Nghệ nhân tuổi 75 'vượt bão' giữ nghề đúc đồng truyền thống

Nghệ nhân tuổi 75 'vượt bão' giữ nghề đúc đồng truyền thống
4 giờ trướcBài gốc
Nghề đúc đồng Ngũ Xã có lịch sử phát triển hơn 400 năm, đã đi vào thơ ca: “Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã".
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, nhiều tác phẩm nghệ thuật đúc đồng Ngũ Xã góp phần duy trì những giá trị tinh thần đời sống nhân dân Việt: nhớ về tổ tiên, hướng về cội nguồn, đời sống tâm linh.
Bên cạnh đó, làng nghề đã đóng góp được một số công trình nghệ thuật mang nhiều ý nghĩa lịch sử văn hóa được Nhà nước công nhận.
Tới nay, dù nghề đứng trước nhiều khó khăn, thách thức của nền kinh tế thị trường, thế hệ con cháu của làng nghề Ngũ Xã vẫn kiên trì học hỏi rèn luyện, kế thừa những tinh hoa của cha ông lưu truyền hơn 400 năm, từ đó, nỗ lực đóng góp những tác phẩm nghệ thuật cho nền văn hóa Việt.
Nghệ nhân Bùi Thị Minh được vinh danh “Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu” năm 2024
Năm 1975, nghệ nhân Bùi Thị Minh lấy chồng về làng Ngũ Xã sinh sống và được bén duyên với nghề đúc đồng truyền thống. Nhờ niềm yêu thích nghề đúc đồng truyền thống của Cụ Tổ nghề Thiền Sư Minh Không và không ngừng học hỏi, bà Minh đã được gia đình chồng cho học nghề và được bố chồng trực tiếp dạy dỗ.
Bà xác định mỗi sản phẩm của mình làm ra là một tác phẩm nghệ thuật sẽ trường tồn mãi mãi với thời gian, nhờ đó, tạo nên thương hiệu và dấu ấn của làng nghề đúc đồng truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm nay. Một pho tượng Phật đúc chuẩn khối sẽ có thần thái, làm tâm con người thay đổi, biết hướng thiện, làm điều thiện và tránh xa điều ác. Và đó cũng là giá trị của văn hóa tâm linh người Việt.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, gia đình bà đã cố gắng "vượt bão" kinh tế thị trường. Sau 50 năm cùng chồng và các con xây dựng phát triển và sáng tạo, bà Minh đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm - từ đó, cho ra đời nhiều tác phẩm, sản phẩm được khách hàng tin tưởng, phát huy được truyền thống của tổ tiên làng nghề Ngũ Xã để lại.
Từ đời cha ông của bà đã tạc lên những bức tượng độc đáo, được đặt ở những nơi tâm linh trên khắp đất nước. Cho đến nay, sản phẩm đúc đồng đã được đưa lên một tầm cao mới, không còn là những món đồ dùng truyền thống mà còn là những tác phẩm nghệ thuật.
Nghệ nhân Bùi Thị Minh: "Mặc dù nghề có rất nhiều khó khăn nhưng chúng tôi cũng rất quyết tâm giữ nghề và truyền cảm hứng cho các con cháu chúng tôi".
“Con cháu của làng nghề đúc đồng Ngũ Xã luôn cảm thấy trân trọng nghề truyền thống của cha ông để lại. Nghề đúc đồng Ngũ Xã không chỉ làm ra sản phẩm mà còn là tác phẩm nghệ thuật. Mặc dù nghề có rất nhiều khó khăn nhưng chúng tôi rất quyết tâm giữ nghề và truyền cảm hứng cho các con cháu yêu nghề. Gia đình tôi có 4 người làm nghề và đều được công nhận là nghệ nhân.
Nay tuổi đã cao, tôi rất trăn trở làm sao giữ được nghề, mong muốn có cơ chế chính sách của Nhà nước, được sự giúp đỡ của các ban ngành, giúp chúng tôi mở các lớp dạy nghề, giữ gìn và lưu truyền tinh hoa của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến”, bà Bùi Thị Minh chia sẻ.
Trải qua 400 năm trong nghề, dòng họ và gia đình bà Bùi Thị Minh đã để lại rất nhiều tác phẩm tinh xảo trên khắp đất nước Việt Nam như Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ đặt tại Đền Quán Thánh, Cửu đỉnh Huế, Yên Tử, Chùa Hương;Tượng Phật A Di Đà nặng 14 tấn tọa lạc tại Chùa Thần Quang - Ngũ Xã; Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đặt tại Hội trường Ba Đình lịch sử, Văn phòng Chủ tịch nước, Nhà sàn Bác Hồ, Đài tưởng niệm Định Hóa - Thái Nguyên; Tượng bà Võ Thị Sáu đặt tại Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Tượng bà Bùi Thị Cúc, bà Nguyễn Thị Lợi đặt tại Bảo tàng Công an thành phố Hà Nội...
Không chỉ đau đáu giữ nghề truyền thống, nghệ nhân Bùi Thị Minh còn là tấm gương hội viên phụ nữ tiêu biểu. Tham gia Chi hội phụ nữ số 3, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, bà Bùi Thị Minh đã có nhiều đóng góp tích cực xây dựng phong trào hội vững mạnh và đóng góp cho xã hội từ công tác từ thiện.
Trong suốt 25 năm qua, bà Minh và gia đình đã đồng hành với các ban ngành của thành phố Hà Nội, quận Ba Đình và 2 phường Trúc Bạch, Yên Phụ sẵn sàng giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn do thiên tai lũ lụt trên khắp đất nước: Ủng hộ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" giúp đỡ gia đình thương binh, bệnh binh nhiễm chất độc da cam; trao tặng 50 suất quà trị giá 50 triệu đồng cho những gia đình khó khăn mỗi dịp Tết đến Xuân về...
Ghi nhận những đóng góp trong việc giữ gìn và phát huy nghề đúc đồng truyền thống, bà Bùi Thị Minh được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội” năm 2019. Năm 2020, bà Minh nhận giải Nhì trong Cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức.
Năm 2021, bà Minh có 2 sản phẩm Đôi đèn tứ linh và Lọ song ngư được Ủy ban nhân dân Thành phố đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Năm 2023, bà được Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội tặng Giấy chứng nhận Người cao tuổi làm kinh tế giỏi; Hội Chữ thập đỏ Thành phố tặng Giấy khen trong công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ; Ủy ban nhân dân quận Ba Đình tặng Giấy khen trong công tác Đền ơn đáp nghĩa. Và năm 2024, bà Minh là một trong những gương điển hình tiên tiến phụ nữ Thủ đô được Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội vinh danh “Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu”.
Bảo Thoa
Nguồn LĐTĐ : https://laodongthudo.vn/nghe-nhan-tuoi-75-vuot-bao-giu-nghe-duc-dong-truyen-thong-179846.html