Đông đảo cán bộ tham quan, tìm hiểu các tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ghi nhận của PV Tiền Phong, sáng 19/5, nhân dịp Kỷ niệm 135 ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại Cần Thơ thu hút đông đảo người dân, cán bộ đến tham quan, tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp của Bác.
Trong nhiều ngày qua, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh ĐBSCL luôn có các đoàn, trong đó có các đoàn học sinh, sinh viên trên địa bàn Cần Thơ đến tham quan, dâng hương và tìm hiểu về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong phòng trưng bày về các hiện vật, tư liệu về Bác, nổi bật nhất là các bức tranh Bác Hồ do nghệ nhân ở miền Tây vẽ, chất liệu từ những thứ đơn giản trong cuộc sống như vỏ tràm, lá sen, lá thốt nốt…
Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh ĐBSCL là công trình thể hiện tình cảm, lòng kính yêu sâu sắc của quân và dân Quân khu 9 đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, miền Nam nói chung và Nam Bộ nói riêng luôn ở trong trái tim Người.
Hình ảnh Bác còn là nguồn cảm hứng cho sáng tác thơ ca, hội họa… Nhiều nghệ nhân miền Tây đã sử dụng chất liệu cuộc sống, thiên nhiên cùng lòng kính yêu với Bác Hồ để tạo ra những bức họa, điêu khắc về Bác kính yêu.
Chị Nguyễn Hồ Ái Vy chia sẻ: “Tôi xúc động và tự hào. Mỗi hình ảnh, mỗi hiện vật trưng bày nơi đây như đưa tôi trở về những trang sử hào hùng của dân tộc, được hun đúc bởi tư tưởng, đạo đức và phong cách sống mẫu mực của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Là một người trẻ công tác trong ngành giáo dục, tôi càng ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của thế hệ hôm nay trong việc gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp mà Bác Hồ để lại”.
Tranh Chủ tịch Hồ Chí Minh được xếp bằng vỏ tràm do nghệ nhân Lê Văn Nghĩa (Đồng Tháp) thực hiện năm 2020.
Bức tranh vẽ bằng máu của họa sĩ Diệp Minh Châu (Bến Tre - mất năm 2002) có chủ đề Hồ Chủ tịch với 3 cháu thiếu nhi Bắc - Trung - Nam, được vẽ trong ngày 2/9/1947, từ máu của chính tác giả trên vải lụa. Thể hiện tấm lòng của những người con Nam Bộ với Bác trong những năm kháng chiến chống Pháp.
Tranh chân dung Bác Hồ với chất liệu dây điện thoại do họa sĩ Đỗ Năm thực hiện bằng cách ghép các đoạn dây điện thoại. Tác giả cắt dây thông tin thành từng đoạn nhỏ, sau đó ghép lại thành chân dung Bác Hồ. Bức tranh về Bác Hồ làm bằng dây điện thoại đầu tiên được họa sĩ Đỗ Năm thực hiện vào năm 1988 với chủ đề là “Bác Hồ nghe điện thoại”.
Tranh Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng lá sen của nghệ nhân Lê Văn Nghĩa làm vào năm 2020.
Tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng bột đá granit lấy tại Thất Sơn (An Giang) của thầy giáo Võ Hoàng Nam (huyện Châu Phú, An Giang) thực hiện năm 2010.
Tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng mực tàu trên lá chuối, mo cau của nghệ nhân Đặng Mộng Tường (Nhạn Trắng). Ông là người đầu tiên nghiên cứu vẽ tranh trên nền lá chuối và mo cau với chủ đề chính là “Sen và Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Hơn 20 năm kể từ khi có ý tưởng vẽ tranh trên lá chuối, mo cau, nghệ nhân Nhạn Trắng đã cho ra đời hơn 1.000 tác phẩm và được công chúng đón nhận.
Bức tranh vẽ ngược kính bằng đầu ngón tay chủ đề "Bác chuẩn bị lên đường thăm mặt trận Bắc Cạn năm 1950" của họa sĩ Đoàn Việt Tiến (Bến Tre).
Tranh sơn dầu Chủ tịch Hồ Chí Minh của nữ du kích Đỗ Thúy Phượng (Cần Thơ) vẽ năm 1966.
Tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng mực tàu trên mo cau của nghệ nhân Đặng Mộng Tường (Nhạn Trắng) tỉnh Trà Vinh vẽ năm 2017. Ảnh: Hòa Hội