng trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Các kênh bán hàng như: Siêu thị Go Quảng Ngãi, siêu thị mini, cửa hàng thực phẩm sạch Naganic, Zon’s, AC Farm, cửa hàng OCOP... đều nhập sản phẩm Mười Quý để bán với số lượng lớn. Năm 2023, sản lượng nước mắm Mười Quý đạt khoảng 40 nghìn lít. Xưởng mắm của gia đình anh cũng là nơi đón du khách đến tham quan, tìm hiểu về quy trình làm mắm truyền thống ở cửa biển Sa Cần. Đây là để quảng bá sản phẩm khá tốt để không chỉ khách trong tỉnh mà khách ngoài tỉnh cũng biết tới nước mắm Bình Sơn.
Sản phẩm nước mắm Mười Quý đạt chuẩn OCOP 3 sao đã xuất hiện ở nhiều cửa hàng, siêu thị.
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh Lê Tấn Khánh cho biết, người dân xã biển Bình Thạnh đa số sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt, khai thác và chế biến thủy hải sản.Với đặc điểm là một làng ven biển với nhiều loại nghề khai thác biển quanh năm sản lượng thủy hải sản khá phong phú đa dạng. Từ đó, người dân đã biết cách để ướp cá, làm các loại mắm từ cá trong đó nước mắm là một đặc sản nổi bật của địa phương. Các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống đã tích cực tham gia chương trình OCOP để nâng cao chất lượng, tạo thương hiệu sản phẩm, gia tăng sức cạnh tranh với các sản phẩm nước mắm khác trên thị trường.
Để tăng tính cạnh tranh cho nước mắm truyền thống, thời gian tới địa phương hỗ trợ các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống cải tiến đa dạng hóa hình thức, mẫu mã cho sản phẩm. Nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh trong khâu sản xuất, nhất là ở các cơ sở nhỏ lẻ đang phấn đấu xây dựng thương hiệu sản phẩm, đáp ứng điều kiện an toàn thực phẩm.
Bài, ảnh: Đ.VƯƠNG
Nguồn Quảng Ngãi : http://baoquangngai.vn/kinh-te/bien-kinh-te-bien/202410/nghe-lam-nuoc-mam-o-cua-bien-sa-can-bf835b1/