Thời điểm này được xem giai đoạn quyết định để hoa cúc nở đẹp và đạt chất lượng vào dịp Tết, nên hầu hết các nhà vườn ở làng hoa cúc đều rất bận rộn với công việc chăm sóc hoa, ngắt bỏ những nụ hoa cúc ở các nách lá để cây tập trung dinh dưỡng nuôi các nụ chính.
Ngoài các lao động trong nhà, các nhà vườn còn thuê thêm người “ngắt nụ, tuyển hoa” để kịp tiến độ cho cúc ra hoa đúng vào dịp Tết.
Nghề "ngắt nụ, tuyển hoa" thu hút nhiều lao động nữ.
Dịp Tết này, gia đình bà Nguyễn Thị Liên ở xã Nghĩa Hiệp trồng hơn 1.000 chậu hoa cúc để xuất bán ra thị trường. Để cúc hoa ra kịp Tết, từ cuối tháng 11 (Âm lịch) bà Liên bắt đầu thuê người đến ngắt bớt nụ.
“Thời điểm này hoa cúc đơm nhiều nụ nhưng để lượng hoa quá dày thì kích thước bông hoa sẽ nhỏ, hoa nở không đều và giá trị thương phẩm không cao. Do đó, nhà vườn phải tỉa những nụ ở nhánh, nách lá và chỉ để lại một nụ to nhất trên cành”, bà Liên cho biết.
Công việc này đòi hỏi phải cẩn thận, tỉ mỉ và có kinh nghiệm.
Theo bà Liên, ngắt nụ kịp thời, hoa sẽ nở đồng đều hơn, mật độ phân nhánh cũng tốt hơn, hoa to hơn. Tuy nhiên, việc canh thời gian ngắt nụ sẽ tùy thuộc vào kích thước của nụ hoa. Nếu nụ hoa đã to thì thời gian ngắt sẽ muộn hơn để tránh trường hợp hoa nở trước Tết, nếu nụ hoa còn nhỏ thì sẽ ngắt sớm hơn.
Các nụ hoa ở nhánh, nách lá sẽ được ngắt bỏ để cây tập trung dưỡng chất nuôi nụ chính.
Thời gian cúc kết nụ và cho hoa khoảng 25 ngày, nên các việc “ngắt nụ, tuyển hoa” phải làm nhanh để cây tập trung dưỡng chất nuôi một bông hoa còn lại, nên dịp này cũng là lúc những lao động thời vụ kiếm thêm thu nhập từ nghề "hot" này. Bình quân, mỗi nhà vườn thuê từ 3 - 5 lao động để thực hiện công việc ngắt nụ.
Mỗi cành chỉ để lại một nụ hoa chính để hoa nở to, đều và đẹp.
Với thâm niên nhiều năm gắn bó với công việc này, bà Trần Thị Thanh Nhã ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) chia sẻ, công việc ngắt nụ tuy không nặng nhọc, nhưng rất lâu công và đòi hỏi phải kiên trì, tỉ mỉ, cẩn thận trong từng động tác để tránh để tránh gãy cành, rụng nụ hoa vì thân hoa cúc khá giòn.
“Ngoài sự tỉ mỉ, cẩn thận, người làm việc này phải chịu khó, bởi phải đứng làm việc nhiều giờ liên tục ngoài trời nên nếu không quen việc thì sẽ rất dễ bị mỏi gối, đau lưng”, bà Nhã cho biết thêm.
Nhiều lao động thời vụ chuyển sang làm nghề "ngắt nụ, tuyển hoa" vào dịp cuối năm để kiếm thu nhập.
Công việc “ngắt nụ, tuyển hoa” thường bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 17 giờ chiều và được trả lương theo ngày. Tùy theo chất lượng làm việc, mỗi người có thể kiếm từ 200 nghìn đồng - 250 nghìn đồng mỗi ngày, nên rất nhiều lao động thời vụ “chuyển nghề”.
“Hằng ngày, công việc của tôi là bán rau ngoài chợ. Tuy nhiên, cứ đến dịp này tôi chuyển sang công việc ngắt nụ hoa cúc. Một năm có một mùa nên ai nấy đều tranh thủ làm để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống khi cuối năm cần có nhiều thứ phải chi tiêu”, bà Sương ở xã Đức Nhuận (Mộ Đức) chia sẻ.
Những vườn hoa cúc ở làng hoa Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) đang được người dân chăm sóc kỹ lượng để kịp cung ứng ra thị trường vào dịp Tết.
Bằng bàn tay khéo léo, tỉ mỉ, những người làm công việc ngắt nụ hoa đã góp phần tạo ra những chậu hoa cúc chất lượng cung ứng ra thị trường vào dịp Tết. Nghề “ngắt nụ, tuyển hoa” cũng tạo công ăn việc làm để những lao động, nhất là chị em phụ nữ kiếm thêm thu nhập, góp cho cái Tết đủ đầy.
Bài, ảnh: LINH ĐAN