Nghệ nhân dân gian Mã Văn Trực say sưa và tự hào khi chia sẻ về bộ môn nghệ thuật dân gian ông đã dành nhiều năm gắn bó (Ảnh: Thanh Tùng)
Tình yêu với Then và hành trình học hỏi
Ông Mã Văn Trực, sinh năm 1979 tại xã Bành Trạch, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) trong một gia đình có truyền thống về nghệ thuật trình diễn dân gian hát Then, đàn Tính nên sớm được tiếp cận với các làn điệu dân ca của các dân tộc Tày, Nùng.
Ông kể lại những ngày thơ ấu, tiếng hát Then và âm thanh đàn Tính luôn vang quanh nhà, âm thanh này còn được tái hiện qua những câu chuyện của các bà, các mẹ và những cuộc hội tụ của các cậu, các chú. Ngay từ nhỏ ông đã được thừa hưởng truyền thống bên họ nội, họ ngoại và có niềm đam mê các làn điệu dân ca của dân tộc Tày, Nùng, nhất là làn điệu hát Then đàn Tính thường phát trên Đài phát thanh tỉnh Bắc Kạn và Đài Phát thanh tỉnh Bắc Thái.
Nghệ nhân dân gian Mã Văn Trực có tình yêu đặc biệt với văn hóa truyền thống của người Tày, Nùng (Ảnh: Thanh Tùng)
Những đêm dài, cả gia đình ông cùng nhau quây quần, hát Then và chơi đàn Tính đến sáng. “Âm thanh ấy ngấm dần vào tôi, trở thành một phần của tuổi thơ, của tâm hồn tôi”, ông Trực kể.
Khi lên 8 tuổi, ông Mã Văn Trực mong muốn trực tiếp chạm vào cây đàn, muốn thử gảy những âm thanh đầu tiên từ nhạc cụ đặc biệt này. Qua quan sát, ông bắt chước cách cầm đàn, cách đánh đàn từ những lớn tuổi trong gia đình. Dù lần đầu chạm vào cây đàn Tính, ông đã có thể đánh được vài nốt, khiến những người trong gia đình nhận ra năng khiếu và động viên ông tiếp tục tập luyện.
Không có điều kiện học tập chính quy, nghệ nhân Mã Văn Trực tự mày mò, học hỏi từ những người lớn tuổi trong làng. Mỗi người thầy ông gặp đều truyền lại cho ông những giá trị và kỹ năng quý báu.
Thầy then Khem, thầy then Nguyễn Đình Kim và những thế hệ đi trước đều đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong hành trình của ông. “Mỗi người dạy tôi một điều quý báu, giúp tôi hiểu và yêu thêm những giá trị tinh thần của hát Then, đàn Tính”, nghệ nhân Mã Văn Trực xúc động chia sẻ.
Không chỉ dừng lại ở việc học từ những người đi trước, ông còn dành nhiều thời gian để đi sâu tìm hiểu các làn điệu then ở những vùng khác nhau. Trong hành trình đó, ông đã rong ruổi khắp các tỉnh vùng núi phía Bắc, từ Cao Bằng đến Tuyên Quang, lắng nghe, học hỏi và tiếp thu những tinh hoa của nghệ thuật then nơi đây.
Với nghệ nhân Mã Văn Trực, cây đàn Tính không chỉ là một nhạc cụ đơn thuần mà còn là linh hồn của then, là vật thể kết nối con người với thế giới tâm linh. Khi không dễ dàng tìm mua đàn Tính, ông quyết định tự tìm hiểu cách làm mới đàn Tính từ những cây đàn cũ. Ông cho biết: “Không dễ gì mà làm nên một cây đàn Tính chuẩn. Đàn Tính không có kích thước cố định, quả bầu to nhỏ khác nhau, mỗi cây có sự khác biệt và từng chi tiết đều cần tính toán kỹ lưỡng”.
Ông đã trải qua nhiều thử nghiệm và đôi khi phải chế tác suốt nhiều ngày liền để tạo ra cây đàn có âm sắc đạt yêu cầu, đảm bảo các nốt nhạc không bị lỗi. Nhận thấy việc sản xuất đàn Tính để phục vụ nhu cầu của người dân là rất cần thiết nên ông Mã Văn Trực đã chế tác nhiều đàn Tính để phục vụ nhu cầu những người say mê hát Then, đàn Tính trong cả nước và cả người nước ngoài.
Sự tỉ mỉ và đam mê của ông trong quá trình chế tác đàn Tính đã mang lại cho ông nhiều cây đàn có âm thanh tuyệt đẹp, góp phần làm phong phú thêm cho nghệ thuật hát Then của vùng núi rừng.
Lan tỏa tình yêu Then
Nghệ nhân Mã Văn Trực không chỉ dừng lại ở việc hát và chế tác đàn Tính, ông còn thành lập một CLB hát Then đàn Tính tại địa phương với mong muốn bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc. Từ một nhóm nhỏ ban đầu, CLB này đã phát triển mạnh mẽ, trở thành nơi mọi người giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và tình yêu đối với loại hình nghệ thuật độc đáo này.
“Mong rằng CLB này sẽ giúp thế hệ sau hiểu và yêu quý loại hình nghệ thuật này, không chỉ để giữ gìn mà còn phát triển thêm” ông bày tỏ hy vọng với ánh mắt tràn đầy niềm tin và tự hào. Theo nghệ nhân, những thế hệ trẻ tham gia vào CLB hát Then đàn Tính của ông đã được truyền cảm hứng, được hướng dẫn những kỹ năng cơ bản và từ đó bắt đầu yêu mến và gắn bó với nghệ thuật dân gian của dân tộc.
Trên hành trình gìn giữ và phát triển nghệ thuật then và đàn Tính, nghệ nhân Mã Văn Trực đã trải qua nhiều khó khăn. Ông tâm sự: “Khó khăn lớn nhất là cây đàn Tính. Không giống các nhạc cụ khác, đàn Tính không có phím, không có điểm đánh dấu, chỉ là một cây đàn trơn. Ban đầu, tôi tập đàn cả đêm, không đèn, không điện, cứ chơi trong màn đêm tối. Tôi đã tập luyện và học hỏi cần mẫn như vậy”.
Nghệ nhân Mã Văn Trực chia sẻ câu chuyện về tình yêu với đàn Tính, hát Then của mình cho PV Báo PLVN (Ảnh: Thanh Tùng)
Những câu chuyện vui nhưng không kém phần xúc động này đã khắc sâu trong ký ức ông, trở thành minh chứng cho sự kiên trì và lòng đam mê của ông với đàn Tính.
Với hơn 30 năm gắn bó với đàn Tính, nghệ nhân Mã Văn Trực là người truyền lửa cho biết bao thế hệ trẻ yêu mến hát Then, đàn Tính. Ông đã mang loại hình nghệ thuật dân gian này đến gần hơn với công chúng, không chỉ qua các buổi biểu diễn trên sân khấu mà còn qua những nỗ lực bảo tồn, duy trì và phát triển nghệ thuật hát Then đàn Tính trong cộng đồng những người yêu bộ môn này.
Bộ sưu tập đàn Tính với nhiều kích thước được nghệ nhân Mã Văn Trực tự tay làm ra (Ảnh: Lê Hanh)
Qua câu chuyện của ông, chúng ta cảm nhận được không chỉ là niềm đam mê của một người nghệ nhân mà còn là trách nhiệm, là tâm huyết với văn hóa dân tộc. Nghệ nhân Mã Văn Trực là người đã làm sống lại những giá trị văn hóa truyền thống trong cuộc sống hiện đại, trở thành cầu nối quan trọng giữa quá khứ và tương lai, để hát Then và đàn Tính mãi vang vọng giữa đất trời Bắc Kạn.
Box: Hát Then, đàn Tính là nét đẹp, văn hóa truyền thống quý báu lâu đời của người Tày, Nùng ở khu vực miền núi phía Bắc, nhất là tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn.
Lê Hanh - Thanh Tùng